Tọa đàm tăng cường vai trò của phụ nữ tham gia vào vị trí Lãnh đạo cấp quản lý cấp ủy và cơ quan dân cử

01/10/2019 10:17 View Count: 308

Trong những năm qua thực hiện Luật Bình đẳng giới và chiến lựơc quốc gia về Bình đẳng giới, nhận thức của hệ thống chính trị, của xã hội, của gia đình và bản thân người dân nói chung, phụ nữ nói riêng được nâng lên. Nhiều chủ trương, chính sách của các cấp uỷ đảng, HĐND đã cụ thể hoá nội dung bằng chương trình, hành động cụ thể được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát huy tiềm năng, năng lực và sức sáng tạo, thực hiện quyền và nghĩa vụ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Các hoạt động giới bước đầu được lồng ghép vào chương trình công tác, vào quá trình xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách của các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực kinh tế lao động, việc làm… đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giới. Cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp quan tâm tới hoạt động vì sự phát triển của phụ nữ, do vậy vị thế của phụ nữ đã được nâng lên, khẳng định được vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, xã hội giữ vững an ninh, chính trị và trật tự xã hội tại địa phương.

Đối với Bắc Ninh, chúng ta khẳng định một điều là sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, cấp ủy và cơ quan dân cử ngày càng được quan tâm trong nhiệm kỳ 2015 - 2020:

* Tỷ lệ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm:

+ Bắc Ninh có 01 đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy và 01 đồng chí là Chủ tịch HĐND tỉnh và 01 đồng chí là Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ( nhiệm kỳ trước không có).

+ Cán bộ nữ thuộc diện Ban TV Tỉnh uỷ quản lý có 45/351= 13% (Nhiệm kỳ trước 13 đồng chí);

+ Cán bộ lãnh đạo cấp phòng thuộc các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh 172/683 = 25,2% (nhiệm kỳ trước 122 đồng chí);

* Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và đại biểu dân cử cấp tỉnh:

+ Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 có 8nữ/51 đạt 15,68% (trong đó có 02/15 nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy đạt 13,3%; 01 đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy là nữ). Có 69 đồng chí nữ tham gia cấp ủy cơ sở thuộc các Sở, bàn, ngành, đoàn thể của tỉnh.

+ Đại biểu Quốc hội khóa XIV có 02 nữ/7đại biểu, đạt 28.57%; Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội là nữ.

+ Đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, có 15 nữ/53đại biểu, đạt 28,3%. Trong đó: Chủ tịch HĐND là nữ.

Như vậy, có thể nói trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo quản lý, cấp ủy và cơ quan dân cử đã tăng ở tất cả các cấp.  Hoạt động giám sát, kiểm tra việc thực hiện luật pháp chính sách về Bình đẳng giới được Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tiến hành thường xuyên, đã kịp thời đưa các kiến nghị, đề xuất, các giải pháp hợp lý góp phần cho sự phát triển phụ nữ.  Việc lựa chọn, quy hoạch, đào tạo dự nguồn cán bộ nữ tham gia vào các cấp ủy Đảng, đoàn thể và HĐND các cấp được thực hiện tốt, thể hiện tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ, HĐND, UBND các cấp từ tỉnh đến cơ sở liên tục tăng sau mỗi nhiệm kỳ. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác phát triển Đảng viên nữ, hàng năm có giao chỉ tiêu cụ thể. Chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, giới thiệu và đề bạt đội ngũ cán bộ nữ có trình độ cao, có năng lực công tác vào các vị trí chủ chốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các cấp ủy đảng của tỉnh cũng nhận thấy còn có những tồn tại và hạn chế như: Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền (nhất là người đứng đầu) còn chưa thật sự sát sao; Định kiến giới còn tồn tại trong xã hội và bản thân phụ nữ;  Công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức; Thiếu các chính sách đặc thù về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và luân chuyển đối với cán bộ nữ;  Một số quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác nữ chưa có sự thống nhất, khó trong triển khai.

