Làng cổ Tiểu Than, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh

19/10/2017 17:06 View Count: 1517
Cách thành phố Bắc Ninh 25km phía bên bờ nam sông Đuống, làng Tiểu Than thuộc xã Vạn Ninh huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh là ngôi làng Việt cổ tiêu biểu còn lại tại Bắc Ninh.Với những nét đặc trưng về kiến trúc, không gian của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, và có thể nói nơi đây là điểm nhấn du lịch của Bắc Ninh khiến du khách ai cũng một lần muốn ghé qua.
Làng cổ Tiểu Than nằm ở đâu?
Vạn Ninh là một xã thuộc huyện Gia Bình tình Bắc Ninh, nằm bên bờ phía Nam sông Đuống, nằm gần quốc lộ 18 hướng đi Chí Linh, Sao Đỏ (Hải Dương), Uông Bí (Quảng Ninh). Làng Tiểu Than thuộc xã Vạn Ninh nằm bên bờ đê tiếp giáp với cầu Bình Than nối từ Gia Bình sang Quế Võ. Chính vì vị trí thuận lợi như vậy nên di chuyển từ Tp Bắc Ninh tới làng cổ Tiểu Than có thể nói là rất dễ dàng.
Tiểu Than còn có tên là Sĩ Lộ thôn, tên nôm là làng Dựng, thuộc xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Tiểu Than là một xã thuộc tổng Vạn Ty, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Khi đó, tổng Vạn Ty gồm các xã: Bà Dương, Bà Sở, Vạn Tải, Vạn Ty và Văn Than. Sau cách mạng Tháng 8 năm 1945, đơn vị hành chính cấp tổng bị bãi bỏ, cơ cấu tổ chức làng, xã được tổ chức lại, Tiểu Than thuộc xã Đại Than, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Lúc đó xã Đại Than gồm các làng (cũng gọi là thôn): Tiểu Than, Đại Trung (làng Lớ); Văn Than (làng Lái) và Bình Than. Đầu năm 1948, hai xã Bình Dương và Song Cao hợp nhất thành xã Vạn Ninh, lúc này làng Tiểu Than là một đơn vị của xã Vạn Ninh và ổn định cho đến ngày nay.
(Một góc làng cổ Tiểu Than – Vạn Ninh)
Cũng như nhiều làng xã trong vùng, Tiểu Than là một làng Việt cổ giữa một vùng quê có lịch sử lâu đời. Phía Đông giáp với những làng xóm nằm bên bờ Lục Đầu Giang, nay là các làng thuộc xã Cao Đức, Trung Kênh, An Thịnh. Tại những địa danh này, ngoài các di tích đền, đình thờ Cao Lỗ, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy di tích mộ cũi gỗ, mộ gạch cổ, những vũ khí bằng đồng bên cạnh những hài cốt của những chiến binh – đó là những di tích thuộc thời Hán đầu công nguyên. Nhiều tài liệu như văn bia còn cho biết vùng Lục Đầu Giang còn là vị trí chiến lược, nơi họp hội nghị Bình Than của vua quan, quý tộc nhà Trần bàn kế sách diệt giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII.
Dải đất ven sông Đuống kéo dài suốt từ Đông Cứu đến Đại Lai về Cao Đức là dải đất phù sa màu mỡ ven sông, ngay từ đầu công nguyên đã có con người đến định cư, khai phá cấy trồng và tạo lập nên những xóm làng đông đúc trù mật. Tiểu Than có lẽ cũng được dựng lập từ xa xưa như thế. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết thì Tiểu Than có tên nôm là làng Dựng bởi vốn khi xưa làng ở khu Giếng Méo, cách làng hiện nay về phía Đông khoảng 800m, gần làng Đại Trung (hay còn gọi là Đại Than - tên nôm làng Lớ) thuộc xã Cao Đức ngày nay, sau không hiểu vì lý do gì mà làng di chuyển về vị trí như hiện nay.
Mặc dù trải bao thăng trầm lịch sử, vẫn còn đó một làng Tiểu Than cổ kính và văn hiến. Nét cổ kính, văn hiến ấy còn để lại ở tên đất, tên làng, ở các công trình văn hóa tín ngưỡng với những phong tục tập quán mang tính thuần phong mỹ tục. Sinh sống ở Tiểu Than có những dòng họ lớn như: Hà Thế, Nguyễn Đình, Trần Tiến, Nguyễn Thiết, Hoàng Văn, Nguyễn Xuân, Nguyễn Đức, Nguyễn Văn. Người Tiểu Than từ ngàn xưa vốn thuần phác, cần cù lao động, hăng say trong học hành, mưu trí dũng cảm trong chiến đấu. Các thế hệ người con Tiểu Than luôn đoàn kết, sát cánh bên nhau để cùng xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền nhân. Vào thời Nguyễn, đình làng Tiểu Than đã là nơi tổ chức khao quân của Nguyễn Văn Thịnh - người Vạn Ninh đã dũng cảm khởi nghĩa chống lại triều đình phong kiến nhà Nguyễn dưới triều vua Tự Đức.
