bn-current-user-online-portlet

Online : 3522
Total visited : 151050150

Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản Nhi - Nơi ươm mầm hạnh phúc

30/10/2021 15:30 View Count: 1634

Hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF) được coi là phương pháp giải quyết cuối cùng cho câu chuyện “tìm con” của các cặp vợ chồng  vô sinh hiếm muộn. Trò chuyện với các chuyên gia đầu ngành, y bác sỹ để hiểu rõ hơn về công việc của những người đã và đang thắp sáng hy vọng có được niềm hạnh phúc tròn đầy cho những gia đình thiếu vắng tiếng trẻ thơ.

Một sáng mùa thu, tại phòng chọc hút trứng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, PGS.TS bác sĩ Hồ Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia “cầm tay chỉ việc” cho các bác sĩ Bắc Ninh thực hiện một ca chọc hút trứng khó. Đây là một trong những ca chọc trứng đầu tiên tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh ngay khi Trung tâm Hỗ trợ sinh sản hoạt động trở lại sau gần 5 tháng tạm dừng hoạt động để tập trung dồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thuộc thế hệ thứ 2 trong cộng đồng điều trị vô sinh hiếm muộn của cả nước, với kinh nghiệm 20 năm theo đuổi chuyên ngành này và trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho nhiều bệnh viện, PGS.TS Hồ Sỹ Hùng đánh giá cao và rất ấn tượng với tốc độ chuẩn bị nhanh chóng, chu đáo về cơ sở vật chất cũng như các điều kiện khác để triển khai các kỹ thuật cao về hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh. “Chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, với 6/7 ca chuyển phôi thành công bước đầu cho thấy tỷ lệ thành công trong IVF ở đơn vị rất cao mà không phải trung tâm hỗ trợ sinh sản nào cũng đạt được. Đây là thành công ngoài mong đợi, cho thấy quyết tâm cao của lãnh đạo Bệnh viện cũng như nỗ lực của các y bác sĩ. So với các tỉnh, thành phố khác, việc triển khai kỹ thuật cao trong hỗ trợ sinh sản ở Bắc Ninh không sớm, nhưng kết quả bước đầu quả thực ấn tượng” - PGS.TS Hồ Sỹ Hùng chia sẻ.

Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Ninh được đầu tư hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, tạo đà phát triển nhiều kỹ thuật cao.

Theo bác sĩ CKII Vương Văn Khoa, Phụ trách khoa Hỗ trợ sinh sản - Nam học, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, khu thực hiện kỹ thuật cao trong hỗ trợ sinh sản chính thức hoạt động từ 19-4, đến 12-5 tạm dừng vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Chỉ tính 3 tuần hoạt động trước khi tạm nghỉ, đơn vị thực hiện 9 ca chọc trứng, trong đó 2 ca chưa chuyển phôi. Trong số 7 ca đã chuyển phôi, 6 ca thành công với thai phụ đang mang thai từ 20 đến 26 tuần. Cuối tháng 9 vừa qua, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, Trung tâm bắt đầu hoạt động trở lại, một số bệnh nhân hoãn khám và can thiệp do dịch bệnh đã đến để được khám, tư vấn và hiện thực hoá ước mơ được làm cha mẹ.

Tháng 5-2016, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh đón em bé đầu tiên chào đời sau 9 tháng thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo (IUI - hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung). Gần 5 năm sau, nơi đây tiếp tục triển khai thành công kỹ thuật IVF. Theo bác sĩ Khoa, sự khác biệt của IVF so với IUI là giải quyết tận cùng các câu chuyện liên quan đến vô sinh hiếm muộn, nếu tỷ lệ thành công của IUI chỉ khoảng 20% thì với IVF, cơ hội của các cặp vợ chồng lên đến 40-60%.

Ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Nam học hiện có 13 y, bác sĩ làm nhiệm vụ chuyên môn ở 2 khối: Cận lâm sàng và Lab. Trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, nếu khối lâm sàng ví như một bộ óc thì Lab được so sánh như một trái tim: Bộ óc có lúc được nghỉ ngơi, nhưng trái tim thì đập liên tục. Sau những biện pháp thăm khám kỹ càng, khi đã có chỉ định làm thụ tinh trong ống nghiệm thì phần việc còn lại phần lớn là kỹ thuật cao bên trong phòng Lab được kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt.

