Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

19/05/2020 10:21 View Count: 285

Ngày 15/5/2020, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Trần Thị Hằng - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh từ ngày 01/01/2015 - 30/6/2019 đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đồng chí Trần Thị Hằng- TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Tại buổi giám sát, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ ngày 01/01/2015 - 30/6/2019 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, dân số trẻ em dưới 16 tuổi là 306.822 (trong đó nam 168.752 trẻ chiếm 54,9%, trẻ em nữ 138.070 chiếm 45,1%); số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 3.876 trẻ và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt 3.884 trẻ (trong đó số trẻ sống trong hộ gia đình nghèo: 3.475)

Cũng theo báo cáo đánh giá tình trạng trẻ em bị xâm hại trẻ em những năm gần đây diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số lượng và đa dạng về hành vi xâm hại như xâm hại thể chất, xâm hại tinh thần, xâm hại sao nhãng và đặc biệt là xâm hại tình dục, đối tượng bị xâm hại đa phần là những em gái trong độ tuổi từ 13 đến dưới 16 tuổi. Trên địa bàn tỉnh có 44 trẻ em bị xâm hại, trong đó 36 em bị xâm hại tình dục, 08 trẻ em bị xâm hại tính mạng, sức khỏe. Các đối tượng thực hiện hành vi tất cả đều là nam giới, trong đó là người ruột thịt của trẻ 04 đối tượng, người thân thích, bạn bè khác: 17, là người có trách nhiệm chăm sóc 01, là người lạ 22; có 06 trẻ tử vong do bị xâm hại, trong đó 01 trẻ tự tử). Năm 2015 - 2019, tỉnh chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, tuy nhiên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, đề án và văn bản chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó bao gồm nội dung tăng cường giải pháp về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ngày 12/5/2020 tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND về kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020-2025 nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian tiếp theo.

Đồng chí Đinh Văn Duân-TUV, Giám đốc Sở LĐTBXH báo cáo giải trình đoàn giám sát

Qua buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đã có 4 ý kiến tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật về tội danh xâm hại tình dục trẻ em chưa rõ ràng; xác minh, điều tra, xử lý những vụ án, vụ việc còn khó khăn; công tác tuyên truyền hạn chế, chưa thực hiện thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực trẻ em; công tác tổ chức cán bộ đặc biệt là hoàn thiện đội ngũ cộng tác viên phù hợp với đòi hỏi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong giai đoạn hiện nay, các hoạt động tại trung tâm và các cơ sở bảo trợ xã hội, công tác phối hợp, thông tin, báo cáo giữa sở, ngành không kịp thời... Ngoài ra, các đại biểu có ý kiến bổ sung về một số nội dung trong Luật Trẻ em, quy trình hỗ trợ can thiệp…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, trước tình trạng trẻ em bị xâm hại, nhất là nạn bạo lực học đường, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục đang diễn ra ngày càng nhiều thì hoạt động giám sát cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian tới. Đồng chí đề nghị Sở Lao động-TB và XH phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiếp tục tham mưu để có những giải pháp thiết thực trong phòng, chống xâm hại trẻ em, tham mưu ban hành văn bản phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đặc biệt là cấp huyện và cấp cơ sở; thường xuyên tổ chức giám sát thực tế tại cơ sở địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, xây dựng môi trường an toàn, làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, mở lớp tập huấn kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em…

Về kiến nghị của các thành viên đơn vị được giám sát tại buổi làm việc Đoàn giám sát sẽ tiếp thu để tổng hợp, trình Quốc hội xem xét, bổ sung trong thời gian tới./.

BVCSTE
Source: Ban biên tập CTTĐT