bn-current-user-online-portlet

Online : 3480
Total visited : 151080633

Định hướng xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn

03/11/2020 09:05 View Count: 364
Thực phẩm an toàn cần phải được quản lý trong suốt quá trình sản xuất, chế biến và kinh doanh, trong đó quản lý ATTP theo chuỗi từ khâu sản xuất ban đầu cho đến người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm chất lượng sản phẩm, ATTP. Nhằm hiện thực hoá định hướng xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan có bước khởi động cho hoạt động này.
 

Rau quả an toàn ngày càng được nhiều người lựa chọn để bảo đảm cho bữa ăn gia đình.

Nằm ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh đã, đang và sẽ tiếp cận thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận cung cấp thực phẩm nông sản do lợi thế về địa lý, chủng loại, chất lượng sản phẩm, giá cả. Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp an toàn theo VietGAP, VietGAHP… ngày càng được triển khai áp dụng rộng rãi. Các sản phẩm nông nghiệp được nâng cao về chất lượng, số lượng, đa dạng về chủng loại do vậy đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn và thị hiếu tiêu dùng khác nhau. Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh còn chậm, các sản phẩm thực phẩm của chuỗi chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ sản lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm của người dân trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Ban Quản lý An toàn thực phẩm, trên địa bàn tỉnh hiện mới có 20 chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn. Con số này ước tính mới đáp ứng được từ 4-5% nhu cầu thực tế.

Trong khi đó, hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm để truy suất nguồn gốc thực phẩm chưa được ứng dụng rộng rãi, sản lượng thực phẩm an toàn, đặc biệt là các sản phẩm thực thẩm của các mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tiêu thụ qua các hệ thống phân phối và kinh doanh còn hạn chế do chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và đa dạng sản phẩm; thị trường tiêu thụ còn thiếu ổn định nên chưa khuyến khích được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ yếu theo phương thức truyền thống, canh tác theo thói quen, chưa thực sự quan tâm đến sản xuất thực phẩm an toàn. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng ATTP và trách nhiệm của  một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng còn chưa cao...

Đứng trước yêu cầu về việc cần phải xây dựng chuỗi nông sản an toàn khép kín nhằm tạo ra nhiều nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng, cung cấp ổn định cho xã hội, thông qua hoạt động sản xuất, kết nối, giám sát từng công đoạn trong chuỗi, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng; để người dân yên tâm sử dụng nông sản an toàn và có đầy đủ thông tin về sản phẩm... Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã trình UBND tỉnh Đề án Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Đối tượng chính là sản phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật, nông sản có nguồn gốc động vật, sản phẩm thuỷ sản, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chủ lực của địa phương (như: Rau, thịt lợn, thuỷ sản nuôi...); các công đoạn sản xuất kinh doanh theo chuỗi (trồng trọt/chăn nuôi/đánh bắt/thu gom, sơ chế/giết mổ/chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm).

Đề án gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2020-2022) sẽ triển khai việc xây dựng mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn, giai đoạn 2 thực hiện nhân rộng mô hình. Hiện tại, việc triển khai xây dựng mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn đang được bắt đầu với bước khảo sát, đánh giá, lựa chọn, thiết kế mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

Là một trong 9 cơ sở đăng ký xác nhận cho 20 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh hiện nay, Cửa hàng rau sạch Hiển Master (Chợ Trung tâm Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh) vừa thực hiện kiểm nghiệm đối với 13 sản phẩm rau, củ, quả theo mùa được bày bán thường xuyên tại cơ sở. Chị Tô Thị Thu, chủ cơ sở cho biết: “Thương hiệu rau sạch Hiển Master đã được gây dựng nhiều năm, vì thế để giữ gìn và phát triển thương hiệu, việc thực hiện các quy định về ATTP được hết sức chú ý. Hướng tới sản phẩm thực phẩm an toàn để cung ứng nhiều hơn cho thị trường, chúng tôi đang sản xuất rau, củ, quả tại 2 trang trại với tổng diện tích gần 1ha đã được chứng nhận VietGAP cho năng suất mỗi năm khoảng 80-85 tấn và đang hướng tới sản xuất hữu cơ. Bên cạnh việc cung cấp rau, củ, quả an toàn cho từ 130-170 lượt khách mỗi ngày tại cửa hàng, chúng tôi còn cung ứng cho hàng chục bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh”. Cũng theo chị Thu, việc tham gia xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn chỉ có “được”, chứ không “mất” bởi sản phẩm được cơ quan quản lý về ATTP chứng nhận chắc chắn sẽ khiến khách hàng yên tâm, tin tưởng vào sản phẩm của mình, từ đó tạo nền tảng để củng cố và phát triển thương hiệu.

Trên thực tế, thực phẩm an toàn có thể đến từ nhiều nguồn như các mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAPH... Tuy nhiên việc được xác nhận thuộc chuỗi cung ứng không chỉ giúp cơ quan quản lý truy suất được nguồn gốc mà còn giúp cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm tạo dựng được thương hiệu thông qua đổi mới phương thức sản xuất và quản lý ATTP theo Luật An toàn thực phẩm. Đề án Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn trên địa bàn tỉnh do đó được kỳ vọng tạo ra sự đột phá trong việc cung cấp ngày càng nhiều hơn thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng.

Việt Hoa