QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh, một vùng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ tổ quốc, cùng với cả nước Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Du đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của bảo vệ nền độc lập, tự do của tổ quốc hạnh phúc cho nhân dân. Ghi nhận sự đóng góp to lớn ấy Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Du đã được Đảng và nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Truyền thống cách mạng hào hùng đó đang được Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Du phát huy mạnh mẽ, chủ động hội nhập vươn lên trong công cuộc đổi mới hôm nay.
Dưới ánh sáng Nghị quyết của Đảng, sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ - UBND tỉnh, Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Du đang chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, phát triển. Nắm bắt thời cơ, nhìn rõ những thách thức trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi sướng và lãnh đạo. Trong 15 năm qua, vượt qua những khó khăn, thác thức và giành được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các mặt nông - công – thương - tín, các mục tiêu chủ yếu của từng giai đoạn đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Nằm kề cửa ngõ thủ đô Hà Nội, thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, huyện Tiên Du có hơn 31 nghìn hộ, gần 130 nghìn khẩu, với diện tích canh gần 5.000ha; trong đó có trên 4.000ha canh tác lúa. Để nâng cao đời sống nhân dân, trong những năm gần đây Đảng bộ huyện Tiên Du đã lãnh đạo tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông – lâm nghiệp. Về nông nghiệp, huyện Tiên Du sản xuất theo phương thức sản xuất hàng hoá, đưa các giống lúa lai, lúa hàng hoá có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: Syn6, CNR 36, Q.ưu số 1, BIO 404, nếp 9603…Huyện đã phân vùng quy hoạch, thâm canh các giống lúa, trà lúa theo vùng chuyên canh, hỗ trợ nông dân giống, vật tư, hướng dẫn nông dân kỹ thuật thâm canh lúa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân ứng dụng những tiến bộ - khoa học kỹ thuật vào sản xuất đưa năng xuất lúa năm 2011, đạt 65,94tạ/ha cao nhất từ trước đến nay, tăng 25,34 tạ/ha so với năm 1997.
Đặc biệt năm 2011, UBND huyện đã chỉ đạo mở rộng diện tích lúa lai lên đến 3.209,7ha, chiếm 38,1% diện tích và lúa hàng hoá 2.376 ha, chiếm 28,2%. Mặc dù đất nông nghiệp giảm dần chỉ còn 4.862 ha năm 2011 do quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Tổng sản phẩm nông nghiệp năm 2011 đạt 301 tỷ đồng, tăng 195,5% so với năm 1997, giá trị sản xuất 1ha canh tác đạt trên 80 triệu đồng, tăng 53 triệu đồng so với năm 1997, sản lượng lương thực đạt gần 50 nghìn tấn đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân trong huyện.
Cùng với cây lúa, các cây mầu có giá trị kinh tế cao như: đậu tương, lạc, ngô, rau xanh các loại cũng được quy hoạch sản xuất theo vùng chuyên canh, tạo ra những sản phảm hàng hoá có giá trị thu nhập kinh tế cao cho mỗi gia đình nông dân. Song song với trồng trọt, chăn nuôi của huyện cũng phát triển mạnh theo hướng công nghiệp, huyện đã chuyển đổi hơn 370ha đồng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được hơn 160 trang trại theo mô hình VAC tập trung ở các xã Phú Lâm, Lạc Vệ, Tân Chi, Liên Bão, Hiên Vân…Bên cạnh đó, huyện cũng đã quy hoạch và phát triển mô hình chăn nuôi công nghiệp ở xa khu dân cư tại xã Cảnh Hưng, Tân Chi và Lạc Vệ với hơn 30ha; duy trì và phát triển các hình thức chăn nuôi phù hợp với thế mạnh của từng địa phương như: Nuôi bò sữa, bò lai sin ở Cảnh Hưng, Tri Phương; lợn hướng lạc ở Tân Chi, Hiên Vân, Cảnh Hưng…ngày càng tăng nhanh. Đàn gia cầm gà, ngan, vịt phát triển mạnh, đến nay toàn huyện có gần 500 nghìn con gia cầm các loại, sản lượng thịt lợn hơi, gia súc, gia cầm xuất chuồng của huyện đạt 10.200 tấn, tăng 2,07% so với năm 1997 và sản lượng thuỷ sản đạt 1.705 tấn tăng gần gấp 2 lần so với năm 1997. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua con giống, cải tạo ao hồ, trồng cây nuôi thả cá, mỗi năm đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng tiền lãi.
