Di tích Quốc gia Đền thờ Nguyễn Cao (Trác Phong linh từ)
(BNP) - Đền thờ Nguyễn Cao, thôn Cách Bi, xã Cách Bi, huyện Quế Võ vốn được khởi dựng từ thời Nguyễn với quy mô nhỏ, ban đầu chỉ là 1 miếu thờ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đền bị phá hủy. Năm 1992, đền được xây dựng lại như hiện nay.
Toàn cảnh Di tích Quốc gia Đền thờ Nguyễn Cao.
Tòa Tiền tế.
Ban thờ tại Tiền tế.
Với tấm lòng yêu nước thiết tha và căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Cao đã đứng lên tập hợp dân chúng kéo về vùng ven Hà Nội chống Pháp. Sau đó, năm 1886, Nguyễn Cao về hoạt động ở vùng Mỹ Đức, Ứng Hòa (Hà Tây). Ngày 27/3/1887, giặc Pháp bắt được ông tại làng Kim Giang. Chúng đã tìm đủ mọi cách dụ dỗ nhưng ông đều cự tuyệt. Nguyễn Cao đã rạch bụng tuẫn tiết, giặc lại cho chạy chữa, nhưng ông lại cắn lưỡi nhổ máu vào mặt chúng mà chửi mắng. Do không khuất phục được ông, giặc Pháp đã chém đầu ông tại Vườn Dừa (Bắc Hồ, Hoàn Kiếm - Hà Nội) ngày 14/4/1887, bêu đầu ở các phố để lung lạc ý chí của dân chúng. Ngay sau khi Nguyễn Cao mất, dân làng Cách Bi lập đền thờ phụng để tôn vinh, tưởng niệm danh nhân của quê hương – nhà khoa bảng, nhà yêu nước lỗi lạc.
Ban thờ tại Tiền tế.
Đền thờ danh nhân Nguyễn Cao.
Đền Nguyễn Cao gồm các hạng mục công trình: Nghi môn; Tiền tế; Hậu đường. Nghi môn được xây dạng tứ trụ. 2 trụ chính tạo thành lối đi. Giữa 2 trụ chính với 2 trụ phụ tường lửng, trổ cửa sổ hình chữ Thọ vuông. Trên đỉnh 2 trụ chính đắp hình 4 chim phượng chụm đuôi vào nhau, trụ phụ đắp nghê. Thân trụ đắp nổi các đôi câu đối bằng chữ Hán.
Trong Hậu đường có 3 ban thờ, ban thờ gian giữa đặt hương án, 2 ban thờ gian bên bệ thờ xây gạch.
Tiền tế 5 gian 2 mái tay ngai, cột trụ cánh phong, mái lợp ngói mũi hài, đỉnh nóc đắp lưỡng long chầu nhật. Hậu đường nằm song song với Tiền tế, 2 mái cột trụ cánh phong. Trong Hậu cung có 3 ban thờ, ban thờ gian giữa đặt hương án, 2 ban thờ gian bên bệ thờ xây gạch.
Cửa bức bàn truyền thống.
Bộ khung chịu lực bằng gỗ chắc chắn.
Các hiện vật tiêu biểu gồm: 02 hoành phi, 05 câu đối, 01 câu đối tiếng Việt, 02 ngai, 02 bài vị, 02 hương án, chất liệu gỗ, niên đại thế kỷ XX.
Thư viện mang tên Nguyễn Cao.
Đền thờ Nguyễn Cao là công trình văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, nơi thờ cụ Nguyễn Cao, là biểu tượng của tinh thần yêu nước, là niềm tự hào của nhân dân địa phương nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung.
Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa.
Đền thờ Nguyễn Cao là di tích lịch sử - văn hóa, được xếp hạng cấp Quốc gia, tại Quyết định số 3211/QĐ – BT, ngày 12/12/1994.
H.H