Hiệu quả từ mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái 3 trong 1 để gieo cấy lúa xuân

07/06/2024 14:42 View Count: 92

Vụ xuân năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Bình phối hợp với các địa phương triển khai 9 mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái 3 trong 1 để gieo cấy lúa xuân. Kết quả cho thấy vừa giảm được chi phí đầu tư, công lao động mà vẫn mang lại năng suất, sản lượng cao.


 

Nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí đầu tư và nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Vụ xuân năm 2024, Trung tâm DVNN huyện Gia Bình đã xây dựng 9 “Mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái 3 trong 1” để sản xuất lúa xuân với quy mô 10 ha trở lên; điển hình như: HTX Xuân Lai, HTX Song Quỳnh và HTX Sôn, xã Đại Bái. Vị trí để thực hiện mô hình thuộc chân ruộng chủ động tưới tiêu, phù hợp để thiết bị bay không người lái hoạt động (không nằm dưới đường điện cao thế, liền vùng, liền thửa, thuận tiện đi lại và vận chuyển thiết bị...), giống lúa gieo cấy ở mô hình là TBR 225, Khang dân và Q5. Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa bằng thiết bị bay không người lái và được hỗ trợ một phần kinh phí. Thiết bị bay không người lái ứng dụng trong gieo cấy lúa được tích hợp 3 chức năng (gieo hạt, rải phân và phun thuốc BVTV). Thiết bị bay vận hành tự động, tốc độ bay tối đa 8m/s, lưu lượng xả lên đến 10 lít/phút, độ rộng phun hiệu quả tới 6m, không làm tổn hại hạt giống. Kích thước hạt phun 60 - 400 micromet, giúp phân bổ lượng phân, thuốc đồng đều khi vận hành. Công suất gieo sạ lên đến 500kg giống trong 1 giờ hoạt động liên tục. Về hạt giống để gieo bằng thiết bị bay không người lái sẽ được ngâm nước, rửa chua cho đến khi hạt thóc no nước, sau đó đem ủ đến khi mầm nhú gai dứa, rễ bằng 1/2 chiều dài hạt thóc là đạt yêu cầu. Lượng giống gieo là 40 kg/ha. Về rải phân bằng thiết bị bay không người lái được bố trí bón làm 3 đợt, lót, thúc, đón đòng, sử dụng phân tổng hợp NPK JVF 15-15-15+TE, lượng phân bón lúa mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái cũng giống như gieo cấy truyền thống. Về phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái gồm: thuốc trừ cỏ, thuốc ốc được phun 1 lần sau khi gieo hạt giống; thuốc trừ sâu, bệnh phun 1 lần vào thời điểm lúa thấp thoi trỗ phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy, lượng thuốc BVTV được pha theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Theo ông Trần Đăng Hởi, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cho biết, quá trình thực hiện mô hình đã gặp phải một số khó khăn là ngay sau khi gieo hạt gặp rét đậm, rét hại (từ ngày 23/2-01/3/2024) dẫn tới cây lúa trong mô hình sinh trưởng phát triển chậm hơn, bước đầu người dân cũng có tâm lý chưa thực sự yên tâm, nhất là trong 2 tuần đầu tiên sau khi gieo hạt, tuy nhiên, do khả năng chịu rét của giống lúa đưa vào sản xuất cộng với do được gieo bằng thiết bị bay không ảnh hưởng đến hạt giống nên ở mô hình không có hiện tượng lúa bị chết rét, trong khi nhiều giống lúa gieo cấy đại trà bị ảnh hưởng tương đối nặng. Ở giai đoạn lúa đẻ nhánh đến đứng cái thường xuyên có mưa phùn ẩm độ cao dao động 75 - 95% làm bệnh đạo ôn lá phát sinh lây lan gây hại nhẹ. Thời tiết giai đoạn lúa đẻ nhánh đến trỗ thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt phát sinh gây hại mạnh trên các giống lúa nếp. Sâu bệnh trong vụ xuân có nhiều diễn biến phức tạp: Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 phát sinh gây hại mật độ cao hơn so với cùng kỳ mọi năm. Trung tâm đã cử cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi sát tình hình thời tiết, thực hiện tốt công tác dự thính, dự báo về sinh vật hại cây trồng, thông báo kịp thời đến Ban quản lý thôn và người dân tham gia mô hình các thời điểm để tiến hành chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Xuân Lai có 2 sào trong khu quy hoạch thực hiện mô hình cho biết, hiệu quả từ mô hình là rất tích cực, nếu như gieo cấy bằng mạ thì mất nhiều công chi phí hơn; đặc biệt với bón phân và phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái vừa giảm chi phí mà năng suất sản lượng thì vẫn đảm bảo, thậm chí còn cao hơn. Các đại biểu thăm quan đánh giá về hiệu quả mô hình đều có chung những nhận xét: Thiết bị bay không người lái xác định được chính xác lượng hạt giống cần gieo trên một đơn vị diện tích vì vậy mật độ hạt giống rơi xuống sẽ rất đồng đều không có chỗ thưa chỗ dày như gieo bằng tay hay bằng các thiết bị hỗ trợ khác như máy phun hạt giống bằng động cơ. Đối với chức năng rải phân và phun thuốc BVTV của thiết bị bay không người lái thì hiệu quả rõ rệt vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm sức khỏe cho người lao động và bảo vệ môi trường.

Ông Trần văn Hoa- Chủ tịch UBND xã Xuân Lai cho biết, trong những năm qua xã đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí đầu tư và nâng cao năng suất cây trồng. Vụ xuân năm 2024, xã Xuân Lai gieo cấy 484,4 giống lúa năng suất, chất lượng cao được đưa vào gieo cấy ở vụ xuân là 243,1 ha chiếm 50,2%, có 179 ha được gieo thẳng trong đó có 79,4 ha được gieo bằng máy bay không người lái, tiêu biểu có thôn Xuân Lai hình thành 3 vùng sản xuất tập trung áp dụng máy bay không người lái gieo thẳng với diện tích 30 ha. Thời điểm này lúa xuân trên địa bàn thôn Xuân Lai bắt đầu cho thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt khoảng 69 tạ/ha, từ kết quả cho thấy, khi áp dụng thiết bị bay để gieo cấy lúa xuân đã mang lại hiệu quả rất tích cực, thời gian tới UBND xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các thôn trên địa bàn tuyên truyền vận động người dân đẩy mạnh việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Mô hình đã giúp người sản xuất giảm chi phí đầu vào, công lao động, thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe của người lao động, nâng cao năng suất cây trồng và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Hiệu quả từ mô hình sẽ từng bước hiện thực hóa những cánh đồng không bước chân.

Vụ mùa 2024, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các xã tuyên truyền đến người dân để quy vùng tập trung thực hiện mô hình, tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ dân về quy trình kỹ thuật ứng dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất, tổ chức hội nghị đầu bờ để đánh giá rút kinh nghiệm, cử cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dẫn kịp thời đến người dân các thời điểm để tiến hành chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cũng như mức hỗ trợ khi áp dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện phấn đấu có từ 160-180 ha lúa vụ mùa áp dụng đồng bộ thiết bị bay không người lái.

Xuân Thủy