Khai thác thế mạnh của vùng đất núi đồi, những năm gần đây phong trào trồng cây, phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo dự án 327, 661 được huyện coi trọng. Đến nay các xã trong huyện đều thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc bảo vệ gần 200ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tập trung ở các xã Việt Đoàn, Phật Tích, Hiên Vân, Liên Bão, Hoàn Sơn…
Điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới hôm nay phải kế đến xã Tân Chi, đơn vị được tỉnh, huyện chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới năm 2011. Là địa phương có lợi thế cả về giao thông, địa lý, vị trí tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của địa phương ngày một phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những năm gần đây Tân Chi đã đẩy mạnh làm thuỷ lợi nội đồng, hoàn chỉnh các hệ thống kênh mương, tạo vùng sản xuất thâm canh, chuyên canh cho từng khu đồng, xứ đồng. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Huyện uỷ Tiên Du, Tân Chi đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tổ chức quy hoạch đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn như: Trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, nhà văn hoá…ngày càng khang trang. Chuyển đổi 11 ha đồng trũng ven đê Sông Đuống thuộc các thôn Văn Trung, Tư Chi, Chi Hồ, Chi Trung để phát triển kinh tế trang trại. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề mới như: Mây tre đan, kinh doanh dịch vụ và giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động tại địa phương.
Thực hiện phương châm “Ly nông, không ly hương”, hiện nay Tân Chi đang là điểm sáng về thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Khu công nghiệp Tân Chi hiện có 3 doanh nghiệp đang hoạt động, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư, xây dựng, thu hút gần 1.000 lao động phần lớn là con em địa phương với mức thu nhập bình quân từ 2 đến 3,5 triệu đồng/1 người/tháng.
Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp – xây dựng cơ bản của huyện trong 15 năm qua sôi động như một công trường lớn. Nhiều khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp làng nghề, đa nghề được hình thành phát triển càng tạo cho bộ mặt quê hương thêm khởi sắc. Đó là các khu công nghiệp Tiên Sơn, khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn và các cụm công nghiệp làng nghề Giấy Phú Lâm, rồi cụm công nghiệp đa nghề Lạc Vệ, Tân Chi…
Các nhà máy mọc lên và đi vào hoạt động đã làm thay đổi diện mạo của vùng quê Tiên Du hôm nay trong giai đoạn công nghiệp hoá – đô thị hoá, lôi cuốn con người vốn cần cù chịu thương, chịu khó nay càng năng động hơn, nhanh nhạy hơn trong cuộc sống hội nhập. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, huyện đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước về đây lập nghiệp. Khu công nghiệm Tiên Sơn với hơn 300ha, khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn với 280ha thu hút gần 200 dự án vào đầu tư với tổng số vốn trên 3.650 tỷ đồng và hơn 250 triệu USD (đô la Mỹ); trong đó có 177 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm ổn định cho gần 20.000 lao động, có mức thu nhập bình quân từ 2 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với các khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp đa nghề, các ngành nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện được khôi phục và phát triển. Tại xã Nội Duệ nghề Dệt lụa đã được khôi phục và duy trì phát triển mạnh. Hiện toàn xã đã thành lập 5 doanh nghiệp chuyên kinh doanh lụa tơ tằm xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia….và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi, hàng năm giá trị tiểu thủ công nghiệp từ nghề dệt lụa của xã đạt gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra các nghề truyền thống như: Nề, mộc, mây tre đan, bép than tổ ong…phát triển mạnh tập trung ở các xã: Lạc Vệ, Liên Bão, Hoàn Sơn, Đại Đồng, Tri Phương, đã tạo lên đa dạng phong phú các ngành nghề trong mỗi gia đình ở các làng quê trong huyện. Góp phần nâng cao thu nhập đời sống trong mỗi gia đình ở nông thôn Tiên Du hôm nay. Điển hình ở các làng nghề truyền thống này là xã Lạc Vệ, những năm gần đây trong điều kiện sản xuất kinh doanh trên thị trường trong nước, thế giới có nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Vậy mà xã Lạc Vệ vẫn duy trì và phát triển ngành nghề mây tre đan, những sản phẩm như: đĩa, dỏ, túi…có mặt trên khắc thị trường trong nước và xuất khẩu ra cả nước ngoài được bạn bè quốc tế ưu chuộng.
