Một vài kinh nghiệm trong phòng trừ sâu đục thân 2 chấm ở Gia Bình

21/08/2024 16:30 View Count: 69

Theo dự báo của ngành Nông nghiệp, vụ mùa năm 2024, sâu đục thân 2 chấm hại nặng so nhiều năm trở lại đây, lứa sâu kéo dài, phạm vi hại rộng, mật độ cao gây ung đòng, bông bạc. Các xã: Cao Đức; Vạn Ninh; Thái Bảo; Bình Dương; Nhân Thắng; Đại Lai …cần chủ động chỉ đạo quyết liệt phòng trừ sâu đục thân 2 chấm, giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra.


Lãnh đạo UBND huyện kiểm tra sâu bệnh hại lúa

1. Triệu chứng

Giai đoạn đẻ nhánh: sâu non đục vào phần dưới của thân xuyên qua bẹ lá bên ngoài đục vào đến nõn giữa, cắt đứt cấu trúc bên trong, phá hại chức năng dẫn nhựa làm cho lá non trước tiên bị héo khô, gây ra hiện tượng dảnh héo.

Giai đoạn đòng – trổ: sâu non đục qua lá bao của đòng chui vào giữa rồi bò xuống cắn nát đòng hoặc đục vào cuống bông, cắt đứt sự vận chuyển dinh dưỡng của bông lúa làm cho bông lúa không trổ được hoặc nếu trổ thì các hạt bị lép trắng, gây ra hiện tượng dảnh héo, bông bạc. 


Ổ trứng sâu đục thân 2 chấm

2. Tập quán sinh sống và quy luật gây hại

Ngài thường vũ hóa về đêm, ban ngày ngài đậu yên nấp trong khóm lúa rậm rạp gần mặt nước, khi trời tối ngài hoạt động mạnh từ 19 - 20 giờ.

Sau khi vũ hóa thì ngay trong đêm đó ngài có thể giao phối và đêm thứ 2 bắt đầu đẻ trứng. Mỗi ngài cái có thể đẻ 1 - 5 ổ trứng, mỗi ổ trứng có từ 100 - 150 quả trứng.

Nếu lúa sắp trỗ hoặc mới trỗ, sâu đục qua lá bao của đòng và chui vào giữa rồi bò xuống đục ăn điểm sinh trưởng, cắt đứt các mạch dẫn dinh dưỡng làm cho bông lép trắng.

Vụ mùa sâu đục thân bướm hai chấm phá hại nặng hơn so với vụ lúa xuân, các giống lúa đang gieo cấy hiện nay chưa có giống nào kháng sâu đục thân hai chấm, giống lúa chất lượng cao như nếp, BC15 bị hại nặng hơn giống lúa tẻ.

Cùng một giống lúa, giai đoạn sinh trưởng khác nhau mức độ hại khác nhau, lúa ở thời kỳ làm đòng, trỗ gặp lứa sâu ra rộ thì mức độ bị hại có khả năng lớn hơn so với các giai đoạn sinh trưởng khác.

Ruộng lúa bón nặng đạm, ruộng ven làng, ven hàng cây, dưới đèn cao áp sâu phá hại nặng

3. Biện pháp phòng trừ

Biện pháp kỹ thuật canh tác: Trên các khu đồng lúa hoặc mạ cần sạch cỏ, phát bờ trước khi gieo cấy, khu vực ruộng mạ nên gieo thành từng khoảnh, từng giống để tiện chăm sóc và phòng trừ sâu hại.

Bón phân cân đối theo quy trình kỹ thuật, không sử dụng phân đạm quá nhiều hoặc bón không đúng quy trình.

Điều khiển nước tưới hợp lý, chủ động để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, có sức chống chịu sâu bệnh cao.

Phun trừ trên diện tích lúa đòng già, nứt bẹ, trỗ báo khi có mật độ ổ trứng từ 0,15 ổ/m2 trở lên, thời gian phòng trừ tốt nhất từ ngày 20/8 đến nay đến 07/9/2024 Sử dụng 1 trong các loại thuốc

- Thuốc Incipio 200 SC( in xi pi ô)

- Thuốc Vitako 40WWG (vi ta ko)

- Thuốc VoLiam Targo 063SC (vô li am ta go)

- Thuốc Prevathon 5SC(pờ re va thon)

* Chú ý

- Đối với diện tích đang trỗ phun khi lúa ngậm màu, mật độ ổ trứng sâu đục thân 2 chấm từ  0,3 ổ/m2  trở lên nhất thiết phải phun lại đợt 2 sau đợt 1 từ 4-5 ngày.

- Phun trừ đảm bảo nguyên tắc 4 đúng, thu gom vỏ bao bì sau khi sử dụng đúng nơi quy định, thay đổi thuốc trên diện tích canh tác để tránh hiện tượng kháng thuốc.

Nguyễn Thành Đài