bn-current-user-online-portlet

Online : 3743
Total visited : 151050024

Chú trọng phòng, chống bệnh nghề nghiệp

17/07/2023 14:57 View Count: 227

Theo báo cáo tổng hợp y tế lao động được gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2022, tổng số lượt người được khám bệnh nghề nghiệp đạt gần 33.000 lao động có tiếp xúc với yếu tố có hại. Người lao động chủ yếu khám các bệnh nghề nghiệp như: Bệnh điếc, bệnh phóng xạ, bệnh viêm phế quản mãn tính, bệnh nốt dầu, bệnh rung, bệnh bụi phổi silic,…

Kể từ năm 2020 đến nay, riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho gần 17,5 nghìn lượt lao động. Trong danh mục 35 bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp BHXH (trước đây có 34 bệnh, từ ngày 1-4-2023, COVID-19 là bệnh nghề nghiệp thứ 35) thì có 3 bệnh được khám nhiều nhất gồm: Bệnh bụi phổi bông (3.416 lượt), bệnh viêm phế quản (3.886), bệnh điếc do tiếng ồn (3.612).

Với hàng chục nghìn doanh nghiệp và hàng trăm nghìn lao động tại các khu, cụm công nghiệp; cùng với hàng chục nghìn lao động ở hơn 60 làng nghề trong tỉnh, số người được khám, quản lý bệnh nghề nghiệp hàng năm mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bác sĩ Biện Xuân Khởi, Khoa Phòng, chống bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thông qua kết quả khám, chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh nghề nghiệp, tuy nhiên, do số lượng báo cáo y tế từ các doanh nghiệp còn ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn nên việc thống kê và đánh giá về tình hình bệnh nghề nghiệp còn chưa được đầy đủ.

Cần nói rằng, các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh có ý thức chấp hành các quy định về quản lý vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động, tuy nhiên, ở hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này còn rất hạn chế. Tại các doanh nghiêp, cán bộ nhân sự thường xuyên thay đổi nên rất khó trong việc liên hệ trao đổi công việc. Tổ chức bộ phận y tế tại doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chưa đúng theo quy định: Chưa có cán bộ y tế, hoặc có cán bộ y tế nhưng chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ về chuyên môn y tế lao động nên hạn chế trong việc tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc chăm sóc sức khoẻ người lao động tại doanh nghiệp. Một số cơ sở y tế cung cấp khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp với mức giá khám thấp dẫn đến chất lượng khám chưa được bảo đảm, hồ sơ khám các thông tin không được khai thác đầy đủ, nội dung khám còn sơ sài, một số đánh giá phân loại sức khỏe còn chưa đúng theo quy định,…

Đo thính lực để xác định bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Bác sĩ Cao Thị Thanh Hoà, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh nghề nghiệp nói rõ hơn: Các cơ sở lao động trên địa bàn chưa chủ động thực hiện và gửi báo cáo y tế lao động định kỳ về cơ quan quản lý, nhiều cơ sở lao động có gửi báo cáo nhưng số liệu còn thiếu, báo cáo nhiều mục còn để trống, do vậy cơ quan quản lý nhà nước khó có được số liệu đầy đủ về công tác vệ sinh lao động và chăm sóc sức khoẻ người lao động tại các doanh nghiệp.

Trong 3 năm 2020, 2021, 2022, các cơ sở lao động đều ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên các hoạt động quản lý vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động tại các doanh nghiệp không được triển khai đầy đủ và đúng theo kế hoạch đề ra. Đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của công tác vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động những năm này chưa cao.
Một khó khăn nữa trong công tác quản lý, phòng, chống bệnh nghề nghiêp cần phải nhắc đến là mạng lưới tổ chức triển khai thực hiện công tác vệ sinh lao động từ tuyến tỉnh đến xã, phường và y tế tại các cơ sở lao động chưa ổn định và chưa liên kết tốt trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Nhân lực làm công tác vệ sinh lao động tại các tuyến còn mỏng và thiếu, thường xuyên biến động do thay đổi vị trí việc làm, đi học… trình độ chuyên môn còn chưa đồng đều. Các cơ sở lao động còn chưa bố trí đầy đủ cán bộ làm công tác y tế hoặc cán bộ y tế không đúng trình độ chuyên môn, chưa được đào tạo về y tế lao động.

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp, cần nâng cao trình độ, kỹ năng về công tác quản lý vệ sinh lao động cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện. Đội ngũ cán bộ làm công tác y tế tại doanh nghiệp cũng cần được đào tạo và cấp chứng chỉ y tế lao động. Phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra về pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Tăng cường kiểm tra đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có nhiều yếu tố, nguy hiểm, độc hại bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo.

Source: BBN