Đi liền với phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, giao thông- xây dựng ngày càng phát triển là tiền đề, đồng thời cũng là thìa khoá để mở cánh cổng giao thương, hội nhập xây dựng phát triển kinh tế trên địa bàn. Thực hiện phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, cùng với mạng lưới giao thông quốc lộ, tỉnh lộ. 15 năm qua, huyện Tiên Du đã khởi công xây dựng nhiều công trình, hạng mục do tỉnh và huyện làm chủ đầu tư với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng; trong đó công trình trọng điểm như: đường Đại Đồng - Cống Bựu; đường vòng Núi Lim; đường khu di tích Chùa Phật Tích , đường Nội Duệ - Tri Phương…Ngoài ra, cùng với tỉnh xây dựng mới tỉnh lộ 287, nút giao giữa QL1A với đường 276 tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện. Đến nay hầu hết đường làng, nối xóm trên địa bàn huyện được nhựa hoá, bê tông hoá.
Các tuyến đê trên địa bàn huyện như: đê Tả Đuống, đê Bối Cảnh Hưng, đê Ngũ huyện Khê được tu bổ nâng cấp, đảm bảo an toàn phục vụ hiệu quả công tác phòng chống lụt bão. Từ năm 1997 đến nay, các xã, thị trấn đã đầu tư trên 52 tỷ đồng xây dựng 49 công trình, hạng mục công trình phục vụ sự nghiệp giáo dục – đào tạo, gần 16 tỷ đồng xây dựng 13 công trình, hạng mục công trình trụ sở làm việc, nhà văn hoá thôn, xóm; trên 23 tỷ đồng xây dựng 29 công trình, hạng mục công trình khác. Huyện cũng đã quy hoạch xong trung tâm và mạng lưới điểm khu dân cư nông thôn tại 14/14 xã, thị trấn tạo thuận lợi cho công tác đầu tư xây dựng trên địa bàn. Hướng đến một nền kinh tế công nghiệp hoá - hiện đại hoá, mạng lưới điện trên địa bàn huyện 15 năm qua được chú trọng, cải tạo, nâng cấp đầu tư xây dựng trạm biến áp, đường dây trung, hạ thế đáp ứng yêu cầu cấp điện ổn định phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn huyện tăng nhanh từ 20.400 MWh năm 1997 tăng lên 250.000MWh năm 2011.
Trong cơ chế thị trường thời hội nhập kinh tế, quốc tế, những năm qua huyện Tiên Du tiếp tục coi trọng phát triển mạnh thương mại dịch vụ. Tổng mức luân chuyển hàng hoá đến năm 2011 ước đạt 1.959 tỷ đồng, tăng 14,5 lần so với năm 1997. Công tác quản lý thị trường chống buôn lậu, làm hàng giả và kinh doanh trái phép được huyện quan tâm chỉ đạo. Điều đáng nói là trong 3 năm qua, huyện đã tập trung quy hoạch Trung tâm thương mại dịch vụ thu hút các nhà đầu tu xây dựng chợ đầu mối tại Trung Tâm Thị Trấn Lim với quy mô hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế thương mại trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Trong giai đoạn đẩy nhanh hội nhập quốc tế hiện nay, hệ thống viễn thông trên địa bàn huyện được đầu tư hiện đại hoá, không ngừng mở rộng nhằm cung cấp các dịch vụ viễn thông, nâng cao chất lượng đảm bảo thông tin, liên lạc thông suốt phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tính đến năm 2011, bình quân toàn huyện có 33.088 thuê bao điện thoại, tăng 15,3 lần so với năm 1997, đạt 27 thuê bao/100 dân, không kể điện thoại thuê bao trả trước.