Những cản trở và thách thức đối với sự thăng tiến của phụ nữ có một số các nhân tố thể chế và quan niệm giúp duy trì ưu thế của nam giới trong các vị trí cấp cao. Quy định tuổi hưu là 55 đối với nữ và 60 đối với nam. Sự khác biệt về tuổi hưu này bất lợi đối với phụ nữ ở một số điểm: rút ngắn thời gian làm việc và giai đoạn thăng tiến, ít cơ hội thăng tiến hơn, thu nhập tổng cộng ít hơn và hạn chế khả năng đóng góp hiệu quả do họ buộc phải về hưu khi họ đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Thêm vào đó, phân biệt tuổi hưu tác động đối với con đường sự nghiệp trước khi về hưu. Khác biệt tuổi hưu dẫn đến quy định tuổi liên quan đến quy hoạch, đào tạo, đề cử và bổ nhiệm.

Một thực tế cho thấy : Ðằng sau sự thành công của một người đàn ông, luôn có bóng dáng người phụ nữ. Nhưng đằng sau thành công của người phụ nữ, là sự hy sinh, dấn thân gấp đôi, gấp ba so với nam giới. Không chỉ vậy, có những phụ nữ đến nơi làm việc còn gặp phải định kiến của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đồng nghiệp nam giới có tư tưởng "trọng nam, khinh nữ". Phần lớn nam giới coi việc chăm sóc gia đình, con cái là trách nhiệm của người phụ nữ. Sự phấn đấu của họ thường bị đặt lên bàn cân, mà cán cân ấy luôn lệch về phía "bổn phận" đàn bà. Quan niệm ấy chính là rào cản đáng kể trên bước đường thăng tiến sự nghiệp của phụ nữ.

Mỗi cán bộ CCVC nữ cần phải chủ động khắc phục những khó khăn của bản thân, tự vươn để khẳng định mình trong công tác và cuộc sống. Chị em phải nỗ lực vươn lên, nắm bắt cơ hội học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ để tự khẳng định mình. Mỗi thời kỳ có những cơ hội và yêu cầu mang tính lịch sử riêng. Thực tiễn cho thấy, sự cần cù, chịu khó, chấp hành kỷ luật vốn là những đức tính đáng quý của người phụ nữ Việt Nam nhưng điều đó là chưa đủ với thời đại mới. Bối cảnh trong nước và trên thế giới luôn biến động, những tình huống mới xuất hiện, do đó khi phụ nữ đã được quy hoạch hoặc đề cử tham gia ứng cử, bầu cử vào BCH các tổ chức đảng, đoàn thể hoặc cao hơn nữa là Đại biểu HĐND các cấp, Đại biểu Quốc Hội cần phải có quyết tâm, năng động, sáng tạo, quyết đoán, quyết liệt, có tư duy độc lập, có thể tự giải quyết những vấn đề phức tạp mới nảy sinh. Đây là những tố chất rất cần thiết đối với người lãnh đạo, quản lý nữ hiện đại, để tăng cường số lượng, chất lượng phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp.

Để có những giải pháp thiết thực thúc đẩy tăng cường vai trò tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo quản lý, cấp ủy và cơ quan dân cử chuẩn bị cho nhiệm kỳ sắp tới. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã tổ chức 01 hội nghị tọa đàm cấp tỉnh và 08 hội nghị cấp huyện  với chuyên đề “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào vị trí quản lý, cấp ủy và cơ quan dân cử tỉnh Bắc Ninh” cho hơn 1.600 đại biểu là thành viên Ban VSTBPN tỉnh; Trưởng ban VSTBPN các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các đồng chí cán bộ nữ là Trưởng, Phó các phòng (hoặc tương đương) thuộc Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cấp huyện. Tại hội nghị tọa đàm, một số giải pháp được đề xuất để giải quyết tốt vấn đề phụ nữ tham gia vào vị trí quản lý, cấp ủy trong thời gian tới:

1. Tăng cường hơn nữa sự quan tâm, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền về việc triển khai Luật bình đẳng giới.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung thông tin khác nhằm phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

3. Bố trí kinh phí huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho công tác bình đẳng giới, chi ngân sách nhà nước cho công tác bình đẳng giới theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; ưu tiên nguồn lực cho những khu vực có hiện tượng bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao về bất bình đẳng giới…

4.Tăng cường mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực chọn người làm công tác bình đẳng giới. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, hội viên phụ nữ nhằm nâng cao năng lực, trình độ và nhận thức về vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội (Ủy ban MTTQ tỉnh)

5.Việc bố trí, sắp xếp cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới đáp ứng được năng lực, trình độ để tham mưu cho cấp ủy Đảng triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác này được thực thi có hiệu quả. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ đáp ứng tình hình mới (Đại diện Sở Nội vụ).

Source: Ban biên tập CTTĐT