 
Thời thuộc Pháp, Tiểu Than nói riêng và Vạn Ninh nói chung là nơi sớm có phong trào yêu nước và cách mạng. Trong cách mạng tháng 8 năm 1945, đình Tiểu Than chính là nơi tập trung lực lượng cách mạng, cùng với các thôn xã khác tham gia lật đổ chính quyền thực dân phong kiến huyện Gia Bình, xây dựng chính quyền mới. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu Than vẫn xứng đáng với truyền thống quê hương Cao Lỗ, tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến đánh giặc.
Du lịch tại làng Tiểu Than xã Vạn Ninh :
 
1. Đình làng Tiểu Than
Đình làng Tiểu Than ngày nay nằm sát phía Đông Bắc làng, mặt quay hướng Bắc, nhìn ra đê sông Đuống. Truyền rằng đình nằm trên mình con phượng đang xoè cánh bay, đầu thò xuống uống nước ở giếng phía trước đình.
Hiện đình có kết cấu kiến trúc hình chữ Đinh gồm toà Tiền đình và Hậu cung, hai bên là hai dãy nhà tả vu và hữu vu.
Toà Tiền đình 5 gian lợp ngói nổi bật hình 2 con kìm mồm há rộng ngậm hai bờ đầu nóc, đuôi uốn cong, giữa là hình mặt trời. Trên bờ dải là hai nghê con chầu và hai đầu đao phía trước uốn cong đắp hình rồng phun phượng uốn.
Tiền đình dựng trên nền cao hơn sân khoảng 40cm, có diện tích (18,6m x 8,5m), gian giữa rộng 4,2m, 2 gian bên mỗi gian 3,3m và hai gian ngoài cùng mỗi gian rộng 4m. Cửa mở ở 3 gian giữa kiểu bức bàn, 2 gian bên là tường gạch cánh phong, mặt ngoài đắp nổi chữ Thọ theo kiểu chữ …tròn nằm trong ô vuông. Bộ khung gỗ lim chắc khoẻ, kết cấu các vì kèo theo những kiểu thức khác nhau. Hai vì giữa theo kiểu “kẻ truyền con chồng”, hai vì bên theo kiểu thức trên chồng cốn, chóp mặt hổ phù, dưới kẻ truyền. Hai vì ngoài thấp hơn theo kiểu kẻ góc tạo thành 4 góc đao đình uốn cong mềm mại.
Tất cả  các thành phần kiến trúc gỗ đều được liên kết chặt chẽ với nhau qua hệ thống xà, kẻ, hoành, cột, con chồng, đầu dư tạo cho ngôi đình có vẻ bề thế, vững chắc. Nghệ thuật trang trí, điêu khắc ở đình Tiểu Than được thể hiện ở các bức cốn, đầu dư trên các vì, đặc biệt tập trung ở các bức cốn ở hai vì giữa. Những người thợ dựng đình đã chạm nổi, chạm kênh bong các hình tứ linh, tứ quý: “Long, ly, quy, phượng”; “Thông, trúc, cúc, mai”. Rồng quần tụ, vùng vẫy trong mây, uốn thuỷ kéo theo cua, cá, rùa, xung quanh có hoa lá, cây cỏ, đây là hoa sen xoè nở, kia là nụ sen chúm chím cạnh chiếc lá dập rờn trên mặt nước, lại có chỗ biến thể theo các dạng: Long mã phụ đồ, xung quanh là nghê chầu, phượng múa, đại bàng tung cánh, chỗ thì hình cò mổ trai, long mã đội chữ “Thác bình”. Vượn, hươu, sóc bên các cây mai, cây thông, cây trúc…Đường nét và nghệ thuật chạm khắc ở đình Tiểu Than mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, đúng như dòng niên đại được ghi bằng chữ Hán trên câu đầu gian giữa: “Tự Đức nhị thập tứ niên” cho biết đình Tiểu Than được dựng vào năm 1871.
