Sơ kết 3 năm 2011-2013 dự án Đổi mới và phát triển dạy nghề và triển khai kế hoạch năm 2014

10/12/2013 02:12 Số lượt xem: 97
Ngày 5/12/2013, tại trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (TP.Vinh tỉnh Nghệ An), Tổng cục Dạy nghề tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm 2011-2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Việc làm và Dạy nghề. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi phát biểu chỉ đạo hội nghị
Cùng dự hội nghị có PGS.TS Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, ông Nghiêm Trọng Quý - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, đại diện các Bộ, ngành, các trường cao đẳng, trung cấp nghề có nghề được đầu tư trọng điểm khu vực phía Bắc; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện chức năng của Tổng cục Dạy nghề. Về phía tỉnh Nghệ An có ông Lê Xuân Đại, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy-Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Lê Xuân Đại-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An điểm lại một số thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có phần đóng góp rất lớn từ lĩnh vực phát triển, đổi mới dạy nghề trên địa bàn. Theo ông Lê Xuân Đạt, trong những năm vừa qua các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã bước đầu tạo sự gắn kết với một số doanh nghiệp, công ty để đào tạo nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân hơn 3%/năm. “ Với một tỉnh đông dân, diện tích rộng như Nghệ An, trong bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động phải thông qua hệ thống đào tạo, dạy nghề. Chỉ có nguồn nhân lực qua đào tạo mới giúp địa phương phát triển bền vững, đưa Nghệ An thành trung tâm khoa học, KT-XH của các tỉnh bắc miền Trung vào năm 2020”-ông Lê Xuân Đại khẳng định.
Trong bài phát biểu khai mạc và định hướng thảo luận về thực hiện chiến lược đổi mới dạy nghề, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi đã lưu ý đến tính khả thi của việc thực hiện chiến lược đổi mới dạy nghề. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Tổng cục Dạy nghề, các trường dạy nghề cần đánh giá thực chất công tác đổi mới dạy nghề trong 3 năm 2011-2013 để có bước điều chỉnh năm 2014 và những năm tiếp theo. “ Triển khai Chiến lược đổi mới, phát triển dạy nghề, cần nghiêm túc đánh giá những nhóm chỉ tiêu đã làm được và chưa làm được. Trong đó tư duy hoạch định chính sách, quản lý thực hiện phải đi trước, không làm phong trào, lan rộng nhưng sản phẩm của dạy nghề (người học) chất lượng không cao.
Đổi mới chất lượng dạy nghề không chỉ phục vụ cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho đất nước, mà còn là bước chuẩn bị năm 2015 khi 10 quốc gia ASEAN là một thị trường lao động, nhân lực chung. Lao động Việt Nam không chỉ có tay nghề, mà còn có kỹ năng nghề tương đương các quốc gia phát triển tiên tiến như Singapore, Malaysia, Thái Lan”-Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh. Chia sẻ khó khăn với các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong công tác tuyển sinh, chuẩn hóa cơ sở vật chất, giáo trình và đội ngũ giáo viên theo yêu cầu của chiến lược đổi mới và phát triển dạy nghề đặt ra, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi “Để có nguồn nhân lực qua đào tạo có chất lượng, bản thân hiệu trưởng các trường dạy nghề phải tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời lên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND cùng sự hỗ trợ từ Tổng cục Dạy nghề. Sự nghiệp đổi mới phát triển dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực là của địa phương do vậy cần tính toán cách làm, huy động thêm nguồn tài chính theo hướng xã hội hóa, đa dạng, quyết tâm mới có thể thành công”.
