SỞ VHTTDL GIỚI THIỆU VĂN BẢN MỚI: Một số nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh
I. Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐND ngày 28/6/2024 quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và mức hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 28 tháng 6 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh về quy định cơ cấu tổ chức, chế độ, chính sách và các điều kiện đảm bảo cho Công an xã, thị trấn bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Tổ dân phòng tự quản; mức hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.
Nội dung chính của Nghị quyết:
Phạm vi điều chỉnh:
Nghị quyết này quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; mức bồi dưỡng khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động; mức bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm khi làm nhiệm vụ tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng; hỗ trợ mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Đối tượng áp dụng:
a) Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
b) Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự
1. Tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự: Mỗi thôn, khu phố được thành lập 01 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Mỗi tổ có 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó và Tổ viên.
2. Tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự
a) Đối với phường:
- Khu phố loại 1: Bố trí từ 03 đến 06 thành viên.
- Khu phố loại 2: Bố trí từ 03 đến 05 thành viên.
b) Đối với xã, thị trấn
- Thôn, khu phố loại 1: Bố trí từ 03 đến 05 thành viên.
- Thôn, khu phố loại 2: Bố trí từ 03 hoặc 04 thành viên.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ tiêu chí thành lập và tiêu chí về số lượng tại khoản 2 Điều này quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cần thành lập và số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, khu phố thuộc phạm vi quản lý đến từng đơn vị hành chính cấp xã.
Mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng; mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
1. Mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng:
a) Tổ trưởng được hỗ trợ bằng 0,68 mức lương tối thiểu vùng tại địa bàn công tác.
b) Tổ phó được hỗ trợ bằng 0,60 mức lương tối thiểu vùng tại địa bàn công tác.
c) Mỗi tổ viên được hỗ trợ bằng 0,52 mức lương tối thiểu vùng tại địa bàn công tác.
2. Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hỗ trợ 85% tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho từng thời kỳ (đã bao gồm số tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc Quy định chính sách hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2021 – 2025).
3. Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hỗ trợ 100% tiền đóng bảo hiểm y tế.
Mức bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ 00 ngày hôm trước đến 06 giờ 00 sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động:
1. Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau thì được hưởng mức bồi dưỡng: 0,0125 mức hỗ trợ hàng tháng/giờ, tối đa không quá 40 giờ/tháng.
2. Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi làm nhiệm vụ vào ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động thì được hưởng mức bồi dưỡng: 0,1 mức hỗ trợ hàng tháng/ngày. Trường hợp làm nhiệm vụ vào ngày nghỉ, thì được hưởng mức bồi dưỡng không quá 04 ngày/người/tháng. Trong trường hợp làm nhiệm vụ vào ngày lễ mà ngày lễ trùng với ngày nghỉ thì được tính là làm nhiệm vụ vào ngày nghỉ.
Mức bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi làm nhiệm vụ tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng:
1. Đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi làm nhiệm vụ liên tục từ đủ 01 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm hàng tháng:
a) Tổ trưởng được hỗ trợ bằng 0,476 mức lương tối thiểu vùng tại địa bàn công tác.
b) Tổ phó được hỗ trợ bằng 0,42 mức lương tối thiểu vùng tại địa bàn công tác.
c) Mỗi tổ viên được hỗ trợ bằng 0,364 mức lương tối thiểu vùng tại địa bàn công tác.
2. Đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi làm nhiệm vụ dưới 01 tháng tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm bằng 0,014 mức lương tối thiểu vùng tại địa bàn công tác/01 ngày làm nhiệm vụ.
Điều 6. Mức chi hỗ trợ mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị; công tác tập huấn, diễn tập, hội thi; bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận; sơ kết, tổng kết, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do địa phương tổ chức và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật
1. Mức hỗ trợ mua sắm phương tiện, thiết bị theo tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng ngân sách của địa phương.
2. Tùy vào điều kiện thực tế, Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được xem xét hỗ trợ kinh phí mua sắm văn phòng phẩm; kinh phí sửa chữa phương tiện, thiết bị; kinh phí công tác tập huấn, diễn tập, hội thi; kinh phí cho các điều kiện khác bảo đảm hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; kinh phí sơ kết, tổng kết, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do địa phương tổ chức và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
3. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn trang bị quy định tại Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
4. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ hằng năm dự trù mức chi, kinh phí hỗ trợ theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Tổ chức thực hiện:
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Định kỳ hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết này tại phiên họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
II. Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 28/6/2024 quy định hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khoá XIX, kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 28 tháng 6 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 10 tháng 7 năm 2024 đến ngày 31 tháng 12 năm 2030.
