bn-current-user-online-portlet

Online : 2755
Total visited : 151038402

Chương trình phòng chống bệnh Lao - cần sự chung tay của cả cộng đồng

23/03/2024 08:23 View Count: 456

Thời gian qua, các hoạt động  chương trình Phòng, chống bệnh lao trên địa bàn được đẩy mạnh. Trung bình mỗi năm có hơn 700 trường hợp mắc lao được phát hiện, tỷ lệ bệnh nhân mắc lao được quản lý và điều trị cũng như khỏi bệnh chiếm tỷ lệ cao… nhân Ngày Thế giới chống lao 24/3/2024 với chủ đề  “ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO”,  PV đã có cuộc trao đổi với BS CKII. Nguyễn Thanh Hải, PGĐ Bệnh viện Phổi để thấy rõ hơn về công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh hiện nay.

* Phóng viên: Thưa bác sĩ, hiện nay bệnh lao vẫn đang  là vấn đề được xã hội quan tâm. Theo số liệu của chương trình Chống lao quốc gia, năm 2023 toàn quốc đã phát hiện 106.086 trường hợp mắc lao các thể, tăng 2.282 bệnh nhân, tương đương tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19. Phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%. Vậy đối với Bắc Ninh, tình hình bênh lao hiện nay như thế nào?

Bác sĩ CKII. Nguyễn Thanh Hải: Theo báo cáo của các Tổ chống lao và bệnh phổi, năm 2023 toàn tỉnh có 716 trường hợp mắc lao. Như vậy, tỷ lệ người bệnh lao được thu nhận điều trị và báo cáo là khoảng 57/100.000 dân. Kết quả điều tra dịch tễ bệnh lao toàn quốc được thực hiện trong năm 2017-2018 cho thấy tỷ lệ hiện mắc lao các thể là 289 trên 100.000 dân (toàn quốc) và 268 trên 100.000 dân (ở khu vực phía Bắc) [95%, CI 287 – 504]. Do đó, tỷ lệ số ca bệnh được chẩn đoán trên tổng số bệnh nhân lao là 38-67%, đây là chỉ số được đo lường trực tiếp về khả năng tiếp cận các dịch vụ về lao của CTCLQG, được ước lượng bằng tỷ lệ của tất cả các bệnh nhân lao được thông báo so với tỷ lệ lưu hành.

* Phóng viên: Trước thực trạng trên, để tiếp tục hướng tới chấm dứt bệnh lao, thời gian qua chương trình chống lao đã triển khai những hoạt động gì, nhất là sau dịch COVID- 19, thưa bác sĩ ?

Bác sĩ CKII. Nguyễn Thanh Hải: Ngay sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bệnh viện Phổi Bắc Ninh đã khẩn trương triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao nhằm tăng cường, mở rộng triển khai phát hiện chủ động trong cộng đồng và cơ sở y tế, áp dụng chiến lược X-quang và xét nghiệm Xpert để chẩn đoán. Đặc biệt là triển khai các hoạt động gắn liền với hệ thống y tế cơ sở để tăng cường chất lượng chẩn đoán, điều trị và duy trì bền vững công tác dự phòng lao. Đặc biệt, năm 2023 chúng tôi đã  kết hợp với Bệnh viện 74 Trung ương tổ chức tập huấn Quyết định 1314 cho cán bộ làm công tác phòng chống lao tuyến huyện và tuyến xã trên địa bàn tỉnh (những cán bộ chưa được tập huấn) và cấp chứng chỉ theo quy định cho 15 cán bộ; phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức tập huấn triển khai hoạt động 2X cho 40 cán bộ; phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức tập huấn tư vấn trước xét nghiệm HIV cho bệnh nhân lao

Triển khai khám phát hiện chủ động lao tiềm ẩn cho 3.806 đối tượng người già tại huyện Lương Tài, trong đó đã phát hiện 663 người lao tiềm ẩn 27 bệnh nhân lao. Triển khai hoạt động tăng cường chiến lược 2X phát hiện bệnh nhân lao tại 2 huyện (thị xã Thuận Thành và thị xã Quế Võ). Riêng thị xã Thuận Thành đã khám sàng lọc cộng đồng cho 3171 người, phát hiện 575 người nghi mắc lao tiềm ẩn, phát hiện 24 bệnh nhân lao. Làm xét nghiệm 908/900 mẫu xpert nội và ngoại trú tại trung tâm y tế (phát hiện 6 bệnh nhân lao phổi). Tại thị Xã Quế Võ đã khám sàng lọc được 1400 người /2400 người, phát hiện và đưa vào điều trị 149 bệnh nhân lao tiềm ẩn, phát hiện 18 bệnh nhân lao. Làm xét nghiệm cho 5/450 ca bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú tại trung tâm y tế. Các trung tâm y tế các địa phương khác cũng tăng cường công tác xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các ca lao phổi. Ngoài ra chúng tôi còn phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực khác tại cộng đồng.

* Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết một số khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động phòng, chống hiện nay ?

