bn-current-user-online-portlet

Online : 4054
Total visited : 150806991

Không chủ quan với bệnh dại

02/04/2024 08:16 View Count: 72

Hiện nay bệnh Dại vẫn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tính từ ngày 01/01-20/02/2024 cả nước đã ghi nhận 17 ca tử vong nghi Dại/do Dại ở 13 tỉnh/thành phố, tăng 08 ca so với cùng kỳ năm 2023 (09 ca). Tại Bắc Ninh, từ năm 2000 đến nay ghi nhận 02 trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh Dại. Bệnh dại hoàn toàn có thể tránh được nếu như người bị chó dại cắn được tiêm phòng đúng phác đồ.

Ông N. V. T ở xã Trung Chính, huyện Lương Tài cho hay:  trong lúc sang hàng xóm chơi, tôi bị chó cắn có chảy máu. Có nhiều người cũng nói chó hàng xóm theo dõi được thì không cần tiêm nhưng năm trước ở địa phương có người cũng do chủ quan mà chết vì bệnh dại nên tôi lập tức đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để được tư vấn. Tại đây, tôi được các y bác sỹ tư vấn, hướng dẫn các cách phòng chống và tiêm phòng. Tôi đã đem kiến thức mà các bác sỹ, cán bộ y tế hướng dẫn về cách phòng, chống bệnh dại để truyền đạt lại cho những người thân trong gia đình và chia sẻ kinh nghiệm với bà con, Và sau khi tiêm sức khỏe tôi hoàn toàn bình thường, tâm lý cũng bớt lo lắng, căng thẳng hơn nhiều.

Khi bị chó, mèo cắn người dân hãy đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng

Bác sỹ Nguyễn Khắc Từ – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho bệnh dại phát triển. Vì thế, vào mùa hè, người dân phải hết sức cảnh giác với chó dại và không nên chủ quan. Thời gian ủ bệnh của bệnh dại kéo dài, sớm nhất cũng phải nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người kéo dài đến một vài năm. Nó phụ thuộc vào vị trí cắn, càng gần thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh. Khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, người bệnh phải xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn. Sau đó bệnh nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng”

Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên người, hạn chế tối đa số ca mắc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các Trung tâm y tế huyện, thị xã  khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi bị phơi nhiễm với vi rút Dại tại cộng đồng, người đến khám và điều trị dự phòng tại các điểm tiêm phòng Dại trên địa bàn. Khi phát hiện các trường hợp mắc, nghi mắc bệnh Dại phải triển khai điều tra, giám sát ngay theo hướng dẫn tại Quyết định số 1622/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trước và sau phơi nhiễm:  Những người bị chó mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh phải đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý vết thương ngay; Khuyến cáo đến ngay các điểm tiêm phòng Dại để được khám và điều trị dự phòng; Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam hoặc các biện pháp chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan Thú y cùng cấp thực hiện giám sát, điều tra và phối hợp xử lý kịp thời khi xảy ra một trong các tình huống sau: Có nhiều người ở cùng một địa phương bị động vật cắn đến tiêm phòng Dại; Có 01 ca nghi bệnh Dại trên người được chẩn đoán trên lâm sàng; Có 01 trường hợp tử vong do bệnh Dại trên người được chẩn đoán xác định… Đề nghị các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn rà soát, bổ sung đầy đủ cơ số vắc xin và huyết thanh kháng Dại đã được cấp phép sử dụng tại các điểm tiêm Dại, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, bệnh dịch truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế, Quyết định số 1622/QĐ-BYT của Bộ Y tế và các báo cáo khác theo quy định

Thanh Thương