Hội thảo khoa học về vai trò của gia đình trong xây dựng xã hội học tập

03/10/2024 10:27

(BNP) – Sáng 03/10, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của gia đình trong xây dựng xã hội học tập góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất con người Bắc Ninh trong thời kỳ mới”.

Toàn cảnh Hội thảo.

Bắc Ninh – Kinh Bắc là cái nôi của nền văn minh lúa nước, đã hình thành lên sản phẩm văn hóa đặc sắc phi vật thể của nhân loại, hình thành vùng quê hàng nghìn năm với hơn 455.000 gia đình mang đầy chất nhân văn, đóng góp vào kho tàng giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc, nhất là xây dựng xã hội học tập “một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ” bắt nguồn từ gia đình đến dòng họ, làng xã.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Trịnh Nam Điền điều hành Hội thảo.

Trong bối cảnh hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, xã hội; các trào lưu văn hóa trên thế giới được phổ biến, lan truyền rất nhanh, ảnh hưởng đến giới trẻ, làm mất dần đi giá trị văn hóa truyền thống. Ý thức cội nguồn “Chim có tổ, người có tông” là điểm mạnh trong văn hóa gia đình, dòng họ, cũng là điểm nhấn của văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Bắc Ninh nói riêng. Như vậy, có thể thấy từ gia đình đến dòng họ có quan hệ mật thiết với vấn đề của làng xã, của cộng đồng và dân tộc. Gia đình mạnh thì dòng họ mạnh, dòng họ mạnh thì làng xã mạnh, làng xã mạnh thì đất nước mạnh, quê hương mạnh.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Dương Đức Nghĩa phát biểu đề dẫn.

Trong nhiều năm qua, Hội Khuyến học tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều mô hình gia đình như: “Gia đình hiếu học”, “Gia đình học tập” và “Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình học tập”. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 4.650 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”; hơn 600 “Cộng đồng học tập”; hần 700 đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”; hơn 233.000 công dân đạt danh hiệu “Công dân học tập” (chiếm 82%) số công dân đăng ký; 8/8 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai đăng ký mô hình “Công dân học tập”… Trong đó, có 274.000 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, đạt 81,3%, qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào khuyến học, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn.

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học huyện Yên Phong Nghiêm Đình Thường phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được 26 bài tham luận của đại diện cho các gia đình hiếu học, dòng họ, đơn vị, cộng đồng học tập tiêu biểu tại các địa phương, các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh tham gia. Các tham luận đã tập trung vào: Mối quan hệ giữa “Gia đình học tập” và phát huy bản sắc văn hóa gia đình với truyền thống khoa bảng hiếu học của gia đình – dòng họ Bắc Ninh; vị trí, vai trò của gia đình có ý nghĩa thúc đẩy bồi đắp tri thức, học tập và gắn kết văn hóa gia đình với họ hàng, làng xóm, trong xây dựng xã hội học tập; vai trò của MTTQ trong công tác khuyến học – cầu nối giữa truyền thống hiếu học tốt đẹp với định hướng phát triển con người Bắc Ninh, Kinh Bắc; vai trò của gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục trẻ em, học sinh góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất con người Bắc Ninh trong thời kỳ mới…

Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Sơn, thành phố Từ Sơn phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Hội thảo là cơ sở thực tế, giúp cho người làm khuyến học có cái nhìn tổng quan hơn để có cách làm tốt hơn trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của gia đình có ý nghĩa thúc đẩy, bồi đắp tri thức, học tập và gắn kết văn hóa gia đình với họ hàng, làng xóm, trong xây dựng xã hội học tập; động viên thúc đẩy phong trào tự học, thích học, phát huy truyền thống gia đình, quê hương, đất nước, nhất là bản sắc văn hóa nền nếp của gia đình, dòng họ.

N.N