Tại phòng Lab, để tạo ra phôi thai ngoài cơ thể mẹ, có 2 phương pháp đang được thực hiện: ICSI và IVF. Trong khi IVF (In Vitro Fertilization) là thụ tinh trong ống nghiệm thông thường, cấy trứng với hàng trăm tinh trùng, thì ICSI (Intra-Cytoplasmic Sperm Injection) chỉ với một tinh trùng duy nhất, tốt nhất được tiêm trực tiếp vào bào tương noãn (trứng). Sự ra đời của ICSI mang lại niềm hy vọng và cơ hội lớn lao cho các cặp vợ chồng hiếm muộn và nhiều nguyên nhân.

Một ca can thiệp tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh.

Nói thì ngắn gọn như vậy, nhưng công việc của người thầy thuốc “gieo” sự sống trong phòng Lab thật không đơn giản. Bác sĩ Lê Văn Mạnh, phụ trách phòng Lab cho biết anh và 2 đồng nghiệp tham gia trực tiếp làm tất cả các khâu tại đây. Ngoài việc thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn, bảo đảm môi trường trong phòng Lab, anh cũng trực tiếp chuẩn bị các điều kiện cho những ca chọc trứng, chuyển phôi, hằng ngày kiểm tra tủ nuôi cấy…
Đặc trưng công việc trong phòng Lab là hầu như không giao tiếp. Các bác sĩ, kỹ thuật viên cần mẫn, tỉ mỉ, căng mắt, cân não tập trung vào kính hiển vi với mức phóng đại từ 200 đến 400 lần để tách trứng vừa được chọc hút ra khỏi các tạp chất, đánh giá chất lượng noãn ra sao… sau đó tư vấn, phân tích, dự báo tình hình cho bệnh nhân sau khi thu/nhận noãn. Để thụ tinh thành công một phôi thai, bác sỹ phải khéo léo “bắt” được “tinh binh” khoẻ nhất, có khả năng di động tốt nhất và “tiêm” vào bào tương của noãn. Sau khi thụ tinh thành công, phôi sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng đến ngày thứ 3 hoặc thứ 5 rồi đặt vào tử cung của người mẹ để làm tổ (quá trình này còn gọi là chuyển phôi).

Chị L. chia sẻ: “Suốt quá trình mang thai, tôi đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc, tư vấn của các bác sĩ tại Trung tâm. Thành quả ngọt ngào ngày hôm nay vợ chồng tôi có được là nhờ phần lớn công của đội ngũ y bác sĩ đã tận tình động viên, tiếp thêm sức mạnh cho vợ chồng tôi, mong rằng những cặp vợ chồng hiếm muộn khác cũng đừng nản lòng trong hành trình tìm con vất vả”.

Một trường hợp khác tưởng chừng đã hết hy vọng nhưng với sự giúp đỡ của các bác sĩ Trung tâm, họ đã đạt được mong muốn có con của mình ở độ tuổi 45. Đó là vợ chồng chị Đ. T. M. T. ở huyện Thuận Thành. Đứa con đầu 18 tuổi song để có được đứa con thứ hai là cả một hành trình 8 năm chờ đợi. “Nghe mọi người giới thiệu, vợ chồng mình quyết định đến Trung tâm điều trị. Niềm vui vỡ òa khi được làm mẹ sau nhiều năm chờ đợi và hy vọng. Biết tin mình có thai, gia đình hai bên đều rất mừng, các anh chị em đồng nghiệp cũng mừng cho vợ chồng mình”, chị T. không giấu nổi niềm vui.

Đăng ký hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh không chỉ giúp người bệnh thuận lợi trong việc đi lại, chăm sóc mà còn giảm được nhiều chi phí liên quan so với lựa chọn thực hiện kỹ thuật này tại các bệnh viện tuyến T.Ư. Tiến sĩ, bác sĩ Đào Khắc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh cho biết, đơn vị là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh thứ 14 trong cả nước triển khai các kỹ thuật cao trong hỗ trợ sinh sản. Để nhanh chóng hoà nhập và bắt kịp với đà phát triển của hệ thống hỗ trợ sinh sản trong cả nước, Bệnh viện cử các kíp y bác sĩ, kỹ thuật viên đào tạo bài bản tại nhiều Trung tâm Hỗ trợ sinh sản uy tín, hàng đầu trong nước. Với quyết tâm xây dựng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản trở thành đơn vị có uy tín, thương hiệu, giúp được nhiều cặp vợ chồng mong mỏi có con đạt được ước nguyện, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh không ngừng nỗ lực, phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành tuyến T.Ư, tiếp cận và ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất.

Phương Học