Nội dung chính của Nghị quyết:
Phạm vi điều chỉnh:
Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học (sau đây gọi tắt là cơ sở đào tạo) và người lao động tham gia đào tạo ngắn hạn tại các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp ở các ngành, nghề theo chương trình đào tạo chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030.
Đối tượng áp dụng:
a) Nhà giáo đang giảng dạy và học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở đào tạo, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
b) Cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực: quản lý viên chức, giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, quản lý ngân sách; các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan.
Đối tượng được hỗ trợ và nguyên tắc hỗ trợ:
1. Đối tượng được hỗ trợ:
a) Nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề theo chương trình đào tạo chất lượng cao, ngành công nghiệp bán dẫn tại các cơ sở đào tạo công lập trực thuộc tỉnh.
b) Học sinh, người lao động đã tốt nghiệp trung học phổ thông tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học trúng tuyển tại các kỳ tuyển sinh từ năm học 2024-2025 đến năm học 2029-2030 ở các ngành, nghề theo chương trình đào tạo chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn tại các cơ sở đào tạo hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
c) Người lao động đã tốt nghiệp từ trình độ trung cấp trở lên đang làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh đủ điều kiện và đăng ký tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tại các cơ sở đào tạo hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh để học bổ sung các mô đun (module), môn học ngành công nghiệp bán dẫn.
d) Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo lại, đào tạo nâng cao liên quan đến công nghiệp bán dẫn cho người lao động đã có thời gian làm việc tại doanh nghiệp từ đủ 01 năm trở lên.
2. Nguyên tắc hỗ trợ:
a) Hỗ trợ 01 lần nhà giáo được tuyển dụng/tiếp nhận vào làm việc tại cơ sở đào tạo công lập của tỉnh đồng thời có cam kết làm việc lâu dài tối thiểu 10 năm.
b) Hỗ trợ học sinh, sinh viên học trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học thuộc các ngành, nghề theo danh mục ngành, nghề được lựa chọn hỗ trợ của tỉnh gồm: Danh mục ngành, nghề đào tạo theo chương trình chất lượng cao được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Phụ lục 1 kèm theo); Danh mục ngành nghề phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn (Phụ lục 2,3 kèm theo). Học sinh, sinh viên chỉ được hỗ trợ học phí theo quy định này khi cơ sở đào tạo có cam kết kèm theo tài liệu, số liệu minh chứng chất lượng đầu ra đạt tối thiểu 95% người học có việc làm trong 06 tháng kể từ ngày tốt nghiệp tại các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh theo trình độ đào tạo.
c) Đối với học sinh sinh sống, tốt nghiệp trung học phổ thông tại các trường ngoài tỉnh Bắc Ninh tham gia học tại các cơ sở đào tạo ở các ngành, nghề đào tạo theo chương trình chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn chỉ được hỗ trợ học phí theo chính sách này khi có thời gian làm việc từ đủ 05 năm trở lên (60 tháng) tại các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sau khi tốt nghiệp.
d) Người học đủ điều kiện được hỗ trợ học phí học nghề chỉ được hưởng hỗ trợ một lần theo quy định này; Người học đã được hỗ trợ học phí học nghề theo các chính sách khác của Nhà nước ở cùng cấp trình độ đào tạo thì không được hỗ trợ theo quy định này.
đ) Mức hỗ trợ học phí cho người học nghề theo quy định; trường hợp mức thu học phí của cơ sở đào tạo thấp hơn mức hỗ trợ theo quy định này thì mức hỗ trợ học phí cho người học là mức thu học phí thực tế của cơ sở đào tạo.
e) Người học đăng ký học cùng một thời điểm hai chương trình đào tạo hoặc ở hai cơ sở đào tạo chỉ được hỗ trợ học nghề ở một cơ sở đào tạo hoặc một chương trình đào tạo.
g) Thời gian hỗ trợ học nghề là thời gian thực học của chương trình đào tạo từ năm học 2024-2025 đến hết năm học 2029-2030, nhưng không quá 50 tháng đối với trình độ đại học, không quá 30 tháng đối với đào tạo trình độ cao đẳng, không quá 20 tháng đối với đào tạo trình độ trung cấp; không quá 06 tháng với đào tạo chuyển đổi sang nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo và dưới 3 tháng đối với đào tạo lại, đào tạo nâng cao tại doanh nghiệp.
