bn-current-user-online-portlet

Online : 4184
Total visited : 151070940

TP Bắc Ninh: Khó khăn trong giải bài toán mất cân bằng giới tính khi sinh

15/07/2020 14:01 View Count: 1314

Bắc Ninh là 1 trong 10 tỉnh có tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả nước với 118,8 bé trai/100 bé gái. Trong 8 địa phương của tỉnh, TP Bắc Ninh là nơi có tỉ lệ này cao nhất lên tới 127,5. Hệ quả của vấn đề này có thể chưa nhìn thấy ngay, nhưng sẽ là một mối đe dọa lớn tới tương lai sau này nếu không có biện pháp can thiệp giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, đây sẽ là một bài toán khó cần nhiều lời giải trong cả trước mắt và lâu dài.

Gia đình chị Giáp Thị Chỉ ở khu Tự Thôn, phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh đã có 2 con gái, 1 cháu học lớp 5 và 1 cháu học lớp 3. Mặc dù có biết đến chính sách của Nhà nước, cũng có được cán bộ dân số đến vận động, tuyên truyền về những hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay, nhưng với tâm lí chung là muốn có “người nối dõi” nên vợ chồng chị vẫn quyết tâm sinh cháu thứ 3 để được con trai. Chị Chỉ chia sẻ, nhà thì 2 cháu đã lớn, bản thân cũng làm việc ở nhà nên có nhiều thời gian, lại cũng có ông bà phụ giúp nên sau nhiều lần tính toán, vợ chồng chị đã quyết tâm sinh thêm cháu trai thứ 3. Nói về việc nuôi dạy các cháu, chị Chỉ cho rằng kinh tế gia đình khá ổn định nên vấn đề này không phải áp lực quá lớn.

Cũng như nhà chị Chỉ, vợ chồng chị Hoàng Thị Thương ở khu Đông Sơn, phường Nam Sơn có tới 3 con gái. Mặc dù gia đình chồng không ép buộc, tư tưởng cũng rất thoải mái nhưng tự bản thân chị Thương thấy áp lực vì mình không sinh được con trai cho chồng nên vẫn quyết định “theo thầy theo thuốc” để có con trai. Chị Thương cho biết, 2 bé đầu là con gái, nhưng đến bé thứ 3 thì bị nhỡ, không may vẫn lại là con gái nhưng nhà chị vẫn để đẻ chứ không phá, bởi quan niệm con nào cũng là con. Thế nhưng nhiều khi thấy chồng ra ngoài, có người trêu bảo “không đẻ được con trai thì ngồi mâm dưới” cũng thấy chạnh lòng, nên bản thân chị còn có quyết tâm hơn cả chồng. Đến nay chị đang mang bầu 4 tháng bé thứ 4 là con trai.

2 gia đình này chỉ là đại diện cho rất nhiều gia đình hiện nay khi vẫn còn mang nặng vấn đề con trai – con gái. Tâm lí muốn có bằng được con trai để nối dõi; áp lực phải đẻ được con trai, nếu không sẽ không hoàn thành trọng trách vẫn còn đè nặng lên tư tưởng của người phụ nữ. Đây là tình trạng chung không chỉ của riêng phường Nam Sơn mà đang rất phổ biến hiện nay trên địa bàn TP Bắc Ninh. Chị Đỗ Thị Duyên - Cán bộ chuyên trách dân số phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh cho biết, Nam Sơn là địa bàn có khu công nghiệp nên các cặp nam – nữ trong độ tuổi thường sẽ đi làm công nhân trong khu công nghiệp, không có thời gian để tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Lượng cộng tác viên làm công tác dân số bị cắt giảm nên việc tiếp cận đến từng hộ gia đình để tuyên truyền vô cùng khó khăn. Người đi tuyên truyền đã ít, đến các gia đình thì hầu hết chỉ có ông bà già và trẻ nhỏ, người trong độ tuổi sinh đẻ đều đi làm và chỉ có nhà vào buổi tối hoặc chủ nhật. Nhiều gia đình hiện chưa hiểu rõ về chế độ, chính sách của Nhà nước, lầm tưởng đã được phép sinh con thứ 3 khiến việc sinh con thứ 3 trở nên phổ biến trên địa bàn. Thống kê trong năm 2019, toàn phường Nam Sơn có 194 trẻ được sinh ra thì có đến 117 trẻ trai, chỉ có 77 trẻ gái và có đến 64 trẻ trong số đó là con thứ 3 trở lên.

