Lịch sử hình thành địa danh huyện Gia Bình

14/10/2015 01:15 View Count: 25318

Lịch sử hình thành địa danh huyện Gia Bình

Gia Bình là vùng đất cổ phù sa màu mỡ bên sông Đuống, nên từ ngàn xưa đã có cư dân Việt cổ về đây sinh cơ lập nghiệp và để lại dấu ấn là những khu cư trú mộ táng, địa danh, di tích và tín ngưỡng. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở xã Lãng Ngâm có di chỉ cư trú và mộ táng với những di vật bằng đồng như: rìu, búa, giáo, mác thuộc văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 4000 năm). Đó còn là hiện tượng tín ngưỡng, hàng loạt các làng xã nằm ven sông Đuống và sông Bái Giang thờ “Lạc Thị đại vương” (tức dòng dõi Lạc Long Quân) là các bậc thuỷ tổ dân tộc, tiêu biểu là đình Văn Lãng của thôn Đại Bái  thờ “Lạc Thị đại vương” còn giữ được sắc phong niên đại Cảnh Hưng 44 (1783) cho biết khá rõ về người được thờ như sau: “Sắc phong cho ba vị đại vương thuộc dòng dõi Lạc Long Quân linh thiêng ở Đại Việt. Là tinh khí tạo thành, do núi sông hun đúc. Gốc từ trăm trứng mà ra, lập ra cơ đồ ở cõi trời Nam. Mở nền thịnh trị một phương, từ phía Bắc trở lại trừ diệt tai ách, khiến cho mạch nước được yên, từng che chở cho dân ta, tiếng tăm lừng lẫy, thật là đáng được ca ngợi. Vì nhà vua mới lên ngôi báu, trông coi việc chính sự, xét về lễ là được nâng bậc, nhà vua phong cho mỹ tự, lại gia phong cho là Đại Việt Lạc Thị linh ứng phong công trí đức cương nghị ba vị đại vương”.

Thời Hùng Vương - An Dương Vương, vùng đất Gia Bình thuộc bộ Vũ Ninh và để lại dấu ấn đậm nét ở ngôi đền thờ Cao Lỗ Vương (xã Cao Đức). Theo thần tích cho biết ông là tướng tài giúp An Dương Vương xây dựng quốc gia Âu Lạc, xây thành Cổ Loa, có công chế tạo “nỏ thần” đánh giặc giữ nước.

Thời chống Bắc thuộc, vùng đất này thuộc hai huyện An Bình và Nam Định. Đời Lý Trần thuộc huyện An Định lộ Bắc Giang. Thời Lê sơ, huyện An Định được đổi là Gia Định, thuộc phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Thời Nguyễn, vua Minh Mệnh năm thứ nhất (1820) huyện đổi tên là Gia Bình. Xưa kia, lỵ sở của huyện Gia Bình ở xã Bảo Khám. Năm 1820 được chuyển về xã Đông Bình. Năm 1888 chuyển đến xã Nhân Hữu. Năm 1841 chuyển về xã Khoái Khê. Năm 1920 chuyển về núi Nghĩa Thắng thuộc dãy Thiên Thai, xã Đông Cứu ngày nay.

 Theo sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi viết thời Lê (năm 1435): huyện Gia Bình khi ấy có 86 xã và 1 sở. Đến thời Hồng Đức còn 67 xã. Đến đầu thời Nguyễn có 8 tổng, 68 xã. Vào triều vua Đồng Khánh còn 7 tổng, 60 xã. Sau đấy, tổng Đại Lai chia thành 2 tổng (Đại Lai và Nhân Hữu) thì lại có 8 tổng, 60 xã. Đến năm 1877, tổng Tam Á và 2 xã (Đông Côi, Trương Xá) lại nhập vào tổng Đông Hồ của huyện Thuận Thành.

 Trước Cách mạng tháng Tám (1945), huyện Gia Bình có 8 tổng với 66 xã là:

 1.Tổng Bình Ngô: xã Bình Ngô có 3 thôn (Đường, Nội, Ngô); xã Nghi Khúc (làng Bưởi Cuốc); xã Yên Ngô; xã Thường Vũ (làng Kếp); xã Đoan Bái, xã Đại Bái (làng Bưởi Nồi), xã Ngọc Xuyên.

