Giữ gìn tinh hoa nghệ thuật chèo Bắc Ninh

11/10/2024 10:42 View Count: 103

Tuy không nổi tiếng là đất chèo như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên nhưng Bắc Ninh cũng là một trong những cái nôi của chèo xứ Bắc. Từ rất sớm, miền quê trù phú này đã xuất hiện những gánh chèo, chiếu chèo, phường chèo, làng chèo nổi tiếng, thu hút đông đảo người dân yêu thích, say mê tham gia. Nhiều vở chèo cổ như Quan Âm Thị Kính, Tấm Cám, Lưu Bình-Dương Lễ... được cho là ra đời ở quê hương Bắc Ninh.

Giới nghiên cứu ghi nhận, nghệ thuật chèo ở Bắc Ninh có đầy đủ các bước chuyển hóa từ sơ khai đến khi phát triển hình thành lối diễn xướng “chèo sân đình”. Chèo ở Bắc Ninh được phân chia theo các dạng thức như: Chèo trong lễ hội rước nước; chèo trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên; chèo trong nhà Phật; các phường chèo, đội chèo bán chuyên nghiệp...

“Vang tiếng hát chèo trên quê hương quan họ”.

Theo các nguồn tài liệu nghiên cứu về văn nghệ dân gian, xuân thu nhị kỳ, hầu hết làng quê Bắc Ninh đều mở hội, nhiều nơi có nghi thức rước nước và kèm theo đó không thể thiếu tiếng trống, tiếng nhạc cùng những điệu hát, múa... Hình thức diễn xướng đó được gọi là chèo trong hội rước nước. Bắc Ninh là nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam nên làng xã nào cũng có chùa thờ Phật và vì thế hát chèo nhà Phật cũng khá phổ biến. Hát chèo nhà Phật là hình thức diễn xướng do các ni sư tiến hành vào ngày Rằm tháng Bảy theo sự tích Mục Kiền Liên nên còn được gọi là chèo Mục Liên hay chèo thập ân...
Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ở vùng Lim (Tiên Du) có nghi lễ hát chèo trong thờ cúng tổ tiên gọi là “chèo chải hê” hay “chèo nhị thập tứ hiếu” mà ngày nay vẫn quen gọi là “Quan họ hiếu”. Diễn xướng chèo chải hê thường diễn ra ở sân đình, chùa vào dịp Rằm tháng Bảy hoặc ở trong các gia đình có việc tang ma, giỗ chạp... Ngoài ra, các đội chèo, gánh chèo bán chuyên ở quanh chân núi Dạm và khu vực chùa Dâu cũng được tổ chức, tập hợp thành những phường hát để đi biểu diễn phục vụ bà con nhân dân trong vùng... Như vậy, chèo ở Bắc Ninh là một loại hình văn nghệ truyền thống sâu rễ bền gốc, trải qua quá trình chuyển hóa và phát triển khá trọn vẹn.
Kể từ sau năm 1954, Bắc Ninh có hàng trăm đội chèo ở khắp các xóm làng được thành lập. Phong trào ca hát, sinh hoạt văn hóa văn nghệ được hồi sinh mạnh mẽ và phát triển sôi nổi. Nghệ thuật chèo phát triển và tập trung nhiều ở các làng xóm thuộc thị xã Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Du, Yên Phong, Gia Bình... Đây cũng là những địa phương có các làng chèo cổ truyền nức tiếng như: Làng chèo Ngân Cầu (Yên Phong), Thất Gian, Nga Hoàng (Quế Võ), Ngang Nội (Tiên Du), Ngăm Lương (Gia Bình), Ngọc Khám (Thuận Thành)... Những nghệ nhân gạo cội cùng các “nghệ sĩ nông dân” yêu chèo đã hợp thành gánh hát. Mỗi khi xong việc mùa màng, nông nhàn rảnh rỗi, họ lại đi khắp nơi biểu diễn, vừa để thỏa mãn niềm đam mê cũng vừa để thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Trong giai đoạn này, cùng với các tích chèo cổ đã có nhiều vở chèo mới được dàn dựng, đáng chú ý như vở: Trần Quốc Toản, Tuổi trẻ Nguyễn Văn Cừ, Nguyên Phi Ỷ Lan, Học sĩ Nguyễn Cao, Thái Tử khai thiên vương, Người con gái Kinh Bắc, Ngô Gia Tự... Các tác giả, đạo diễn, diễn viên có nhiều đóng góp quan trọng cho chèo hiện đại của Bắc Ninh như: Đào Thiệm, Huy Cờ, Lê Hồng Hạt, Thượng Luyến, Diễm Loan, Thúy Tình, Minh Chính... Cũng chính những làng chèo ở Bắc Ninh đã trở thành cái nôi của nhiều nghệ sĩ tên tuổi nổi tiếng trong nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam như: Đức Bảng, Đức Thủy, Xuân Hinh, Quốc Trượng, Tự Long...
Thừa hưởng nền văn nghệ dân gian quý báu, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia không ngừng trao truyền, sáng tạo vốn di sản của cha ông. Ngày nay, nghệ thuật chèo vẫn có một sức sống bền bỉ, ăn sâu, bám chắc và hòa đồng vào nhịp sống của người dân lao động ở khắp xóm làng trên quê hương Quan họ. Theo khảo sát sơ bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có khoảng 25 làng chèo cổ với gần 500 người tham gia sinh hoạt thường xuyên. Ngoài ra, một số làng chèo truyền thống từng mai một cũng dần hồi sinh trở lại. Số CLB chèo mới được thành lập trong những năm gần đây khá đông, tiêu biểu như thị xã Quế Võ hiện có hàng chục CLB chèo... Dẫu vậy, phần lớn CLB chèo cơ sở hoạt động tự phát, quy mô nhỏ, chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Có những nơi xây dựng phong trào chỉ mang tính hình thức mà thiếu quan tâm đến việc duy trì bền vững.
Để đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với công chúng đương đại, thời gian qua các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng có nhiều nỗ lực, cách làm sáng tạo, quan tâm kiểm kê đánh giá, bảo tồn, truyền dạy, mở rộng đất diễn... Hằng năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh duy trì mở các lớp truyền dạy hát chèo cho những người yêu thích; định kỳ tổ chức liên hoan, hội diễn sân khấu quy mô toàn tỉnh... Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cũng đang tích cực kiểm kê, đánh giá hiện trạng, lập hồ sơ di sản văn hóa nghệ thuật chèo đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tham mưu cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để kịp thời hỗ trợ, động viên phong trào, tạo điều kiện cho các CLB có đất diễn và thổi bùng nhiệt huyết, niềm đam mê trong các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên.
Bằng nhiều nỗ lực của cơ quan chuyên môn cùng tâm huyết, trách nhiệm của cộng đồng, hy vọng những vàng son, tinh hoa nghệ thuật chèo Bắc Ninh sẽ được bảo tồn, gìn giữ và tỏa sáng trong đời sống đương đại.

V.Thanh

Source: Báo Bắc Ninh