Cùng với thương mại, phát triển du lịch trong những năm qua được huyện quan tâm. Các trung tâm dịch vụ văn hoá lễ hội, văn hoá tâm linh, văn hoá lịch sử cách mạng như: Chùa Lim, Chùa Phật Tích, Lăng Nguyễn Đình Diễn, Đình Tam Tảo…được trùng tu, tôn tạo nâng cấp với nhiều tỷ đồng đảm bảo khang trang đẹp mắt. Đáp ứng nhu cầu thăm quan du lịch của du khách trong và ngoài nước. Những năm gần đây lễ hội Lim, Lễ hội Hoa Mẫu Đơn – Chùa Phật Tích, hội làng Tam Tảo xã Phú Lâm đang là điểm hẹn của du khách thập phương. Hàng năm đã thu hút hàng chục vạn lượt khách trong và ngoài nước về đây thăm quan, nghiên cứu tìm hiểu, chiêm ngưỡng vùng đất Tiên quan họ đằm thắm chữ tình.
Hoạt động hệ thống tín dụng ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực, các chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại hoạt động đa dạng phong phú có mặt ở các xã, thị trấn, tiền tệ tín dụng đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế xã hội của huyện. Đến nay tổng dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đạt 309,6 tỷ đồng, dư nợ bình quân hàng năm tăng 21,27%; Ngân hàng chính sách xã hội tổng dư nợ 110,6 tỷ đồng. Hoạt động của kho bạc nhà nước, kiểm soát chặt chẽ các khoản thu chi theo luật Ngân sách. Nguồn thu ngân sách của huyện ngày càng tăng, mức tăng trưởng bình quân hàng năm tăng 35,75%. Năm 2011 thu ngân sách trên địa bàn huyện là 322,78 tỷ đồng, vượt 34,1 lần so với năm 1997. Chi ngân sách tăng bình quân hàng năm 16,5%. Công tác quản lý điều hành chi ngân sách công khai, đúng luật phục vụ tốt nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Khi nền kinh tế của huyện phát triển tạo tiền đề cho việc đầu tư, nâng cao nhu cầu hưởng thụ phúc lợi xã hội, phát triển văn hoá giáo dục y tế đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi giải trí, văn hoá thể thao, du lịch cũng như chăm sóc bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân ngày một tốt hơn.
Chăm lo cho giáo dục là chăm lo cho sự nghiệp phát triển con người. 15 năm qua, sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ tăng nhanh, số học sinh các bậc học ổn định, chất lượng chuyển biến tích cực ở cả 4 cấp học Mầm Non, Tiểu học, THCS và THPT, tỷ lệ tốt nghiệp THCS và THPT bình quân đạt trên 95%. Giáo dục mũi nhọn được đầu tư nên đã đạt hiệu quả thiết thực, thi học sinh giỏi bậc tiểu học và THCS đứng thứ 3 tỉnh. Trường THCS Tiên Du là nơi đào tạo bồi dưỡng học sinh đi thi các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh, trường THPT Nguyễn Đăng Đạo, trường THPT Tiên Du số 1 mấy năm liền đây tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường Đại học thuộc tốt đầu của tỉnh. Hàng năm học sinh đỗ vào các trường Đại học, cao đẳng đạt 35% đến 40%. Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vững chắc, phổ cập trung học cơ sở đạt kết quả cao, phổ cập THPT đang được triển khai tích cực. Cơ sở vật chất trang thiết bị trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và hiện đại hoá. Đến nay tỷ lệ trường học, phòng học kiên cố hoá đạt 89,5%, 41 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng đội ngũ giáo viên có bước tiến đáng kể, tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn cao, bậc mầm non chiếm 68,2%, bậc tiểu học chiếm 78,3%, bậc THCS chiếm 63,7% và THPT chiếm 11,5%. Sự nghiệp giáo dục huyện Tiên Du được đánh giá là một trong những đơn vị nằm trong tốp đầu về chất lượng của ngành giáo dục tỉnh nhà.
