bn-current-user-online-portlet

Online : 3351
Total visited : 151102006

Xã hội hóa phương tiện tránh thai - kết quả bước đầu tại huyện Gia Bình

10/10/2017 14:40 View Count: 119
Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 607/QĐ-UBND ngày 28-10-2016 (được gọi tắt là Đề án 818).

Đề án 818 được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân nhằm bảo đảm sự công bằng xã hội, tính bền vững của Chương trình Dân số - KHHGĐ; huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho chương trình Dân số - KHHGĐ phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội. 

Cán bộ dân số xã Đông Cứu nhận PTTT xã hội hóa tại huyện về cấp cho đối tượng

Sau khi nhận được công văn số 77/CCDS-BQLĐA818, ngày 21/4/2017 của Ban quản lý Đề án 818 tỉnh về việc hướng dẫn thực hiện phân phối sản phẩm PTTT, hàng hóa SKSS. Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Gia Bình đã triển khai lấy ý kiến của đối tượng về các sản phẩm PTTT và hàng hóa SKSS, nhằm tìm hiểu về mẫu mã và giá cả, chất lượng của các sản phẩm mà đối tượng đang sử dụng để từ đó có định hướng tuyên truyền vận động đối tượng sử dụng các sản phẩm thuộc  Đề án 818 cho phù hợp. Hơn nữa, còn cử cán bộ Trung tâm, CBCT và cộng tác viên tham gia các lớp tập huấn tại tỉnh nhằm cung cấp thông tin để nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của cán bộ các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân về lợi ích của sử dụng phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản theo phân khúc thị trường nhằm chuyển đổi hành vi của các nhóm khách hàng từ sử dụng miễn phí sang tự chi trả phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Song song với hoạt động cử cán bộ đi tập huấn, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cũng xác định đối tượng ưu tiên để tuyên truyền là đội ngũ người lao động tại các doanh nghiệp và người có kinh tế khá giả , bởi đây là những đối tượng có nguồn thu nhập ổn định so với các đối tượng khác.

Sau 1 năm triển khai Đề án tại huyện bước đầu đã thu được những kết quả đáng mừng. Cán bộ DS-KHHGĐ xã và cộng tác viên dân số tích cực truyền thông, giới thiệu sản phẩm của Đề án, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về việc chủ động “trả tiền” thay vì sử dụng miễn phí các dịch vụ dân số. Những đối tượng có nhu cầu sử dụng phương tiện tránh thai và hàng hóa SKSS được tiếp cận, lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng của họ. Qua đó, các sản phẩm xã hội hóa từ Đề án 818 đã bước đầu thâm nhập vào thị trường và được sự đón nhận của một bộ phận người dân. Kết quả, toàn huyện đã tiêu thụ 18.554 sản phẩm, 270 lọ dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagis, 14.784 bao cao su Hello, Hello Plus và 3.500 vỉ thuốc tránh thai.

Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản là một hướng đi tất yếu, không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước mà còn từng bước thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng các phương tiện tránh thai để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số.
Dương Thị Đoan
Source: Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Gia Bình