Báo cáo sơ kết 3 năm (2011-2013) thực hiện việc đổi mới và phát triển dạy nghề, ông Trương Anh Dũng-Giám đốc Ban quản lý các dự án dạy nghề vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia cho biết: Có 4 nhóm mục tiêu chủ yếu, gồm: Hỗ trợ phát triển hệ thống dạy nghề có năng lực đào tạo lao động kỹ năng nghề cao, từng bước tạo đột phá về chất lượng dạy nghề; Hỗ trợ phát triển đồng bộ khoảng 130 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; Hỗ trợ đầu tư tập trung cho các trường nghề được lựa chọn thành trường nghề chất lượng cao, trong đó có 26 trường đạt chuẩn vào năm 2015 và góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước vào năm 2015. Cũng theo ông Trương Anh Dũng, quá trình triển khai tập trung 6 nhóm nhiệm vụ chính. Đó là: Xây dựng hệ thống quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu về dạy nghề cho các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở dạy nghề trên phạm vi cả nước; Đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho các nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; trường chất lượng cao; Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý dạy nghề; Phát triển chương trình; đào tạo thí điểm, xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề; phát triển hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề trong đó có việc thí điểm xây dựng 03 trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề và Phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia. Giai đoạn thực hiện từ 2012-2015. 
Những kết quả của dự án trong 3 năm đầu tiên đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ triển khai thực hiện các giải pháp đột phá giai đoạn 2011-2015 của Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020. Đáng chú ý, với các văn bản pháp lý quan trọng đã được xây dựng và ban hành, các nội dung nhiệm vụ của dự án được triển khai tích cực, tạo nền tảng để tiếp tục thực hiện các mục tiêu đề ra trong 2 năm tới. Điều quan trọng, qua việc đầu tư, đổi mới trang thiết bị, cơ sở vật chất dạy nghề, từng bước nâng cao, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên các cơ sở dạy nghề đã góp phần phát triển hệ thống dạy nghề có năng lực đào tạo lao động có kỹ năng nghề cao, từng bước đột phá về chất lượng dạy nghề. Nhiều trường thụ hưởng dự án có cơ sở vật chất, thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo, để có một số nghề tiếp cận được trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực ASEAN và thế giới.
Sau khi lắng nghe các báo cáo từ các Vụ, Cục, Viện chức năng dạy nghề của Tổng cục Dạy nghề và tham luận, góp ý của các đại biểu đại diện các trường dạy nghề về định hướng tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy việc hoàn thành kế hoạch dự án trong 2 năm tới, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân lưu ý: Các trường dạy nghề thụ hưởng dự án phải chú trọng tính toán đầu tư có trọng điểm, đầu tư theo nghề, tự nâng tầm chất lượng đào tạo các nghề, không chỉ cung ứng nguồn nhân lực cho quốc gia mà còn có thể cạnh tranh quốc tế. “Năm 2015, 10 quốc gia ASEAN sẽ thành một cộng đồng chung, một thị trường nhân lực chung. Làm thế nào để bằng cấp, chứng chỉ đào tạo từ các trường nghề Việt Nam được quốc tế, khu vực công nhận, lao động Việt Nam có thể tham gia thị trường lao động có tính cạnh tranh cao như tại Singapore và một số quốc gia có trình độ phát triển tiên tiến hiện đại, bình đẳng về cơ hội, thu nhập như lao động nước sở tại”.
Theo phân tích của ông Dương Đức Lân, nhận định tình hình chung, đến năm 2015 vẫn là chuyện rất khó khăn, cần sự nỗ lực phấn đấu trọng tâm, trọng điểm từ các cơ quan tham mưu của Tổng cục Dạy nghề và chính những hiệu trưởng các trường nghề. Hiện, dự báo nguồn lực tài chính từ Trung ương cấp cho dự án của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Việc làm và Dạy nghề trong những năm tới rất khó khăn. Do vậy, Tổng cục Dạy nghề sẽ tính toán lại các bước đầu tư nguồn lực cho các trường, các nghề trọng điểm, chú trọng đầu tư chất lượng các nghề mang tính cạnh tranh quốc tế. “Tổng cục Dạy nghề sẽ tập trung hỗ trợ kỹ thuật tới các trường theo chọn lọc, nhập các bộ giáo trình kỹ thuật, thuê chuyên gia nước ngoài hướng dẫn các trường trong công tác triển khai đào tạo các nghề trọng điểm theo chuẩn thế giới, khu vực. Tiến hành thử nghiệm diện hẹp, sau đó đánh giá lại tổng thể, trước khi triển khai rộng sau năm 2016-2017...”
   
 
Thanh Phúc - VPTC
Nguyen Kinh Duc
Nguồn: BBN