Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục duy trì và cải thiện Chỉ số PAPI năm 2021
(BNP) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang vừa ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tiếp tục duy trì và cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của TTHCC các cấp hướng tới sự hài lòng của người dân.
Năm 2020, Chỉ số PAPI của tỉnh Bắc Ninh đạt 45,311 điểm, xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố với 6/8 chỉ số nội dung nằm trong nhóm các tỉnh đạt điểm cao nhất, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm hạn chế ở cấp cơ sở.
Nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, rà soát lại các nội dung và tiêu chí thành phần của Chỉ số PAPI năm 2020, qua đó xác định cụ thể những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Đồng thời, đề ra các giải pháp khắc phục nhằm duy trì, cải thiện thứ hạng và phấn đấu nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.
Tiến tới mô hình giải quyết thủ tục hành chính “5 tại chỗ”
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công (TTHCC) các cấp và Bộ phận một cửa cấp xã; tập trung hoàn thiện những nội dung chi tiết để nâng cao chất lượng phục vụ tại TTHCC như: phiếu đăng ký làm thủ tục hành chính (TTHC); biểu, mẫu theo từng loại thủ tục; giấy hẹn phải có thông tin liên lạc của cán bộ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính để người dân liên lạc trở lại khi cần góp phần giảm thiểu tình trạng tiếp xúc trực tiếp, ngăn chặn phát sinh chi phí không chính thức, tiết kiệm thời gian và minh bạch hóa việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức ở các Sở, ngành, địa phương.
Lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, thực hiện giải TTHC “4 tại chỗ” tại TTHCC khi cần thiết, tiến tới mô hình “5 tại chỗ” từ năm 2022; hình thành tổng đài chung để tiếp nhận, giải đáp khó khăn, vướng mắc của người dân, tổ chức trong giải quyết THCC; minh bạch bảng thông tin chung về cơ sở dữ liệu quy hoạch, chính sách của nhà nước để người dân và tổ chức có thể tiếp cận tại TTHCC.
Nâng cao chất lượng giải trình, kiểm soát tham nhũng khu vực công
Chính quyền các cấp cần chủ động và tích cực hơn trong việc gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe, giải quyết kiến nghị của người dân thông qua các cuộc hội nghị, họp dân thường xuyên hoặc bất thường. Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân; kịp thời phát hiện các điểm còn yếu kém trong quản lý để khắc phục và nâng cao trách nhiệm giải trình đối với người dân.
Thúc đẩy thực hành liêm chính trong quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, người dân, thực hiện các biện pháp cải thiện trên thực tế thông qua các chỉ số đo lường chất lượng quản trị địa phương. Thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, đồng thời, có hình thức khen thưởng kịp thời các trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tham ô của cán bộ dưới quyền, hạn chế thiệt hại do tham nhũng hoặc nhũng nhiễu gây ra tại cơ quan, đơn vị.
Tạo điều kiện cho người dân thực hiện việc tố cáo hành vi tham nhũng đúng địa chỉ, có hiệu quả cao; phát huy tinh thần tố giác của cán bộ, nhân dân đối với hành vi tham nhũng. Công khai báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng hàng năm của tỉnh, huyện, xã trên các phương tiện thông tin của tỉnh và hệ thống truyền thanh ở cơ sở.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân được biết và truy cập, sử dụng Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các Cổng thành phần cấp tỉnh, huyện và xã. Thực hiện các biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng Cổng thành phần cấp tỉnh, huyện và xã theo hướng đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, cập nhật thông tin, chất lượng thông tin, minh bạch thông tin và đổi mới giao diện theo hướng thân thiện, dễ tiếp cận để tăng tỷ lệ người dân khai thác thông tin hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng Thông tin điện tử.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của phần mềm dịch vụ công, dịch vụ công trực tuyến; áp dụng các phương thức tương tác mới với người dân thông qua ứng dụng trên thiết bị thông tin di động nhằm tạo sự thuận tiện trong tiếp cận và sử dụng thông tin của người dân và doanh nghiệp.
Tăng cường sự tham gia của người dân trong quy trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở cấp xã
Chính quyền cấp xã nghiêm túc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở, công khai nội dung dân biết, tổ chức cho nhân dân bàn đối với những nội dung dân được bàn và quyết định theo quy chế dân chủ; tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến nhân dân đối với những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện để nhân dân giám sát. Các cấp, các ngành tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ sở triển khai thực hiện; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tuyên truyền thu hút sự tham gia của người dân trong thảo luận chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; công bố dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử để người dân tham gia đóng góp ý kiến; công khai số điện thoại và hộp thư điện tử của người đứng đầu các ngành, các cấp để tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân; thực hiện tốt trong thực hiện giám sát của HĐND và tiếp thu, trả lời ý kiến của cử tri.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc. Thay đổi ứng xử của cơ quan Nhà nước và người dân theo tinh thần “thân thiện, lắng nghe, thấu cảm, tận tâm”; xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân gây giảm điểm đối với từng chỉ số thành phần; thực hiện khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân ở các đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh…