Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Từ danh hiệu thế giới đến phát triển kinh tế di sản
BÀI 2: Quan họ “nở cành, xanh ngọn”
Sau 15 năm được UNESCO ghi danh, di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh được bảo vệ toàn diện trước sự biến động của thời gian và không gian. Không những thế, Quan họ còn mang một diện mạo mới, sức sống mới, hòa vào nhịp thở của thời đại, giữ vai trò thiết thực trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đây là kết quả của quá trình bảo tồn bền bỉ, đúng hướng, là nỗ lực của cả hệ thống chính trị với sự tận tâm, tận lực cống hiến đầy trách nhiệm của nhiều cá nhân và cộng đồng Quan họ.
Đoàn cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên tỉnh Bắc Ninh quảng bá di sản Dân ca Quan họ tại Pháp tháng 6-2024.
Bảo vệ di sản toàn diện, khoa học
Bám sát chương trình hành động Việt Nam cam kết với UNESCO, tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều chính sách bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca Quan họ: Tỉnh ủy ban hành nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo; Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương - ban hành nhiều nghị quyết làm căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai đồng bộ, bài bản và khoa học. Cụ thể hóa chính sách, tỉnh triển khai chuỗi các chương trình hành động, đề án, dự án và đầu tư nguồn lực hàng trăm tỷ đồng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Quan họ. Từ công tác sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn vốn cổ; tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân cho đến đầu tư phục dựng thiết chế Quan họ; mở rộng hoạt động truyền dạy và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền quảng bá, thực hành giới thiệu di sản...
Là cơ quan thường trực triển khai nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Bắc Ninh đã thực hiện có hiệu quả cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO về bảo tồn và phát triển Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Trong 15 năm qua, tỉnh ban hành nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân Quan họ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt dành nhiều nguồn lực để giới thiệu, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này với công chúng quốc tế.
Lĩnh vực sưu tầm, chỉnh lý, bảo tồn và nghiên cứu khoa học được thực hiện bài bản như: ký âm hàng trăm làn điệu cổ; tái bản và xuất bản nhiều đầu sách về văn hóa Quan họ; hoàn thiện phim tư liệu về các hình thức diễn xướng Quan họ truyền thống; hàng chục công trình nghiên cứu chuyên sâu về Quan họ ra đời; phát hành hàng chục nghìn bản đĩa DVD chương trình “Về miền Quan họ”… Về mặt tuyên truyền quảng bá, Bắc Ninh đã và đang làm rất tốt thông qua việc tổ chức liên tiếp các chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ”, các Festival Bắc Ninh, chương trình giao lưu, giới thiệu, quảng bá di sản trong và ngoài nước... Quan họ được quảng bá với một thời lượng lớn trên phương tiện thông tin đại chúng, với nhiều kênh, tài liệu sách vở...
Công tác truyền dạy Quan họ cũng được triển khai bài bản, đa dạng mô hình: Nghệ nhân truyền dạy trực tiếp tại nhà, tại cộng đồng; thành lập các CLB Quan họ ở nhiều lứa tuổi; mở lớp tập huấn, khóa học ngắn hạn cho những người yêu Quan họ; dạy hát Quan họ trên truyền hình; đào tạo diễn viên Quan họ trong trường nghệ thuật chuyên nghiệp... Đặc biệt, từ năm học 2011-2012, Bắc Ninh đã hoàn thành biên soạn tài liệu và đưa dân ca Quan họ vào giảng dạy ở cả 4 bậc học: Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT.
Hệ thống thiết chế phục vụ sinh hoạt văn hóa Quan họ cũng được tỉnh quan tâm đầu tư đồng bộ, tiêu biểu như: Công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh có tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng; đưa vào sử dụng 11 Nhà chứa Quan họ với trị giá từ 8-10 tỷ đồng/thiết chế; xây dựng 6 chòi hát Quan họ trên đồi Lim...
Bắc Ninh cũng là tỉnh đầu tiên và hiện là duy nhất trong cả nước có chế độ trợ cấp hằng tháng cho nghệ nhân Dân ca Quan họ. Ngoài ra, hằng năm tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, các CLB Quan họ tiêu biểu trong và ngoài tỉnh. Giới nghiên cứu và các nhà quản lý văn hóa đều đánh giá rất cao mô hình, cách làm chủ động đầy trách nhiệm này của Bắc Ninh và khẳng định cần nhân rộng trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong cả nước.
Cặp Nghệ nhân Nhân dân Tạ Thị Hình và Nghệ nhân Ưu tú Tạ Thị Khánh (Bồ Sơn, Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) diễn xướng Quan họ cổ.
Sức sống mới, giá trị mới
Dựa trên nguyên tắc tôn trọng nhân dân, tôn trọng chủ thể nắm giữ và thực hành di sản, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được bảo tồn bài bản, đúng hướng. Nhờ vậy, di sản Quan họ không những được sống trong đời sống nhân dân mà qua mỗi giai đoạn lại được phát triển, bồi đắp thêm những nét đẹp mới, giá trị mới.
Hiện nay, Quan họ đang được bảo tồn và phát huy tốt ở 4 môi trường là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, các cấp trường học trên địa bàn tỉnh và tại cộng đồng. Xét riêng môi trường cộng đồng, toàn tỉnh hiện có trên 600 CLB Quan họ, trong đó có 44 làng Quan họ gốc và 150 làng Quan họ thực hành được công nhận. Hệ thống CLB Quan họ được thành lập đã tạo nên một mạng lưới sinh hoạt rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở. Đây là một trong những mô hình lưu giữ, nuôi dưỡng di sản hiệu quả, đồng thời còn là “cái nôi” ươm mầm những tài năng nghệ thuật, nhất là thế hệ trẻ. Các CLB Quan họ góp phần tích cực vào phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, gắn phong trào văn hóa văn nghệ với phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương. Dân ca Quan họ đang tạo ra những giá trị mới, đóng góp tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần và cả quá trình phát triển kinh tế của cộng đồng.
Nếu diễn xướng Quan họ truyền thống không có khán giả, thì nay Quan họ được đưa vào thể nghiệm biểu diễn trên sân khấu, hát có nhạc đệm, được trình diễn trong các hội nghị, sự kiện, tại các điểm du lịch cộng đồng... Môi trường thực hành Quan họ được mở rộng, có cả không gian truyền thống và hiện đại, trên các nền tảng số, trên mạng xã hội, trên sóng phát thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng... Và nếu trước kia, liền anh liền chị chủ yếu tham gia sinh hoạt “Quan họ làng”, “ca sự tại gia”, “ca sự tại đình” với những cuộc hát đối, hát canh, hát hội hoặc giao lưu giữa các làng kết chạ, thì bây giờ “Quan họ du ca” khắp mọi miền, là “thực phẩm tâm hồn” thiết yếu quen thuộc và trở thành “sợi nhớ, sợi thương” của người Việt ở trong nước và quốc tế.
Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh đang được hiện diện, được chia sẻ, chấp nhận ở phạm vi quốc gia, quốc tế và bắt đầu tiệm tiến đến cấp độ sao chép, mô phỏng, làm theo thông qua việc ngày càng có thêm nhiều CLB Quan họ được thành lập ở những vùng đất mới như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng... và những CLB Quan họ của cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc, Đức, Hàn Quốc. Sự mô phỏng cũng được thể hiện qua những sản phẩm âm nhạc, chương trình nghệ thuật thể nghiệm đặc sắc, tiêu biểu như: Đưa Dân ca Quan họ Bắc Ninh vào Lễ Bế mạc SEA Games 31; sự “kết duyên” đầy táo bạo giữa Quan họ với nhạc giao hưởng do UBND thành phố Bắc Ninh phối hợp tổ chức năm 2018; dự án giao duyên Quan họ với ngũ tấu đàn dây phương Tây của nhạc sĩ Ngô Hồng Quang; hay việc sáng tạo kể những câu chuyện Quan họ trong Show diễn “Tinh hoa Bắc bộ” và nhiều chương trình nghệ thuật thể nghiệm khác như “Trương Chi”, “Nét son Kinh Bắc”...
Thành tựu đạt được trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ chỉ có thể là sức sống lâu bền bắt nguồn từ giá trị nội tại của Quan họ và là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị với sự chung tay của các tầng lớp nhân dân mà đặc biệt là tâm huyết của nhiều cá nhân và cả cộng đồng Quan họ. Những nghệ nhân, anh hai, chị hai dốc lòng, dốc sức, ngày đêm miệt mài tình nguyện trao truyền nghề chơi. Các chuyên gia nghiên cứu, nhà sưu tầm, nghệ sĩ, diễn viên... bằng tài năng, lòng say mê đã tận tâm, tận lực cống hiến để Quan họ thăng hoa và tỏa sáng. Thế hệ kế cận, lớp người thực hành Quan họ không ngừng tăng lên càng khẳng định sức sống, vai trò của di sản trong đời sống hôm nay và mai sau.
Vốn là một tài sản văn hóa đậm truyền thống của cha ông trong quá khứ, được trao truyền qua hàng trăm năm, nhưng Dân ca Quan họ Bắc Ninh chưa bao giờ cũ, càng không lạc hậu trước xu thế mới mà đang vươn mình phát triển “nở cành, xanh ngọn”. Quan họ làm đẹp thêm nhân cách của mỗi người dân Bắc Ninh-Kinh Bắc, hòa nhập sâu đậm trong đời sống đương đại, truyền động lực cho mỗi người có niềm tin vào bản thân và những định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước.
------------------
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, ngoài bảo vệ mã gen ADN tinh túy vốn có của Dân ca Quan họ Bắc Ninh, còn cần một chiến lược nghiên cứu chuyển hóa để tạo ra giá trị thặng dư, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế di sản.
Tuấn Minh-Thanh Thanh