Nội dung và mức hỗ trợ
1. Hỗ trợ nhà giáo giảng dạy chương trình đào tạo chất lượng cao, ngành công nghiệp bán dẫn.
a) Hỗ trợ nhà giáo có trình độ sau đại học được tuyển dụng/tiếp nhận giảng dạy chương trình đào tạo chất lượng cao, ngành công nghiệp bán dẫn tại các cơ sở đào tạo công lập trực thuộc tỉnh và có cam kết làm việc lâu dài ít nhất 10 năm:
- Giáo sư: Nam 200.000.000 đồng; nữ 220.000.000 đồng;
- Phó giáo sư: Nam 140.000.000 đồng; nữ 160.000.000 đồng;
- Tiến sĩ: Nam 100.000.000 đồng; nữ 120.000.000 đồng;
- Thạc sỹ (ngành công nghiệp bán dẫn): Nam 80.000.000 đồng; nữ 100.000.000 đồng.
b) Hỗ trợ Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ ở ngoài tỉnh được tuyển dụng/tiếp nhận giảng dạy chương trình đào tạo chất lượng cao tại các cơ sở đào tạo công lập trực thuộc tỉnh và có cam kết làm việc lâu dài ít nhất 10 năm được hỗ trợ kinh phí nhà ở giá trị 01 (một) tỷ đồng.
Nếu nhà giáo nhận hỗ trợ không thực hiện đúng cam kết, phải bồi hoàn kinh phí đã hỗ trợ tuyển dụng/tiếp nhận; cơ quan thực hiện hỗ trợ có trách nhiệm thu bồi hoàn kinh phí đã hỗ trợ về ngân sách nhà nước cấp tỉnh.
c) Hỗ trợ 100% học phí và chi phí tài liệu học tập cho nhà giáo đang công tác tại các trường công lập trực thuộc tỉnh tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn để học chuyển đổi, bồi dưỡng nâng cao thuộc chuyên ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường đại học, học viện trong nước và nước ngoài tổ chức.
2. Hỗ trợ người học nghề
a) Hỗ trợ học phí các ngành, nghề theo chương trình đào tạo chất lượng cao và nghề liên quan đến công nghiệp bán dẫn.
Mức chi hỗ trợ học phí cho học sinh, người lao động đã tốt nghiệp trung học phổ thông tham gia học trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp theo chương trình đào tạo chất lượng cao và nghề liên quan đến công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh như sau:
Đơn vị tính: nghìn đồng/sinh viên/tháng
Trình độ đào tạo |
Năm học |
||||||
2024-2025 |
2025-2026 |
2026-2027 |
2027-2028 |
2028-2029 |
2029-2030 |
||
1 |
Đại học |
1640 |
1850 |
2090 |
2240 |
2400 |
2570 |
2 |
Cao đẳng, trung cấp |
1990 |
2040 |
2400 |
2570 |
2750 |
2940 |
b) Hỗ trợ học phí đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi đáp ứng nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo.
Mức chi hỗ trợ người lao động đã tốt nghiệp từ trình độ trung cấp trở lên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn để học bổ sung các mô đun, môn học thuộc ngành công nghiệp bán dẫn chi theo thực tế, tối đa 1.500.000 đồng/người/tháng.
c) Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo lại, đào tạo nâng cao liên quan đến công nghiệp bán dẫn cho người lao động.
Mức chi hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo lại, đào tạo nâng cao liên quan đến công nghiệp bán dẫn cho người lao động chi theo thực tế, tối đa 1.500.000 đồng/người/tháng.
Nguồn kinh phí và phương thức hỗ trợ:
1. Nguồn kinh phí hỗ trợ: Từ nguồn ngân sách địa phương.
2. Phương thức hỗ trợ:
a) Ngân sách nhà nước tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ hằng năm cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thanh toán kinh phí hỗ trợ nhà giáo và học phí đào tạo cho các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.
b) Hằng năm, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp lập kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thẩm định, tổng hợp gửi Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dẫn tỉnh xem xét, quyết định.
c) Thực hiện hỗ trợ học phí định kỳ vào tháng 5 và tháng 11 hằng năm.
Tổ chức thực hiện:
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này. Hằng năm báo cáo kết quả tại kỳ họp thường lệ cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong quá trình thực hiện chính sách nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc; Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này.
III. Nghị quyết số 06/2024/NQ-HĐND ngày 28/6/2024 quy định chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh:
Nghị quyết này bãi bỏ Điều 2 Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Quy định chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo, người cao tuổi và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 28 tháng 6 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 10 tháng 7 năm 2024.
Nội dung chính của Nghị quyết:
Phạm vi điều chỉnh:
Nghị quyết quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với người thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các hộ khác có mức sống trung bình (theo chuẩn nghèo của Trung ương và của tỉnh Bắc Ninh) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt năm 2023 thực hiện chính sách năm 2024 và kết quả điều tra rà soát của các năm tiếp theo để thực hiện các chế độ chính sách; người cao tuổi cô đơn; các chính sách khác sau khi được trợ giúp; kinh phí xét duyệt hồ sơ cho các đối tượng Bảo trợ xã hội theo chính sách đặc thù của tỉnh.
Các đối tượng trên thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo quy định của Luật Cư trú.
Đối tượng áp dụng:Khoản 2Điều 1 Nghị quyết quy định:
a) Là thành viên thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương và của tỉnh Bắc Ninh (trừ thành viên là người trong độ tuổi lao động vẫn còn khả năng lao động) không thuộc đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
b) Các đối tượng thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
c) Là thành viên thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các hộ khác có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương và của tỉnh Bắc Ninh.
d) Người cao tuổi chưa có chồng hoặc chưa có vợ và chưa có con; đã có chồng hoặc vợ và con nhưng đã chết hết hoặc mất tích hết theo quy định của pháp luật thuộc hộ cận nghèo, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các hộ khác có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương và của tỉnh Bắc Ninh không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng khác.
đ) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.
Điều 2. Chính sách trợ giúp xã hội
1. Trợ giúp xã hội hằng tháng
a) Trợ giúp xã hội cho các đối tượng quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 1 Nghị quyết này:
- Khu vực nông thôn: 1.800.000 đồng/người/tháng.
- Khu vực thành thị: 2.300.000 đồng/người/tháng.
b) Trợ giúp xã hội cho các đối tượng quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 1 Nghị quyết này:
- Khu vực nông thôn: 1.800.000 đồng/người/tháng.
- Khu vực thành thị: 2.300.000 đồng/người/tháng.
Mức trợ giúp trên đã bao gồm cả mức trợ cấp xã hội hàng tháng hiện hưởng theo quy định của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
c) Trợ giúp xã hội các đối tượng quy định tại Điểm d, khoản 2, Điều 1 Nghị quyết này được hưởng hệ số 1,0 so với mức chuẩn trợ giúp xã hội cao nhất của Trung ương hoặc tỉnh Bắc Ninh quy định.
2. Các chính sách trợ giúp khác đối với đối tượng sau khi được trợ giúp hằng tháng theo điểm a, điểm b, khoản 1 Điều này được hưởng các chính sách sau:
a) Hỗ trợ về y tế: Hỗ trợ 100% kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hàng năm.
b) Hỗ trợ về giáo dục theo quy định của Trung ương và của tỉnh Bắc Ninh đối với hộ nghèo.
c) Hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở theo quy định của Trung ương và của tỉnh Bắc Ninh đối với hộ nghèo.
d) Hỗ trợ tiền điện và đào tạo nghề theo quy định của Trung ương và của tỉnh Bắc Ninh đối với hộ nghèo.
đ) Được tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán theo quy định của Trung ương và của tỉnh Bắc Ninh đối với hộ nghèo.
3. Thời gian hưởng: Nội dung hỗ trợ quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này:
a) Là đối tượng thuộc hộ nghèo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt năm 2023 được hưởng chính sách trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
b) Các đối tượng thuộc hộ nghèo phát sinh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2024 được hưởng chính sách năm 2025 và các năm tiếp theo.
Chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế đối với thành viên thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các hộ khác có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương và của tỉnh Bắc Ninh
Hỗ trợ 70% của tổng kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hằng năm đối với thành viên thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các hộ khác có mức sống trung bình và chưa tham gia bảo hiểm y tế theo các đối tượng khác (Trung ương hỗ trợ 30%).
Hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội
Hỗ trợ đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các hộ khác có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Bắc Ninh và các đối tượng sau khi được hỗ trợ tại Nghị quyết này được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh.
Hỗ trợ xét duyệt hồ sơ đối tượng Bảo trợ xã hội theo chính sách đặc thù của tỉnh Bắc Ninh được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 76/2021/TT-BTC ngày 15 tháng 9 năm 2021 hướng dẫn khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thường lệ cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.