Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và Luật Dữ liệu
(BNP) - Ngày 8/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe, thảo luận về 2 dự án luật sửa đổi, 1 dự án luật mới và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn chủ trì thảo luận tại Tổ 13.
Buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Sau đó, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Tham gia thảo luận tại tổ 13, về dự thảo luật Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm định nghĩa về hóa chất mới, tiêu chí xác định những loại hóa chất nào là loại hóa chất mới; làm rõ sự cần thiết về việc bố trí ngân sách nhà nước nhằm thu hút các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án phát triển công nghiệp hóa chất và quy định rõ đối với từng ngành, lĩnh vực.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh.
Tại Điều 7 quy định các hành vi bị cấm, đại biểu đề nghị xem xét lại khoản 1, khoản 6, vì khi quy định về những hành vi nghiêm cấm trong luật thì phải quy định những hành vi cụ thể. Điều 18 là khai báo hóa chất nhập khẩu có quy định là khai báo qua Cổng thông tin Một cửa Quốc gia theo mẫu do Bộ Công Thương quy định. Tuy nhiên khi thực hiện nhập khẩu các loại hóa chất thông qua Cổng thông tin Một cửa quốc gia phải bảo đảm liên thông và đồng bộ với các Bộ, ngành, nhằm tránh bị ách tắc ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm, các biện pháp cần thiết để khắc phục sự cố việc rò rỉ hóa chất trong quá trình vận chuyển; cần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển hóa chất, do đó trong hoạt động vận chuyển hóa chất đặc biệt nên thêm một số điều kiện so với Điều 19 là vận chuyển hóa chất thông thường; quy định rõ về sản xuất, kinh doanh hóa chất có điều kiện; Đề nghị rà soát, hoàn thiện quy định liên quan đến trách nhiệm của các Bộ tại Chương 8 để bảo đảm cụ thể, rõ ràng phối hợp quản lý hóa chất không chồng chéo, không để khoảng trống nhằm giảm thiểu nguy cơ hóa chất bị sử dụng sai mục đích, không được kiểm soát, nhất là các loại hóa chất đa mục đích sử dụng.
Đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo rà soát lại Khoản 5, Khoản 6 để và giải trình lý do là tại sao những tổ chức, cá nhân mà đã được cấp phép trước ngày Luật Hóa chất (sửa đổi) có hiệu lực nhưng chỉ được sử dụng và được hoạt động tiếp tục hoạt động theo giấy phép đã được cấp đến ngày 31/12/2027, để tổ chức, cá nhân khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép về sản xuất, kinh doanh hóa chất yên tâm và sản xuất.
Đại biểu Trần Thị Vân.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về người thực hiện hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội và bổ sung quy định riêng về trách nhiệm của cá nhân hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội. Phải quy định đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp về hoạt động quảng cáo; sửa đổi quy định về trách nhiệm của người hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội (hay còn gọi là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo) theo hướng là chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo không chính xác, hoặc không đầy đủ theo tài liệu và thông tin người quảng cáo cung cấp đến mức gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng, tác dụng của sản phẩm cho người tiếp nhận quảng cáo.
Để kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong hoạt động quảng cáo, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo kế thừa quy định tại Khoản 8, Điều 4 của Luật Quảng cáo năm 2012, để bổ sung vào dự thảo luật quy định là: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các hoạt động quảng cáo để bảo đảm thống nhất trong nội dung quản lý nhà nước về quảng cáo.
Tại Điểm b, khoản 1 của Điều 19 quy định không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc, đề nghị bổ sung thêm cụm từ là thiết bị y tế và viết lại như sau: Không được quảng cáo mỹ phẩm và thiết bị y tế gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. Vì trong thực tế, một số thiết bị y tế dùng để hỗ trợ điều trị và làm giảm nhẹ bệnh tật, hoặc bù đắp tổn thương, chấn thương có dạng sản phẩm hoặc là dạng bào chế dễ gây hiểu nhầm như thuốc, dễ làm cho người sử dụng bị nhầm lẫn.