bn-current-user-online-portlet

Online : 3735
Total visited : 150796010

Khó khăn và thách thức trong công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện tại

13/07/2022 09:34 View Count: 508

Tỷ số giới tính khi sinh ở mức rất cao; tỷ lệ sinh con lần 3 trở lên tiếp tục tăng cao; tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn thấp; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ còn hạn chế… tiếp tục là những khó khăn trong công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn hiện nay.

Tăng cường truyền thông, giám sát hỗ trợ tuyến huyện, xã; đào tạo, tập huấn liên tục và triển khai các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ là những biện pháp trước mắt được ngành Y tế duy trì và triển khai trong thời gian tới đây để đối đầu thách thức đó. Tuy nhiên, cần nhiều giải pháp lâu dài để bài toán về dân số có lời giải cho kết quả bền vững.

Đến hết tháng 5-2022, quy mô dân số toàn tỉnh là hơn 1,32 triệu người. Trong 5 tháng đầu năm, có hơn 5,2 nghìn trẻ được sinh ra, tỷ số giới tính khi sinh ở mức rất cao với 123,2 trẻ trai/100 trẻ gái, tăng 4,5 điểm % so cùng kỳ năm 2021. Có 5 huyện, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao song không những không giảm mà còn tăng so với chỉ tiêu kế hoạch, gồm: Thành phố Từ Sơn 141,0/100; thành phố Bắc Ninh 128,6/100; huyện Yên Phong 127,8/100; Quế Võ 126,4/100 và Thuận Thành 122,7/100.

Tỷ lệ sinh con lần 3 trở lên tiếp tục tăng cao ở mức 28,8%. Toàn tỉnh chỉ có 2 huyện đang có xu hướng giảm so với kế hoạch giao là Lương Tài (25,8%) và thành phố Bắc Ninh (21,9%). 6 huyện còn lại đều có xu hướng tăng cao (Yên Phong 33%; Quế Võ 32,1%; Gia Bình 31,9%; Từ Sơn 29,1% và Thuận Thành 27,1%)

Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn còn thấp, chỉ đạt 22,1% (kế hoạch giao 40,8%) và chủ yếu mới chỉ là hoạt động tư vấn, chưa tổ chức thực hiện khám sức khoẻ tiền hôn nhân cho các đối tượng này. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ 1 lần/năm còn hạn chế, trong 5 tháng đầu năm mới thực hiện được 18,3% (kế hoạch năm là 75%). Tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại còn thấp, chỉ đạt 66,7%...

Nhìn tổng thể, thời gian qua, các hoạt động truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi được triển khai khá đa dạng ở nhiều kênh thông tin như: Hệ thống đài truyền thanh huyện, thành phố; mạng điện thoại di động, các mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube, Tiktok… Hàng chục hội nghị chuyên đề, hội nghị tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân, các nội dung có liên quan tại các trường học, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi với hàng nghìn người tham dự. Toàn tỉnh cũng đã tổ chức chiến dịch tăng cường truyền thông vận động cặp vợ chồng có hai con thực hiện các biện pháp tránh thai dài hạn, lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại 69 xã, phường, thị trấn với hơn 9,1 nghìn lượt người tham gia. Mạng lưới cán bộ và cộng tác viên Dân số đã tổ chức tư vấn tại hộ gia đình cho hơn 15,5 nghìn lượt người.

Về các hoạt động đào tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh phối hợp với các trung tâm y tế tổ chức các lớp tập huấn về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh lồng ghép với các nội dung về tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân; tập huấn kiến thức, kỹ năng và chuyên môn về khám sức khoẻ người cao tuổi cho hơn 220 cán bộ, nhân viên y tế.

Trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, Bệnh viện Sản - Nhi phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Quế Võ tổ chức mô hình điểm khám sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai tại 5 xã, gồm: Châu Phong, Cách Bi, Nhân Hoà, Bồng Lai, Bằng An cho gần 100 người. Việc cung cấp phương tiện tránh thai miễn phí, hàng hóa sức khỏe sinh sản được triển khai định kỳ đến các xã, phường, thị trấn. Hiện nay, các hoạt động khám sức khỏe định kỳ người cao tuổi kết hợp với sàng lọc phát hiện, quản lý người mắc bệnh không lây nhiễm phổ biến đang được triển khai tại tuyến xã.

Với những số liệu nêu ở trên, nhiều chỉ tiêu dân số chưa đạt được mục tiêu đề ra. Những nguyên nhân chính được chỉ ra, gồm: Ở một số địa phương, công tác tham mưu với UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các ban, ngành phối hợp thực hiện công tác truyền thông về dân số còn chưa kịp thời. Trong khi đó, các hoạt động truyền thông tại cộng đồng còn hạn chế, một số đơn vị chưa tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh, vận động chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi...

Các hoạt động khám sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, khám sức khoẻ tiền hôn nhân và chăm sóc sức khoẻ sinh sản còn hạn chế. Việc quản lý danh sách đối tượng được sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh còn mang tính thống kê, chưa chủ động quản lý để tuyên truyền, vận động. Các đối tượng nam, nữ chuẩn bị kết hôn hoặc mới kết hôn mới chỉ được tư vấn tại cộng đồng, chưa tổ chức khám. Việc cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hoá sức khoẻ sinh sản còn hạn chế, số người sử dụng thuốc uống tránh thai và bao cao su cao vượt chỉ tiêu, tuy nhiên chủ yếu là những người cũ vẫn duy trì sử dụng, số người mới tham gia sử dụng còn rất ít…

Để có được sự chuyển biến tích cực và bền vững trong công tác Dân số - KHHGĐ cần những giải pháp chiến lược với tầm nhìn xa. Tại Bắc Ninh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030 nhằm điều chỉnh mức sinh theo hướng duy trì mức sinh phù hợp ở các vùng, đối tượng trên địa bàn tỉnh; giảm mức sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; xây dựng các chính sách, biện pháp điều chỉnh mức sinh phù hợp, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Với mục tiêu triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mới đây UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch số 289/KH-UBND về các hoạt động công tác Dân số năm 2022. Việc triển khai các hoạt động cụ thể về hoàn thiện thể chế; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ; mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành; tăng cường công tác truyền thông dân số, thường xuyên kiểm tra, giám sát; khuyến khích thi đua khen thưởng… được cho là sẽ mang đến những chuyển động tích cực hơn trong công tác Dân số - KHHGĐ. 

Sỹ Tường