Bác sĩ CKII. Nguyễn Thanh Hải:  Có thể nói, bên cạnh thuận lợi, hoạt động phòng, chống lao còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc tài chính  hỗ trợ hoạt động từ Quỹ toàn cầu phòng chống lao giai đoạn 2021-2023 chấm dứt. Năm 2024, bắt đầu một giai đoạn mới nhưng hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn về sự hỗ trợ của quỹ toàn cầu, điều này gây khó khăn trong việc lập dự toán và lên kế hoạch triển khai các hoạt động của đơn vị. Khó khăn nữa là về nhân lực, hiện bệnh viện phổi Bắc Ninh rất thiếu bác sỹ làm công tác chuyên môn, trong 4 năm 2019- 2023 Bệnh viện phổi Bắc Ninh chưa tuyển mới được bác sỹ nào  nên việc triển khai các hoạt động khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao còn hạn chế. Ngoài ra, nhận thức của cộng đồng, nhất là ở một số địa phương xa trung tâm còn hạn chế nên một số người dân có biểu hiện bệnh lao chưa chủ động đến cơ sở y tế để khám, phát hiện và quản lý, điều trị hoặc khi có biểu hiện tự đi mua thuốc, sử dụng thuốc không đúng chỉ định… dẫn đến kháng thuốc vẫn còn là điều đáng bàn.

* Phóng viên: Được biết, hiện nay Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ ( USAD) và tổ chức Sức khỏe gia đình phối hợp với Chương trình chống lao quốc gia đang triển khai Chiến lược 2 X tại Việt Nam, trong đó có Bắc Ninh. Vậy xin bác sĩ chia sẻ thêm về chiến lược này ?

Bác sĩ CKII. Nguyễn Thanh Hải:  Chiến lược này có thể giải thích như sau: 2X là 2 kỹ thuật tiên tiến, có thể chẩn đoán nhanh và độ chính xác cao, trong đó X-quang để sàng lọc bệnh nhân có tổn thương phổi nghi lao và Xpert MTB/RIF để khẳng định chẩn đoán (X-pert MTB/RIF tìm gen của vi khuẩn lao ở mẫu đờm của bệnh nhân là một kỹ thuật sinh học phân tử hiện đâị nhất hiện nay).

Đối tượng để triển khai triển khai khám của chiến lược này là bệnh nhân lao định hướng (người tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi), và người có nguy cơ cao mắc lao như bệnh nhân đái tháo đường, bệnh nhân HIV, người có sức đề kháng suy giảm….

Việc triển khai chiến lược 2X tại cộng đồng giúp đưa máy X-quang về gần người dân hơn, dễ tiếp cận với người có nguy cơ cao mắc lao đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn. Trên cơ sở đó năm 2023 tỉnh Bắc Ninh triển khai chiến lược 2X ở 7 Trung tâm Y tế huyện thị, và tổ chức khám sàng lọc cộng đồng bằng chiến lược 2x cho 2 huyện là thị Xã Quế Võ và Thị Xã Thuận Thành, kết quả cho thấy rõ rệt.

* Phóng viên: Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong năm 2024 Chương trình chống lao tại Bắc Ninh sẽ trọng tâm những hoạt động gì, thưa bác sĩ ?

Bác sĩ CKII. Nguyễn Thanh Hải:  Căn cứ vào kế hoạch hoạt động của chương trình chống lao nói chung và kế hoạch của Chương trình chống lao tỉnh Bắc Ninh nói riêng, trong năm 2024 Chương trình chống Lao Bắc Ninh sẽ tập trung đẩy mạnh phát hiện bệnh nhân lao trong cộng đồng bằng kỹ thuật sinh học phân tử và xe X-quang di động nhằm đạt được những chỉ tiêu như: 750 bệnh nhân lao các thể được phát hiện và thu nhận; 92% tỷ lệ khỏi, hoàn thành điều trị; 95% tỷ lệ bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV và 40% số bệnh nhân lao kháng thuốc được thu dung. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường  phối hợp với Trung tâm Kiểm soat sbeenhj tạt tình và các địa phương đẩy mạnh truyền thông và phát hiện bệnh nhân lao tiềm ẩn, đưa vào điều trị những bệnh nhân lao tiềm ẩn được phát hiện vì điều trị lao tiềm ản giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lao lên tới 90%.

* Phóng viên: Để  chương trình phòng, chống lao đạt được những kết quả như mong muốn, tiến tới sớm chấm dứt bệnh lao tại Bắc Ninh, theo bác sĩ cần phải có giải pháp gì ?

Bác sĩ CKII. Nguyễn Thanh Hải:  Việc sớm chấm dứt bệnh lao là trách nhiệm của cả cộng đồng, không phải chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế. Do vậy, ngoài sự tích cực triển khai các hoạt động của chương trình rất cần sự quan tâm, phối hợp đồng bộ của các các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương và người dân để thể hiện sự  huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, sự chung tay của cả cộng đồng nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.  Đây cũng là yếu tố tiên quyết, mang tính cấp bách, cần thiết như thông điệp của Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay là “ (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO).

PV: Xin cảm ơn bác sĩ đã tham cuộc trao đổi này./.

Source: CDC