Người chăn nuôi gặp khó khăn khi giá trâu, bò xuống thấp

10/05/2024 16:04 View Count: 102

Những tháng gần đây, giá trâu, bò thịt trên địa bàn giảm, trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng khiến cho người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Các hộ nuôi trâu, bò đã điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.


 

Hiện nay trên địa bàn huyện có 2.270 con trâu bò, giảm khoảng 200 con so với thời điểm cuối năm 2023. Trước thực trạng giá trâu bò xuống thấp khiến cho người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, các hộ nuôi trâu, bò đã điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ tạm dừng. Ông Nguyễn Văn Sơn xã Cao Đức cho biết: trái ngược với giá trâu bò hiện nay thì giá lợn thịt, gà, vịt… lại có mức giá khá ổn định, dẫn đến người dân không còn mặn mà với chăn nuôi trâu, bò.

Theo một số hộ chăn nuôi và đầu mối thu mua trâu, bò trên địa bàn huyện Gia Bình: Nếu như thời điểm đầu năm 2023, giá thu mua trâu thịt đạt trên 90 nghìn đồng/kg hơi, thì đến cuối năm 2023, giá sụt giảm chỉ còn 70 nghìn đồng/kg.  Giá bò thịt cũng giảm từ trên 90 nghìn đồng/kg hơi xuống còn 75 nghìn đồng/kg.  Nhận định về nguyên nhân khiến giá trâu, bò sụt giảm mạnh thời gian qua, một số đầu mối thu mua cho rằng, nguyên nhân chính là do thị trường xuất khẩu trâu, bò gặp khó khăn, ngoài ra còn có nguyên nhân từ lượng thực phẩm nhập khẩu gia tăng, giá cả cạnh tranh. Việc giá trâu, bò giảm mạnh khiến các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn bởi trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nếu nuôi kéo dài sẽ lỗ vốn, người dân không có khả năng tái đàn, tăng đàn. Trước thực trạng trên, người chăn nuôi trâu, bò cần tiếp tục theo dõi sát thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không giảm đàn ồ ạt khiến nguồn cung bị đứt gãy; tập trung phòng, chống dịch để không bị thiệt hại do dịch, bệnh, tận dụng các sản phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, cần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh được chứng nhận, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, người chăn nuôi cũng kiến nghị đến các cấp các ngành cần tăng cường hỗ trợ nông dân xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số và tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử…, hỗ trợ bằng các chính sách vay vốn lãi xuất thấp để phát triển chăn nuôi góp phần giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn ổn định sản xuất./.

Xuân Thuỷ