Đi liền với sự nghiệp giáo dục đào tạo công tác văn hoá, thông tin cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Đến nay, 67 làng trong huyện đều có nhà văn hoá, hệ thống truyền thanh thư viện, tủ sách pháp luật. Việc cưới, việc tang, tân gia, lễ hội được thực hiện theo nếp sống mới. 44/68 làng được công nhận làng văn hoá, tăng 7 làng so với năm 1997, trên 95% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Sự nghiệp y tế phát triển 14/14 trạm y tế xã, thị trấn trong huyện đều đạt chuẩn y tế quốc gia, các trạm y tế này được xây dựng khang trang, có trang thiết bị y tế, y cụ thuốc men đầy đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Công tác dân số gia đình và trẻ em được huyện quan tâm, hàng năm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với kế hoạch phát triển dân số, đưa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kế hoạch hoá gia đình là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu góp phần hạ tỷ lệ phát triển dân số của huyện xuống 0,12%. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được thực hiện đồng bộ và nghiêm túc, trong đó chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng 6 bệnh nguy hiểm ở trẻ em, uống vitamimA cho trẻ em và phụ nữ có thai, tiêm phòng uốn ván được thực hiện tốt. Tỷ lệ suy sinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 12,6% năm 2011. Bệnh viện đa khoa huyện được nâng cấp, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, y cụ hiện đại, đội ngũ y bác sỹ tăng cả về số và chất lượng được đào tạo và đào tạo lại có phẩm chất y đức tốt, trình độ chuyên môn giỏi đảm đương khám chữa nhiều ca bệnh hiểm nghèo đem lại niềm tin cho người bệnh. Các trạm y tế xã, thị trấn đều có đủ bác sỹ có đủ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ có phẩm chất y đức tốt phục vụ tốt sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác văn hoá thông tin, truyền thông ngày càng được coi trọng. Những năm qua, hệ thống phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở đã không ngững đầu tư, phát triển nâng cấp cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo người dân nghe được đài 4 cấp. Mạng lưới phát thanh, truyền thanh được thông suốt từ huyện đến cơ sở, toàn huyện có 14 đài truyền thanh cấp xã, thị trấn và 68 đài truyền thanh thôn, xóm đã góp phần nâng cao nhận thức thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân.
Các chế độ chính sách xã hội, giải quyết việc làm được huyện quan tâm. Trong 15 năm huyện đã giải quyết chế độ cho gần 10 nghìn người có công, gia đình chính sách và hộ nghèo…đảm bảo đúng chế độ. Toàn huyện đã vận động ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa được hơn 700 triệu đồng, xây dựng được hàng chục ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách để các gia đình yên tâm trong cuộc sống, càng tin tưởng vào chính sách của nhà nước. Cùng với đó, trong 15 năm huyện đã giải quyết việc làm cho 14.878 lao động, xuất khẩu 2.629 lao động; mở 40 lớp dạy nghề cho 1.202 lao động tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến nay giảm xuống còn 4,46% theo tiêu chí mới.
Công tác quốc phòng, an ninh được các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong huyện quan tâm. Lực lượng quân sự huyện được xây dựng, huấn luyện vững mạnh toàn diện, hàng năm huyện hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân nhập ngũ, khu vực phòng thủ huyện được củng cố xây dựng vững chắc, khả năng sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng trên quê hương. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, thực hiện tốt nghị quyết 09/CP về chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm ma tuý, mại dâm trên địa bàn; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ, an ninh tổ quốc; tập trung lực lượng đấu tranh phòng chống các loại tội phạm hình sự, trấn áp và xử lý kiên quyết các tụ điểm cờ bạc, ma tuý, mại dâm…bảo vệ an ninh, chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững.
Trong công cuộc đổi mới hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện đời sống của người dân Tiên Du đã đổi thay toàn diện. Đến nay số hộ khá giả trên địa bàn huyện chiếm hơn 40%, số hộ nghèo của toàn huyện chỉ còn 4,46%; 100% số hộ xây nhà gạch, trên 70% số hộ xây nhà kiên cố, cao tầng. Hầu hết các gia đình đều có máy thu hình, ở các vùng nông thôn xa khu trung tâm có khó khăn được nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, càng làm cho đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng đổi thay. Nhân dân càng phấn khởi tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước gia sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.