Quỳnh Phú ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất
Gieo thẳng là một biện pháp kỹ thuật mới được nông dân Quỳnh Phú (huyện Gia Bình) tiếp thu từ khoảng 3-4 năm trở lại đây. Với gần 93% diện tích canh tác áp dụng, đây là địa phương có diện tích gieo thẳng lớn nhất huyện. Quan trọng hơn, thời vụ sản xuất của xã được đẩy nhanh tiến độ, giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí, thời gian cho nông dân.
Trên cánh đồng lúa đang lên xanh mơn mởn, bà Vũ Thị Nga, thôn Đổng Lâm, xã Quỳnh Phú tất bật be đắp bờ thửa, khơi thông dòng chảy dẫn nước vào ruộng. Bà chia sẻ: “Nhà tôi chỉ có 2 vợ chồng là lao động chính, nên việc áp dụng gieo thẳng tiết kiệm chi phí nhân công. Vào mùa vụ, chỉ cần mình tôi ngâm ủ thóc giống, sau đó 2 vợ chồng gieo vãi rải rác trong 5 ngày là xong gần 1 mẫu. Ở giai đoạn đầu, cứ 7-10 ngày lại đưa nước vào rồi rút nước ra để tráng chân lúa là được”. Ở thửa ruộng bên cạnh, bà Hoàng Thị Liên đang quây nilon phòng chuột phá hại lúa phấn khởi: “Những năm trước cấy tay, nhà tôi rất khó khăn mới thuê được người cấy, giá công 300-400.000 đồng/ngày, trong khi con cháu đi học, làm bận rộn. Bây giờ chỉ huy động người nhà tranh thủ vài ngày ra vãi lúa giống là xuống đồng kịp thời, công việc rất chủ động. Gieo thẳng tiết kiệm được chi phí sản xuất, nếu ở vụ xuân còn không phải mua nilon che phủ mạ, các nhà xung quanh tôi đều áp dụng”. Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Đổng Lâm cho biết: “HTX có 66,5 ha canh tác, chủ yếu các giống năng suất chất lượng cao như: TBR225, TBR97, Khang dân… Khoảng 5-6 năm trước khi mới đưa biện pháp này vào áp dụng, một số hộ ở chân vàn thấp e ngại do khả năng tiêu thoát nước kém nếu cấy vào vụ mùa. HTX triển khai với tổ thủy lợi thực hiện việc khơi thông mương máng, bố trí điểm tiêu nước tại mỗi bờ vùng, bờ thửa. Đến nay, 100% diện tích canh tác của thôn đã triển khai áp dụng biện pháp gieo thẳng”.
Áp dụng thiết bị bay không người lái vào phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh ở Quỳnh Phú
Ngoài ra, HTX cũng tích cực bám sát, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân một số lưu ý: Vùng sản xuất gieo thẳng được làm bừa kỹ, đất nhuyễn; sau khi gieo từ 1-3 ngày phải phun thuốc trừ cỏ; giảm lượng đạm bón từ 10-15% và tăng lượng kali lên 15% so với ruộng lúa cấy, nhằm tăng khả năng chống đổ cho cây lúa; tiến hành dặm tỉa trước khi cây lúa đẻ nhánh. Khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện kịp thời sâu bệnh hại và phòng trừ theo hướng dẫn. Kết quả những vụ sản xuất vừa qua cho thấy, năng suất lúa gieo thẳng cao hơn từ 5-7% so với phương thức cấy lúa truyền thống. Hiệu ứng lan truyền về lợi ích và hiệu quả của biện pháp gieo cấy ngày càng tăng, diện tích áp dụng gieo thẳng được mở rộng ở hầu khắp các xứ đồng trong xã. Vụ mùa năm 2024, xã Quỳnh Phú gieo cấy 365.8 ha lúa, trong đó có 339,4 ha gieo thẳng (đạt gần 93%), 4/6 thôn gieo thẳng 100%. Để sản xuất đạt hiệu quả cao, các HTX tập trung vận động nông dân mở rộng diện tích gieo thẳng, tu bổ hệ thống mương máng, kênh dẫn nước thuận lợi cho canh tác. UBND xã hỗ trợ công chỉ đạo thưởng cho HTX có diện tích lúa hàng hóa đạt từ 50% diện tích trở lên và thực hiện gieo cấy 100% diện tích xong đúng lịch của huyện với mức thưởng là 2 triệu đồng cho một HTX. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặt trái của phương thức gieo thẳng là dễ bị ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết bất thuận như rét đậm, rét hại trong vụ đông xuân, mưa úng trong vụ mùa. Lúa gieo thẳng bằng hình thức vãi tay dày, không đều, người dân phải bỏ thêm công dặm tỉa. Mật độ cây lúa cao trên ruộng hạn chế ánh sáng, sự quang hợp trong quá trình phát triển, nhất là sâu, bệnh phát sinh nhiều. Thời gian tới, xã Quỳnh Phú sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các biện pháp canh tác mới, hiện đại. Bố trí các cán bộ kỹ thuật xuống các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật gieo thẳng từ chuẩn bị ruộng gieo, ngâm ủ hạt giống, gieo hạt, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… Tiếp tục quy vùng, dồn điền đổi thửa tiến tới xây dựng cánh đồng lớn cùng một giống lúa, cùng thời điểm xuống giống thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Triển khai máy bay không người lái từ khâu gieo thẳng tới phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm lịch thời vụ, hướng tới hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.