bn-current-user-online-portlet

Online : 3358
Total visited : 150795746

Hiểu đúng để phối hợp, hỗ trợ can thiệp trẻ tự kỉ hiệu quả

09/04/2024 08:18 View Count: 168

Tự kỉ là một khuyết tật phát triển – rối loạn phát triển thần kinh được khởi phát từ khi trẻ còn nhỏ và kéo dài. Mắc tự kỉ sẽ có những bất thường trong tương tác và giao tiếp xã hội, có những sở thích, hành vi và hoạt động giới hạn, lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa hiểu hết, hiểu đúng về tự kỉ, vẫn còn nhầm lẫn tự kỉ với các rối loạn tâm thần khác cũng như chưa nhận thức được tầm quan trọng của chẩn đoán, can thiệp sớm nhằm giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng.

* Nhiều sai lầm trong nhận thức về tự kỉ

Bé N.V.M (Phú Lâm, Tiên Du) bị bại não thể co cứng từ nhỏ, đã được can thiệp phục hồi chức năng và vận động được bình thường. Nhưng đến nay, mặc dù đã 7 tuổi nhưng M. chỉ hoạt động chân tay liên tục, không nói được từ nào và nhận thức cũng rất kém. Mẹ của bé cho biết, chị làm công nhân đi làm tối ngày. Nghe người ta nói con chậm nói, không nhận thức được là bị tự kỉ nên chị đưa đi khám. Nhưng bác sĩ kết luận cháu không tự kỉ mà là bị tăng động, chậm phát triển. Cũng muốn cho con đi can thiệp ngoài, nhưng mức chi phí quá tốn kém nên chị cứ để vậy, khiến con lỡ đi “thời gian vàng”. Đến phòng khám tâm bệnh của Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, bé M. được bác sĩ nhận vào điều trị ngoại trú với mức BHYT được thanh toán tối đa nên mẹ bé đỡ lo hơn nhiều.

Mỗi ca khám trẻ tự kỉ được thực hiện trong 30 – 60 phút bởi cần phải hỏi, đánh giá rất cẩn thận, chi tiết để xác định tình trạng của trẻ.

Không như M., bé N.H.A (Thụy Hòa, Yên Phong) được gia đình phát hiện và đưa đi khám, chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỉ từ 17 tháng khi con có chậm nói, gọi không quay lại, không biết nhìn mắt, thường chơi tay, nhìn nghiêng, chỉ thích chơi 1 mình, hay đi kiễng chân, quay vòng tròn, sợ tiếp xúc chỗ đông người, không chơi theo đúng chức năng của đồ chơi… Gia đình đã đưa bé đi can thiệp tại Hà Nội và thấy tiến triển tốt nên gia đình dừng việc can thiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian, các biểu hiện của tự kỉ dần quay lại khiến gia đình khá lo lắng nên đã đưa bé đến Bệnh viện Sản Nhi để khám, đánh giá và làm chế độ.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Thơm – phòng khám tâm bệnh, Bệnh viện Sản Nhi thì đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp hiểu chưa đúng về tự kỉ đến khám tại phòng khám. Tự kỉ thường hay bị nhầm lẫn với một số rối loạn tâm thần như chậm nói đơn thuần, câm điếc, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn tăng động giảm chú ý, không nói chọn lọc/lo âu xã hội. Bởi những rối loạn tâm thần trên, trẻ không có hành vi rập khuôn, định hình; trẻ không thờ ơ và vẫn có cử chỉ giao tiếp, phản ứng phù hợp với lứa tuổi; trẻ có thể không nói chuyện hay giao tiếp kém ở môi trường lạ nhưng ở môi trường quen thuộc thì vẫn nói chuyện và giao tiếp bình thường.

Trẻ điều trị, can thiệp tại phòng khám được điều dưỡng viên can thiệp theo phương pháp 1:1 trong 30 – 45 phút

Phần lớn trẻ tự kỉ sẽ chậm các kĩ năng ngay từ năm đầu tiên; khả năng ngôn ngữ và các kĩ năng xã hội diễn biến thoái lùi dần. Vì vậy, việc được khám sàng lọc để phát hiện sớm, can thiệp sớm trong “thời gian vàng” khi trẻ dưới 3 tuổi là điều rất có ý nghĩa. Nếu đến khám quá muộn, khi não bộ của trẻ đã hoàn thiện, các kĩ năng cũng cơ bản hình thành thì can thiệp sẽ rất khó cải thiện. Việc can thiệp, điều trị tự kỉ là cả một quá trình xuyên suốt, liên tục tính bằng năm, thậm chí hàng chục năm. Vì vậy, việc thấy trẻ có tiến bộ mà ngừng can thiệp, các biểu hiện có thể quay lại sau một thời gian, cá biệt có nguy cơ trở nên nặng nề hơn – bác sĩ Thơm nhấn mạnh.

* Cần hiểu đúng, phát hiện sớm, phối hợp can thiệp cho trẻ tự kỉ giữa bệnh viện và gia đình

Hiện số lượng trẻ tự kỉ được khám, phát hiện ngày càng nhiều. Mặc dù chưa có những nghiên cứu dịch tễ đủ lớn, nhưng một vài nghiên cứu nhỏ tại Thái Bình, Thái Nguyên và một số tỉnh khác đều chỉ ra số lượng trẻ mắc tự kỉ chiếm khoảng 0.4 – 0.8% trẻ dưới 6 tuổi. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ tự kỉ chiếm 25% tổng số trẻ khám ngoại trú. Năm 2020, đề tài nghiên cứu cấp tỉnh của bác sĩ Trần Thị Thủy – Trưởng khoa nội nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cho thấy, từ tháng 9/2019 – tháng 6/2020, 7000 trẻ em từ 18 đến 60 tháng trên toàn tỉnh được khám sàng lọc, phát hiện 31 trẻ rối loạn phổ tự kỉ, chiếm 0.44%.

