bn-current-user-online-portlet

Online : 4245
Total visited : 150772480

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống Lao 2021

17/03/2021 14:42 View Count: 287

Bệnh lao là bệnh nhiễm trực khuẩn lao (Mycobacterium Tuberculosis), thường gặp lao phổi, lao màng phổi, lao hạch, lao màng não... Bệnh lao gắn liền với mức sống thấp, môi trường ô nhiễm, dinh dưỡng kém, đề kháng kém, là gánh nặng bệnh tật cho người dân và xã hội… Ngày nay, với đại dịch HIV/AIDS, bệnh lao nổi lên là bệnh cơ hội trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV/AIDS, làm công cuộc phòng chống bệnh lao ngày càng cam go và phức tạp hơn.

Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030

Bệnh lao là bệnh mắc phải, do trực khuẩn lao gây nên:

Nhà bác học người Đức Robert Kock là người đầu tiên công bố tìm ra trực khuẩn lao (Mycobacterium Tuberculosis) khi xét nghiệm đờm của người mắc bệnh lao phổi vào ngày 24 tháng 3 năm 1882. Để kỷ niệm ngày tìm ra trực khuẩn lao của Robert Kock vào năm 1882, Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội bài lao và Bệnh phổi Quốc tế lấy ngày 24/3 hàng năm làm Ngày Chống lao Thế giới. Từ đó đến nay, Ngày Chống lao Thế giới 24/3 được xem là ngày chính thức của Liên Hiệp Quốc và đã trở thành một sự kiện sức khỏe quan trọng trên toàn cầu. Ở Việt Nam, Ngày Chống lao Thế giới 24/3 được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao, kêu gọi sự quan tâm của mọi người, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng chung sức trong hoạt động phòng chống lao. Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu đã lập kế hoạch số 20/KH-KSBT ngày 08/3/2021 về việc phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai chiến dịch truyền thông với chủ đề: “Nỗ lực chấm dứt dịch bệnh lao trong cộng đồng”; đây là hoạt động quan trọng hướng đến cam kết chính trị các cấp và hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, đồng thời tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân và cộng đồng về bệnh lao và công tác phòng, chống bệnh lao.

Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh lao và bệnh lao phổi thường gặp:

Lao phổi là bệnh thường gặp trong các loại bệnh lao vì vi khuẩn lao ái khí. Triệu chứng bệnh lao phổi rất dễ nhận biết, tuy nhiên người bệnh thường không chú ý phát hiện và dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm sốt, viêm phế quản, suy nhược,…đến khi bệnh diễn biến nặng hoặc uống thuốc không hết mới đi khám bệnh. Các triệu chứng lao thường gặp:

- Ho, ho ra máu, khạc đàm kéo dài: ho trên 2 tuần, dùng thuốc kháng sinh không giảm.

- Gầy, sút cân nhanh, chán ăn, mệt mỏi, gầy, cơ thể suy yếu…

- Sốt, ra mồ hôi: Sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hoặc ớn lạnh về chiều, ra nhiều mồ hôi…

Điều trị bệnh lao:

- Bệnh nhân lao phải được chẩn đoán bệnh và chỉ định điều trị bệnh tại cơ sở chuyên khoa lao, uống thuốc chống lao đúng phác đồ, đúng liều, đều hàng ngày và đủ thời gian. Tại Bạc Liêu đã thành lập Bệnh viện Chuyên khoa lao đi vào hoạt động tại địa chỉ 01/781 đường tỉnh lộ 38, ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch thành phố Bạc Liêu.

- Phải xét nghiệm lại đàm 3 lần vào các thời điểm: sau tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của giai đoạn điều trị tấn công, sau tháng thứ 5 và thứ 8 của giai đoạn điều trị duy trì.

- Sau khi điều trị thuốc chống lao được vài tuần, dấu hiệu bệnh thuyên giảm, bệnh nhân thấy người khỏe hơn, ăn uống ngon miệng hơn và có thể tăng cân, đó là biểu hiện tốt, nhưng bệnh chưa khỏi, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị cho đủ 8 tháng. Nếu bệnh nhân bỏ dở điều trị (ngừng dùng thuốc trước 8 tháng) bệnh không khỏi, nhanh tái phát trở lại và đặc biệt nguy hiểm là vi khuẩn lao trở nên kháng lại các thuốc chống lao và việc điều trị về sau này sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

- Thuốc chống lao có thể gặp một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, chóng mặt, ngứa...là các tác dụng phụ nhẹ nên bệnh nhân vẫn tiếp tục dùng thuốc. Nếu bạn giảm thị lực (nhìn mờ), giảm thính lực (nghe kém), đau khớp hoặc thấy vàng mắt cần phải ngừng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay.

