bn-current-user-online-portlet

Online : 2809
Total visited : 150790809

Nâng cao tỉ lệ sản phụ nuôi con sữa mẹ

17/08/2022 08:04 View Count: 233

Sữa mẹ tốt cho sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là điều mà tất cả các kênh truyền thông, các hãng quảng cáo sữa đều có nhắc đến. Thế nhưng hiện nay, tỉ lệ phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ ngày càng có xu hướng giảm đi do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Để có thể hiểu được lợi ích và những giá trị mà việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại, chúng tôi có cuộc trao đổi thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thanh – Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh về những vấn đề liên quan đến nuôi con sữa mẹ và mong muốn qua đây sẽ giúp các sản phụ có thêm động lực, niềm tin để vững vàng trên hành trình nuôi con bằng sữa mẹ của mình.

Phóng viên: Đầu tiên xin cảm ơn thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thanh – Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã tham gia cuộc trao đổi của chúng tôi ngày hôm nay. Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết, việc nuôi con bằng sữa mẹ được hiểu cơ bản và đúng nhất như thế nào?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thanh: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo rằng nên cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ sau khi sinh và nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung từ tròn 6 tháng tuổi kết hợp với bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước đã đun sôi, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thanh (giữa) tại Lễ phát động chiến dịch vệ sinh tay của bệnh viện

Phóng viên: Được biết việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại lợi ích về rất nhiều mặt, cho mẹ, cho bé, cho gia đình và cho cả xã hội. Bác sĩ có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thanh: Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên, kinh tế và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đủ nhu cầu trẻ trong 6 tháng đầu. Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Trong sữa mẹ có chứa các chất đề kháng và dưỡng chất, các chất này đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thay đổi của bé và bảo vệ bé khỏi viêm nhiễm và bệnh tật. Trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ hoàn toàn bằng nguồn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời sẽ phát triển toàn diện cả về thể lực và trí tuệ (trẻ được nuôi bằng sữa mẹ đạt chỉ số phát triển trí tuệ MDI=108),  sức đề kháng tốt, phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp. 

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu không chỉ có lợi cho trẻ, mà còn có lợi cho bà mẹ trên nhiều phương diện. Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp xổ rau và giảm nguy cơ chảy máu sau đẻ cho mẹ, kích thích co hồi tử cung tốt; Trẻ bú ngay và thường xuyên kích thích tăng cường sản xuất sữa, giúp phòng cương tức sữa cho mẹ, liên kết tình cảm mẹ con. Các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh sau: Tiểu đường type 2, Ung thư buồng trứng, Ung thư vú, Thiếu máu do thiếu sắt, Loãng xương (giòn xương), Trầm cảm sau khi mang thai… Nuôi con bằng sữa mẹ làm chậm có kinh trở lại, giúp mẹ tránh nguy cơ mang thai và thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, nuôi con bằng sữa mẹ cũng mang lại lợi ích về kinh tế vì làm giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và bé, giảm các chi phí y tế phát sinh”.

Phóng viên: Vậy tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, công tác hỗ trợ sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thanh: Tại khoa sản, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, các bác sĩ, nhân viên y tế luôn quan tâm, khuyến khích các sản phụ cho con bú ngay sau khi sinh. Trẻ ngay khi chào đời sẽ được tiếp xúc da kề da với mẹ và được bú những giọt sữa non trong giờ đầu tiên. Các sản phụ được bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện hướng dẫn tư thế cho con bú đúng cách: mẹ ngồi tư thế thoải mái, thân bé sát với mẹ, đầu và thân bé ở trên cùng một đường thẳng, mặt quay vào vú mẹ, môi bé đối diện với núm vú. Mẹ nâng đỡ toàn bộ người của bé. Cho bé ngậm bắt vú, để miệng bé ngậm bắt núm vú, môi dưới hướng ra ngoài, lưỡi chum quanh bầu vú, má chụm tròn. Mẹ cần quan sát điều chỉnh sao cho phần quàng vú còn lại ở phía trên nhiều hơn phía dưới. Khi thấy bé mút chậm, sâu, thỉnh thoảng dừng lại rồi bú tiếp là đúng. Mẹ có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy bé nuốt mà mẹ không bị đau đầu vú.

Phóng viên: Xin bác sĩ cho một số khuyến cáo về cách thức chăm sóc nguồn sữa mẹ và cải thiện tình trạng ít sữa cho các bà mẹ đang cho con bú có thể thực hiện theo?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thanh: Cho trẻ bú đúng cách, bú sữa mẹ hoàn toàn là điều kiện tiên quyết nhất! Hạn chế cho bé bú kết hợp cả sữa công thức, cho bé bú đến khi mẹ cạn sữa. Với những mẹ vốn ít sữa, hãy kiên nhẫn cho bé bú đến khi nào bé tự nhả vú mẹ. Nếu được, mẹ hãy cho bé bú cả 2 bên ngực trong mỗi lần.

Mẹ cần nghỉ ngơi đủ và để tinh thần thư thái, không tạo nên quá nhiều áp lực cho bản thân, mẹ cần tin tưởng mình sẽ có đủ sữa cho con. Các mẹ cũng cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn cần tăng thêm khoảng 350Kcal/ ngày, tương đương khoảng 1/4 lượng thức ăn so với ngày thường. Bữa ăn của mẹ cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm. Nhóm chất bột đường (cơm, khoai, bánh mì, bún phở…); Nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm cua…..); nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ, lạc….); Nhóm Vitamin và khoáng chất (rau xanh, quả chín). Các mẹ nên ăn nhiều bữa và ăn nhiều hơn bình thường; Không nên ăn các loại thức ăn nhiều gia vị (ớt, tiêu, hành tỏi); Không uống rượu, cà phê và hút thuốc lá. Cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày (1,5 đến 2 lít/ngày), có thể là uống sữa hay nước ép trái cây đều rất tốt trong thời gian cho bé bú, uống đủ nước giúp cơ thể mẹ tiết ra nhiều sữa cho bé hơn.

Riêng về vấn đề thuốc, khuyến cáo các mẹ đang cho con bú chỉ dùng thuốc khi có sự hướng dẫn của bác sĩ. Sau 6 tháng tránh thai tự nhiên, người phụ nữ có thể sử dụng một biện pháp tránh thai, nhưng không nên sử dụng thuốc uống tránh thai có Estrogen. Thay vào đó, có thể sử dụng thuốc có Progestogen vì không ảnh hưởng tới quá trình tạo sữa.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ đã tham gia cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Hi vọng các mẹ, các gia đình và cả cộng đồng có nhận thức đúng đắn vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ và tạo điều kiện hỗ trợ cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thành công. 

Nguyễn Hạnh