Mặc dù đã được hỗ trợ triển khai đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” nhưng một số hoạt động trong đề án như khuyến khích các gia đình chỉ có 2 con gái, hỗ trợ tạo điều kiện để các học sinh nữ thuận lợi hơn trong học tập, lao động…vẫn chưa được thực hiện. Đặc biệt, hiện nay với tốc độ đô thị hóa nhanh, việc hình thành nhiều khu công nghiệp khiến quy mô dân số ngày càng lớn, vấn đề di dân đến các khu, cụm công nghiệp tập trung ngày càng phức tạp. Lực lượng di dân đều trong độ tuổi lao động và cũng là trong độ tuổi sinh đẻ. Với nếp sống công nghiệp và đô thị, việc tiếp cận các đối tượng này, đặc biệt là các đối tượng làm việc trong khu công nghiệp để tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn bởi hầu hết họ đều đi làm trong tuần. Các buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề, tư vấn về dân số, kế hoạch hóa gia đình đều phải thực hiện ngoài giờ hoặc cuối tuần.

Ông Khiếu Đại Thắng – Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế TP Bắc Ninh cho biết, mặc dù TP Bắc Ninh là đô thị trung tâm nhưng nhận thức về bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân. Việc xác định giới tính thai nhi sớm bằng kĩ thuật siêu âm vẫn là trở ngại lớn, gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Quy định cấm tiết lộ giới tính thai nhi, loại bỏ thai nhi vì giới tính trên thực tế gần như không kiểm soát được và chưa được xử lí nghiêm, nhất là đối với các cơ sở phòng khám tư nhân. Ông Thắng cũng cho biết, hiện địa bàn thành phố còn 4/19 phường thiếu cán bộ chuyên trách, phải bố trí cán bộ y tế kiêm nhiệm. So với trước năm 2018, số cộng tác viên giảm từ 315 người xuống còn 115 người nên mỗi cộng tác viên phải quản lí địa bàn rộng với quy mô dân số lớn, có nhiều trường hợp phải quản lí trên 1000 hộ gia đình, cá biệt có cộng tác viên khu Bồ Sơn quản lí tới 1950 hộ/7500 nhân khẩu. Vì thế các thông tin biến động về dân số còn chưa được nắm bắt, cập nhật kịp thời để đưa ra kế hoạch tổ chức tuyên truyền, vận động cơ sở sát với thực tế đạt hiệu quả cao.

Đến nay, công tác dân số chủ yếu tuyên truyền, vận động, không có chế tài xử phạt đối với người vi phạm, do đó việc vận động giảm sinh con thứ ba còn gặp khó khăn. Một số cán bộ chuyên trách dân số còn trẻ, kinh nghiệm quản lý, điều hành công tác dân số còn hạn chế. Việc tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chỉ tiêu dân số còn chậm. Một bộ phận CTV dân số kỹ năng tư vấn, vận động còn hạn chế. Phương pháp, cách thức tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền thôn, cụm dân cư và cách tiếp cận đối tượng đích cũng chưa đạt hiệu quả cao. 

Có rất nhiều lí do để các gia đình muốn sinh thêm con thứ 3, thậm chí là thứ 4. Và trong số những đứa trẻ “sinh thêm” này, tỉ lệ là con trai chiếm phần nhiều. Các gia đình chưa có con trai thì càng có lí do để sinh thêm “người nối dõi”; gia đình có đủ nếp, đủ tẻ thì sinh cho “vui cửa vui nhà”, đặc biệt có nhiều gia đình sinh thêm con, nhất là con trai với tâm lí “dự phòng”. Điều này đã khiến tỉ lệ sinh con thứ 3 tăng đáng kể trong thời gian qua, nhất là đối với các gia đình có điều kiện. Xác định đây sẽ là một bài toán nan giải, không thể có kết quả trong một sớm một chiều. Vì vậy đòi hỏi phải có biện pháp trước mắt và lâu dài, đồng hành là sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, đoàn thể để giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 và giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.

Giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề cấp bách, quan trọng, yêu cầu sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn dân.

Trong thời gian tới, với sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội sẽ từng bước kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức bình thường, góp phần chuyển hướng chiến lược từ kế hoạch hóa gia đình sang thời kỳ dân số và phát triển.

 

Nguyễn Lương