- Các thuốc sử dụng điều trị lao cho phụ nữ mang thai vẫn an toàn, nên phụ nữ đang mang thai có thể tiếp tục điều trị bệnh lao (không sử dụng Streptomycin vì có thể gây điếc cho thai nhi). Tốt nhất tránh mang thai trong khi khi đang điều trị bệnh lao, nhưng không nên quá lo lắng nếu có thai.

- Phụ nữ mang thai chữa bệnh lao có thể vẫn tiếp tục cho con bú, nguy cơ tác động có hại của thuốc chống lao đối với trẻ em là rất ít. Tuy nhiên nên đưa con đi khám định kỳ để phát hiện kịp thời những dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thuốc chống lao.

Những điều bệnh nhân lao cần nhớ:

- Bệnh lao chữa khỏi hoàn toàn nếu bệnh nhân uống thuốc đều đặn, đúng liều và đủ 8 tháng.

- Cần đến khám lại mỗi tháng 1 lần.

- Nếu thấy xuất hiện các tác dụng phụ có hại của thuốc như: Mắt nhìn mờ, chóng mặt, nghe khó, vàng da, vàng mắt,.... cần phải ngừng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay. 

- Không hút thuốc lá, không uống rượu. Có thể ăn, ở cùng mọi người trong gia đình nhưng phải uống thuốc đúng chỉ dẫn.

- Không cần ăn kiêng (ngoại trừ người bệnh lao có kèm theo đái tháo đường).Trong quá trình điều trị 8 tháng cần phải xét nghiệm lại đàm 3 lần để xem kết quả điều trị có tốt không và bệnh đã khỏi chưa.

- Bệnh lao và nhiễm HIV/AIDS: Bình thường khi bị nhiễm lao người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh lao là 10% trong cả cuộc đời. Nếu nhiễm thêm HIV nguy cơ đó là 10% mỗi năm, bởi vì nhiễm HIV làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao trong cơ thể sinh sôi tăng nhiều về số lượng và gây bệnh lao. Nghĩa là ở bệnh nhân nhiễm HIV nguy cơ trong đời bị mắc bệnh lao sẽ tăng lên 30 lần. Lao và HIV/AIDS là tình trạng hai bệnh nguy hiểm đồng thời trên một người bệnh, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV/AIDS.

- Bệnh lao phát triển mạnh, lây lan nhanh ở những nơi sống trong nghèo đói, người di cư, người tị nạn, dân tộc ít người, thợ mỏ, người già, phụ nữ và trẻ em. Các yếu tố khác kèm theo làm tăng nguy cơ lây nhiễm lao như suy dinh dưỡng, nhà ở chật chội môi trường vệ sinh kém, sử dụng thuốc lá và rượu, bệnh tiểu đường, các bệnh mạn tính khác…Cuộc sống nghèo đói, kham khổ và bệnh tật làm gia tăng bệnh lao, các thể lao đa kháng thuốc làm tình trạng mắc bệnh lao ngày càng trầm trọng hơn.

Phòng ngừa lây nhiễm cho cộng đồng: Để phòng lây nhiễm bệnh cho cộng đồng, người mắc bệnh lao cần phải:

- Uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sỹ. Thường chỉ sau 2 tuần điều trị sẽ nhanh chóng làm giảm khả năng lây bệnh cho người khác.

- Che miệng và quay mặt về phía khác khi ho, khi hắt hơi.

- Không khạc nhổ đàm bừa bãi, cần khạc đàm vào giấy rồi gói lại và đốt đi.

- Nếu có điều kiện thì ngủ ở phòng riêng có thông khí tốt.

- Khuyên những người trong gia đình đi khám bệnh xem có bị lây nhiễm không.

- Tiêm phòng BCG cho trẻ.

Một số khẩu hiệu Ngày Thế giới Phòng, chống lao năm 2021

Việt Nam Chiến thắng COVID – Chấm dứt bệnh lao!

Lan tỏa yêu thương – Kết nối cộng đồng – Chấm dứt bệnh lao!

Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2021!

Phải phòng, chống Lao như phòng, chống COVID-19!

Đã đến lúc cùng hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao!

Đã đến lúc đoàn kết toàn dân để chiến thắng bệnh lao!

Hãy hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao vào năm 2030!

Thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng, mọi người hưởng ứng Chương trình hành động Quốc gia chấm dứt bệnh lao vào năm 2030!

Đã đến lúc toàn dân hành động vì sự nghiệp chấm dứt bệnh lao cho mình và cộng đồng!

Thời cơ đã đến, mỗi người hãy chiến thắng bệnh lao ngay bây giờ và mãi mãi!

Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm lao!

 Không ai đáng phải chết vì bệnh lao, đặc biệt là trẻ em!

 Tôi không sợ bệnh lao, tôi sợ sự xa lánh và vô cảm của xã hội!

 Chiến thắng bệnh lao, chiến thắng đói nghèo!

 Phòng chống lao - Trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, tiến tới thanh toán bệnh lao!

 Vì sức khỏe Việt Nam, hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030!

 

Đăng Thăng