bn-current-user-online-portlet

Online : 3636
Total visited : 151108312

Gia Bình tích cực tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai

15/06/2017 14:51 View Count: 179
“Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Gia Bình tích cực triển khai đồng bộ mô hình tiếp thị xã hội từ huyện đến cơ sở. Tại tuyến xã, chỉ đạo cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số có nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá và trực tiếp tiếp thị sản phẩm PTTT: thuốc uống mang nhãn hiệu Night Happy, bao cao su Hello, nước rửa vagis”

Từ trước tới nay, nhiều người vẫn quen với việc được cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) miễn phí và thường tìm đến các dịch vụ cung cấp miễn phí của Nhà nước hay hệ thống Dân số các cấp. Tuy nhiên, hầu hết các PTTT được cung cấp miễn phí từ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư, trong khi nhu cầu về PTTT ngày càng đa dạng, nên chưa bảo đảm tính bền vững. Để giảm gánh nặng ngân sách, tạo sự công bằng, hợp lý với khả năng chi trả, điều kiện của mỗi nhóm đối tượng, việc chuyển đổi hành vi từ sử dụng PTTT miễn phí sang tiếp thị xã hội PTTT là cần thiết.

Thực hiện Công tác xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT), hàng hóa sức khỏe sinh sản (SKSS) theo Quyết định 2350 ngày 7/6/2016 của Bộ Y tế giai đoạn 2016-2020; Căn cứ công văn số 52/TTTV ngày 29/3/2017 của Trung tâm Tư vấn và cung ứng dịch vụ - Tổng cục Dân số-KHHGĐ về việc hướng dẫn thực hiện kế hoạch TTXH các PTTT năm 2017 và Hướng dẫn thực hiện kế hoạch TTXH các PTTT năm 2017 của Chi cục Dân số - KHHGĐ, huyện Gia Bình triển khai từ tháng 4/2017 với hoạt động ưu tiên hàng đầu, đó là tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân.

Để triển khai có hiệu quả và người dân được hưởng lợi từ hoạt động tiếp thị xã hội (TTXH) các phương tiện tránh thai (PTTT). Bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc trung tâm cho biết: “Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Gia Bình tích cực triển khai đồng bộ mô hình tiếp thị xã hội từ huyện đến cơ sở. Tại tuyến xã, chỉ đạo cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số có nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá và trực tiếp tiếp thị sản phẩm PTTT: thuốc uống mang nhãn hiệu Night Happy, bao cao su Hello, nước rửa vagis”.

Cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Gia Bình tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai tại cổng trường mẫu giáo

Đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số cơ sở tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt tâm lý và nhu cầu của đối tượng để có cách tiếp thị hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều người dân trên địa bàn đã được tiếp cận và tự nguyện trả tiền mua các sản phẩm tránh thai. Qua đó, góp phần làm thay đổi dần quan niệm “bao cấp” trong lĩnh vực DS-KHHGĐ sang “cùng chi trả”, chấp nhận trả phí một phần của các đối tượng sử dụng bao cao su và viên uống tránh thai tại địa phương.

Theo chị Lê Thị Hằng - cán bộ trực tiếp phụ trách công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại đơn vị cho biết: “Để tăng cường tiếp thị tôi đã tham mưu cho lãnh đạo trung tâm giao chỉ tiêu cụ thể cho cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ các xã, thị trấn xuống từng địa bàn của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền tư vấn đưa các biện pháp tránh thai tiếp thị đến tận tay đối tượng”.

Đề án “xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020” tuy mới được triển khai tại Gia Bình từ 21/4/2017, với sự năng động, nhiệt tình và trách nhiệm của các cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số, công tác tiếp thị xã hội các PTTT đã đạt được những kết quả nhất định. Toàn huyện đã tiếp thị xã hội được 6.000 bao cao su và 2.000 vỉ thuốc viên uống tránh thai nhãn hiệu Night Happy, 520 lọ nước rửa vệ sinh.

Chị Nguyễn Thị Huyên (xã Bình Dương) cho biết: “Trước tôi được cán bộ dân số gần nhà tư vấn sử dụng thuốc uống tránh thai miễn phí, sau 1 thời gian hết thuốc miễn phí, được cô tư vấn sử dụng thuốc tiếp thị Nighthappy, mới sử dụng được hơn 1 tháng tôi cảm thấy rất yên tâm về chất lượng của thuốc, tôi thấy thuốc đang sử dụng không khác mấy với thuốc trước kia mà giá thành lại phải chăng”.

Bên cạnh những kết quả tích cực, tiếp thị xã hội các PTTT hiện còn gặp những khó khăn, thách thức. Lý do Night Happy là nhãn hiệu mới được đưa vào chương trình tiếp thị xã hội, nên bước đầu khi đơn vị triển khai gặp khá nhiều khó khăn. Bởi người dân đã quen với sử dụng PTTT miễn phí và sử dụng các nhãn hiệu quen thuộc như Napha, Ideal…Trong khi đó kỹ năng và kinh nghiệm của đội ngũ làm công tác tiếp thị xã hội PTTT còn hạn chế, sản phẩm tiếp thị chưa đa dạng, đôi lúc chưa kịp thời, chưa liên tục... cũng là những khó khăn khiến công tác này còn hạn chế.

Để làm tốt tiếp thị xã hội PTTT năm 2017 và những năm tiếp theo ngành Dân số nói chung và dân số Gia Bình nói riêng sẽ chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm thay đổi được nhận thức, hành vi của người dân từ “bao cấp, miễn phí” sang “mua, bán” phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện của đối tượng theo phân khúc thị trường đảm bảo thuận tiện, chất lượng và an toàn.

Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS là một hướng đi tất yếu, không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước mà còn từng bước thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng các PTTT để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số. Để việc thực hiện đề án mang lại hiệu quả cao, điều quan trọng nhất là mỗi người dân phải nâng cao trách nhiệm, cùng chia sẻ với ngân sách Nhà nước trong công tác DS-KHHGĐ.

Dương Đoan
Source: Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Gia Bình