Trẻ đến điều trị ngoại trú tại phòng khám tâm bệnh được tổ chức can thiệp nhóm, tăng cường vận động, tương tác

Nguyên nhân của tự kỉ là do các yếu tố gen và môi trường khiến não bộ trẻ có sự thay đổi, từ đó chức năng nhận thức bị ảnh hưởng và biểu hiện ra các hành vi giảm giao tiếp, tương tác xã hội và có sự rập khuôn một số hành vi nhất định. Mắc tự kỉ, trẻ sẽ bị suy giảm hành vi giao tiếp không lời (giảm giao tiếp mắt, thiếu biểu cảm nét mặt phù hợp), suy giảm việc phát triển, hiểu và duy trì mối quan hệ (chơi 1 mình, khó kết bạn, khó điều chỉnh hành vi phù hợp và khó hiểu cách chơi, các quy định của xã hội); khó khăn trong trao đổi qua lại cảm xúc – xã hội; khó khăn diễn đạt lời nói (chậm nói, diễn đạt kém, nói ngược, sắp xếp lộn xộn, cách nói rập khuôn, cứng nhắc); sở thích thu hẹp, dai dẳng (cuốn hút, say mê với một chủ đề nào đó, thích quá mức số, chữ, tiếng Anh); chuyển động, cách chơi rập khuôn, lặp đi lặp lại (các động tác đi kiễng, nhìn nghiêng, quay tròn, vung vẩy tay, chơi tay, cách chơi hoặc nói lặp đi lặp lại…); các thói quen, nghi thức lặp lại; các vấn đề liên quan đến điều hòa giác quan.

Để khám đánh giá trẻ tự kỉ, mỗi bệnh nhân cần khoảng 30 phút với bảng câu hỏi đánh giá, cá biệt những trẻ có nhiều triệu chứng, thời gian khám có thể lên đến 1 tiếng. Tại phòng khám tâm bệnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 6 – 7 trẻ đến khám, cao điểm có ngày lên đến 14 – 15 trẻ. Trong đó, phần lớn là chậm nói, tự kỉ và tăng động giảm chú ý. Mặc dù là những rối loạn riêng biệt, nhưng tự kỉ cũng thường có những rối loạn kèm theo như chậm phát triển tâm thần vận động, tăng động giảm chú ý, động kinh co giật, rối loạn giấc ngủ, ăn uống.

Việc phối hợp với gia đình trong đồng hành can thiệp trẻ tự kỉ là yếu tố vô cùng quan trọng giúp nâng cao hiệu quả can thiệp

Trong vấn đề điều trị, rối loạn tự kỉ có thể được can thiệp, điều trị bằng phương pháp y – sinh học và sử dụng thuốc; nhưng quan trọng nhất và giữ vai trò tiên quyết nhất vẫn là giáo dục thúc đẩy giao tiếp và thay đổi hành vi. Tại phòng khám ngoại trú tâm bệnh, trẻ được can thiệp bằng 2 phương pháp: can thiệp 1:1 và can thiệp nhóm. Bác sĩ Thơm nhấn mạnh, can thiệp muốn hiệu quả cần có sự tham gia của cha mẹ và người trong gia đình. Phòng khám có nhóm zalo chung của các bệnh nhân điều trị ngoại trú. Tại đây, cán bộ y tế sẽ trao đổi trực tiếp với gia đình trong việc cung cấp tài liệu, hướng dẫn cách phối hợp can thiệp và trực tiếp giải đáp thắc mắc, hỗ trợ gia đình trong quá trình can thiệp. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng được cán bộ y tế giới thiệu, kết nối với các tổ chức, hội nhóm trẻ tự kỉ bên ngoài để được hỗ trợ và tham gia các hoạt động cộng đồng.

Những trẻ có thể “tốt nghiệp”, hòa nhập được với cộng đồng đều là trẻ được can thiệp sớm, can thiệp trong thời gian dài và liên tục cả ở bệnh viện lẫn ở nhà. Từ chỗ không nói được (kể cả từ đơn), gọi hỏi không trả lời, không biết giao tiếp…thì trẻ đã có thể chào hỏi, nhìn mắt, trao đổi giao tiếp cơ bản và đặc biệt có thể đi học như trẻ bình thường. Tuy nhiên, với những trẻ nặng, nhiều triệu chứng, lại can thiệp muộn thì việc can thiệp chủ yếu là dạy trẻ các kĩ năng tự phục vụ và giao tiếp đơn thuần.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc tái khám là vô cùng quan trọng để đánh giá định kì, theo dõi diến biến theo mục tiêu để có sự thay đổi, điều chỉnh chương trình can thiệp phù hợp. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu “cờ đỏ” như 12 tháng không nói bập bẹ, chưa chỉ ngón trỏ hoặc không có giao tiếp phù hợp; 16 tháng chưa nói được từ đơn; 24 tháng chưa nói được câu 2 từ; trẻ bị mất đi kĩ năng ngôn ngữ hoặc kĩ năng xã hội đã có ở bất kỳ lứa tuổi nào…, gia đình nên đưa trẻ đến khám, đánh giá tại các cơ sở y tế chuyên môn, đồng thời phối hợp với cán bộ y tế trong điều trị, can thiệp để trẻ cải thiện tốt nhất. Từ đó, hạn chế sự kỳ thị và áp lực đối với trẻ và gia đình, từ đó giúp nâng cao chất lượng sống.

Nguyễn Hà