bn-current-user-online-portlet

Online : 4295
Total visited : 151065541

Thách thức "thừa nam, thiếu nữ" trong chênh lệch giới tính khi sinh

01/01/2021 09:50 View Count: 2136
Dù ghi nhận những bước chuyển quan trọng, công tác Dân số - KHHGĐ giai đoạn 2016-2020 có không ít khó khăn, thách thức, điều đáng nói là tỷ số giới tính khi sinh (trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái) đang trên đà giảm trong 3 năm đầu giai đoạn lại có xu hướng tăng trở lại trong 2 năm gần đây. Đây là nguyên nhân dẫn đến thách thức “thừa nam, thiếu nữ” trong tương lai.

Sự chênh lệch về tỷ số giới tính khi sinh sẽ dẫn đến “thừa nam, thiếu nữ”.


Trong 5 năm qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ tham mưu với Sở Y tế trình UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, đề án. Triển khai công tác tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh đã có 100% người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh được hỗ trợ thực hiện sàng lọc theo quy định. Gần 800 lượt cộng tác viên được tập huấn nâng cao kiến thức về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; toàn tỉnh tổ chức tư vấn, nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn tập trung gần 650 buổi cho phụ nữ có thai và phụ nữ có nguy cơ cao về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh với gần 34,4 nghìn người tham dự.

Ngay sau khi Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch thực hiện đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2020, Chi cục Dân số - KHHGĐ hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới triển khai thực hiện các hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Có hơn 1,7 nghìn buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề, chia sẻ, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân nhằm thay đổi nhận thức về nguyên nhân, hậu quả và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh với gần 121 nghìn lượt người tham dự.

Ước tính, quy mô dân số năm 2020 của tỉnh khoảng trên 1,3 triệu người; tỷ số giới tính khi sinh được khống chế ở mức 116,8 trẻ trai/100 trẻ gái, giảm 1.1 điểm % so với cùng kỳ năm 2016, song vẫn chưa đạt mục tiêu giai đoạn; các chỉ tiêu về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh đạt chỉ tiêu kế hoạch; tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng không đáng kể so với sùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 28,95%. (tăng 13,85 điểm % so với cùng kỳ năm 2016). Có thể thấy, mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tỷ số giới tính khi sinh có chiều hướng giảm trong 3 năm đầu giai đoạn lại đang có xu hướng tăng trở lại trong 2 năm gần đây (năm 2016 tỷ số này là 117,6; năm 2017 là 117,6; năm 2018 là 116,1; năm 2019 là 118,8; ước tính 2020 là 116,8).

Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt chỉ tiêu kế hoạch giao, tuy nhiên chỉ tiêu này chủ yếu thống kê được các bà mẹ tham gia siêu âm quản lý thai tại các cơ sở y tế; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc trong những năm đầu giai đoạn đạt thấp, kết quả đạt được hàng năm không đồng đều. Công tác Dân số - KHHGĐ cũng có nhiều thách thức bởi tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai đang có xu hướng giảm dần qua từng năm; công tác báo cáo thống kê chuyên ngành gặp khó do nhiều cộng tác viên xin thôi làm thống kê số liệu, một số khu dân cư mới chưa có cộng tác viên theo dõi, ghi chép; năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động tại cộng đồng bị chậm tiến độ và khó thực hiện...

Nguyên nhân do một số xã chưa chủ động phối hợp tuyên truyền tại địa phương; nhận thức của một bộ phận nhân dân, kể cả cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên còn hạn chế hoặc cố tình vi phạm chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số - KHHGĐ. Tâm lý muốn sinh thêm con để có đủ trai, đủ gái và sinh nhiều con của một số gia đình đã làm cho số người sinh con lần thứ 3 trở lên ở mức cao đã góp phần làm tăng tỷ số giới sinh khi sinh hàng năm của tỉnh. Đa số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ làm việc tại các khu công nghiệp nên việc tiếp cận đối tượng để tuyên truyền gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các địa phương có khu công nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết 133/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc Quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp, mức khoán quỹ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách và mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; ở thôn, khu phố thuộc tỉnh Bắc Ninh, số cộng tác viên Dân số giảm hơn 50%; nhiều địa bàn cộng tác viên phải theo dõi quá nhiều hộ gia đình nên xin nghỉ, dẫn đến tình trạng thiếu người theo dõi, quản lý thông tin hộ gia đình. Tỷ lệ tăng dân số cơ học tại các khu công nghiệp rất lớn, đội ngũ cộng tác viên để theo dõi biến động đối tượng này chưa có nên rất khó khăn trong công tác quản lý nhân khẩu, thu thập số liệu… Những khó khăn, thách thức này không phải chỉ ngày một, ngày hai có thể giải quyết, vì vậy cần có giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Nguyễn Hạnh