 2. Tổng Đông Cứu: xã Đông Cứu có 3 thôn Bảo Tháp (Gủ Tháp), Thị, Yên Việt (Gủ Vọt); xã Cứu Sơn (Gủ Hương); xã Lãng Ngâm có 4 thôn (Môn Ải, Phú Đa, Tỉnh Cách, Yên Sơn); xã Ngăm Điền; xã Quảng Ái. Sau có thêm 3 xã nữa là: Ngăm Mặc năm 1903 tách khỏi tổng Đại Toán; Hương Vinh (Nội trong) vốn là một thôn của xã Đông Cứu; Ngăm Điền Giáo được tác khỏi xã Ngăm Điền.

 3. Tổng Tiêu Xá: xã Tiêu Xá, xã Do Tràng, xã Cổ Thiết, xã Hữu Ái, xã Từ Ái, xã Lập Ái, xã Thiên Đức Giang - Thuỷ Cơ phường.

 4. Tổng Xuân Lai: xã Xuân Lai, xã Yên Thành, xã An Khoái có 2 thôn Mỹ (làng Mốt) và Ngô (làng Ngò), xã Khoái Khê (làng Khoai), xã Yên Mô (làng Mỗ), xã Phúc Lai (làng Đông Cao), xã Định Lãng (Định Cương).

 5. Tổng Quỳnh Bội gồm các xã: Quỳnh Bội (làng Bùi), Phú Dư (Đọ Nam, Đổng Lâm (làng Lìm), Đỗ Xá (làng Đọ Bắc), Lương Pháp (làng Bíp con- Bíp Tây), Đông Bình (Bùi Trại), Thủ Pháp (làng Bíp lớn- Bíp Đông).

 6. Tổng Vạn Ty gồm các xã: Vạn Ty có 4 thôn Châu Lỗ (làng Dù), Đạo Viện (làng Viền), Hương Trạch (làng Chằm), Phúc Lộc (làng Dộc), Vạn Tải, Bà Dương, Tiểu Than (làng Dựng); Đại Than có 3 thôn Bình Than, Đại Trung (làng Gốm), Đông Trung (làng Lớ), Văn Than (làng Nái), Kênh Phố, Phù Than, Mỹ Lộc, Cao Trụ, Vạn Thọ; Bà Dương Sở.

 7. Tổng Đại Lai gồm các xã: Đại Lai, Phùng Xá (làng Bùng), Huề Đông, Bảo Triện (Phương Triện) có 2 thôn Triện Quang và Triện Trung, Ngô Cương (làng Ngò), Hương Triện, Địch Trung, Ngọc Triện, phường Bùi Giang.

 8. Tổng Nhân Hữu gồm các xã: Nhân Hữu có 3 thôn làng Ngụ (Cầu Đào), Đoàn, Lời (Lê), Gia Phú (làng Đìa), Bồng Trì, Phương Độ, Cẩm Xá (làng Vối).

 Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước ta tổ chức lại đơn vị hành chính cơ sở xoá bỏ cấp tổng, phủ, các làng xã nhỏ được sát nhập lại, huyện Gia Bình còn 14 xã là: Đại Bái, Đại Lai, Đông Cứu, Lãng Ngâm, Bình Dương, Nhân Thắng, Quỳnh Phú, Giang Sơn, Song Giang, Thái Bảo, Cao Đức, Vạn Ninh, Xuân Lai, An Bình. Đến năm 1980 xã An Bình gồm các thôn (Bình Ngô, Nghi Khúc, Thường Vũ, Yên Ngô) được tách về huyện Thuận Thành.

 Trong kháng chiến chống Pháp, để phù hợp với tình hình kháng chiến, tháng 8/1950, huyện Gia Bình và Lương Tài sát nhập làm một lấy tên là huyện Gia Lương, thuộc tỉnh Bắc Ninh.

 Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1962 tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang hợp nhất thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Hà Bắc, khi ấy Gia Bình thuộc tỉnh Hà Bắc .

 Năm 1997 tỉnh Bắc Ninh được tái lập, đến năm 1999 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 68/1999/NĐ-CP ngày 9/8/1999 huyện Gia Lương tái lập thành 2 huyện Gia Bình và Lương Tài. Huyện Gia Bình chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới từ ngày 1 tháng 9 năm 1999. Đến tháng 8/2002 tại Nghị định số 37/2002/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ thị trấn Gia Bình được thành lập là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện Gia Bình.