Nghệ thuật trang trí, chạm khắc ở toà Hậu cung tập trung ở vì ngoài và vì cửa cấm. Phần chóp cốn và ngoài chạm nổi mặt hổ phù, dưới là 3 bức cốn, bức giữa hình chữ nhật chạm nổi bộ tam sự (giữa là đỉnh, 2 bên là 2 lọ hoa). Hai bức bên chạm hình rồng vờn trong mây. Dưới cốn là bức cửa võng chạm nổi hình Rồng chầu mặt trời, thân và đuôi thoải dài xuống hai bên tạo thành diềm cửa. Hai bên cốn nách chạm kênh bong các hình long mã, long cuốn thuỷ, cá, cua, rồng, phượng…Vì cửa cấm cũng có kết cấu tương tự. Trên là cốn chóp tam giác chạm nổi hình mặt hổ phù, dưới là 3 cốn gỗ, bức giữa hình chữ nhật chạm nổi 3 chữ Hán “Nhật - Nguyệt - Quang”, các bức bên chạm hình hoa lá uốn lượn. Năm cánh cửa cấm bằng gỗ lim nổi bật với các bức chạm các hình tứ linh, tứ quý với nhiều biến thể khác nhau trong các khung chữ nhật hoặc hình tròn: phượng cuốn thư, cong chữ Thọ, long mã, rùa đội thư, ngựa ăn cỏ, rồng chầu, mai điểu, vợ chồng hươu bên gốc thông già…
Bên cạnh giá trị về kiến trúc, về người được thờ, hiện đình Tiểu Than còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật phong phú và đa dạng như các đồ thờ tự, tế khí, hoành phi, câu đối…Đặc biệt, đình Tiểu Than còn lưu giữ được khối tư liệu văn tự quý bằng chữ Hán như: “Tiểu Than xã thần linh sự tích thừa sao”, “Cúng giã bộ hạ văn”, “Văn tế thần”, “Văn án sự kiện”, “Giao ước 4 xã”…
Hàng năm, hội lệ đình Tiểu Than được tổ chức vào ngày 4, ngày 10 tháng 3 âm lịch và tháng 4 âm lịch (là ngày sinh và ngày hoá của đức thánh). Xưa lễ hội kéo dài từ ngày mùng 9 tháng 3 đến hết ngày 4 tháng 4. Để tiến hành lễ hội, công việc chuẩn bị được bàn định và lo xếp chu đáo ngay từ trong năm. Sáng mùng 9/3 những người trong ban phù giá vào nhà đôn đem kiệu song hành, bát cống ra đình lau chùi, chuẩn bị trước.
Chiều ngày 9/3, tổ chức rước long đình ra mộ Cao Lỗ làm lễ tuyên văn. Sáng ngày 10/3 tổ chức rước kiệu cùng lễ vật xuống đền, tiến hành tế lễ theo quy định chung của 7 xã (7 làng thờ Cao Lỗ là: Tiểu Than; Bình Than; Đông Trung; Mỹ Lộc). Việc rước tế được tổ chức rất uy nghiêm với sự tham gia đông đảo của nhân dân địa phương. Sau khi tế lễ ở đền sẽ tiến hành rước bài vị Cao Lỗ ra kiệu, rồi rước về đình làm lễ an vị từ ngày 11/3 trở đi cho đến hết hội, mỗi ngày tế lễ 1 lần ở đình.
Trong những ngày hội, song song với phần lễ là phần hội với nhiều trò dân gian như: múa bông, rồng rắn, đuổi bệt…đã thu hút hàng nghìn người tham gia rất đông vui, náo nhiệt. Việc thờ cúng, mở hội, tế lễ ngày nay tuy không làm cầu kỳ như xưa, song đến ngày tiết lệ, nhân dân Tiểu Than vẫn thờ cúng thành kính, nghiêm trang nhằm tưởng niệm, tri ân các anh hùng dân tộc, đó cũng là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc ta.
Đình Tiểu Than cùng di tích lăng mộ Cao Lỗ là những di tích tiêu biểu trong hệ thống các di tích thờ Cao Lỗ ở xã Vạn Ninh nói riêng và ở Gia Bình nói chung. Đình Tiểu Than là công trình văn hóa tín ngưỡng được khởi dựng từ lâu đời để thờ Cao Lỗ - một nhân vật có thật trong lịch sử dân tộc, người có công lớn trong việc bảo vệ, tổ chức và xây dựng nhà nước Âu Lạc dưới triều vua An Dương Vưong. Đình cũng là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hiện còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật quý góp phần tìm hiểu về lịch sử của làng xã nơi đây thêm sâu sắc. Việc gìn giữ phát huy giá trị của di tích đình Tiểu Than là biểu hiện sự trân trọng những di sản văn hóa của dân tộc, cũng là tình cảm và đạo lý sống cao đẹp của người Việt Nam, người Tiểu Than “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”.
Đình Tiểu Than đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, quyết định số 34/VH-QĐ, ngày 9/1/1990.
Lê Phương Dung - TTXTDL Bắc Ninh