Gia Bình sản xuất nông nghiệp hồi sinh sau mưa bão

30/09/2024 16:30 View Count: 92

Đến ngày 15/9/2024, cây trồng trên địa bàn huyện Gia Bình bị thiệt hại trên 70% bao gồm: lúa 166,5 ha; ngô và rau màu gần 400 ha; cây ăn quả lâu năm 316,33 ha; diện tích nhà màng, nhà lưới bị thiệt hại 84.700m2, ước thiệt hại hơn 111 tỷ đồng.


Cây rau màu tại xã Cao đức được gieo trồng trong khung thời vụ

Phó Chủ tịch UBND xã Cao Đức cho biết: do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn, nước sông lên… đã làm khoảng 115 ha rau ngoài bãi và trong đồng bị thiệt hại, riêng cây trồng ngoài bãi bị thiệt hại hoàn toàn. Ngay sau khi nước lũ rút, thực hiện Quyết định 1178/QĐ-UBND ngày 20/9/2024 của UBND huyện về việc kiểm tra, xác minh đánh giá thiệt hại sau mưa bão, UBND xã phối hợp với đoàn số 2 của huyện tổ chức kiểm đếm thiệt hại để có biện pháp tập trung xử lý, để kịp thời khôi phục sản xuất, chính quyền, đoàn thể và lãnh đạo các thôn tăng cường đi cơ sở, vận động Nhân dân tăng cường thăm đồng, tập trung khắc phục đối với diện tích bị ảnh hưởng tiến hành  xới xáo, bón phân, vun gốc, dặm tỉa diện tích mất khoảng, trên diện tích mất trắng tiến hành gieo trồng lại... Ông Nguyễn Văn Mạnh xã viên HTX Mỹ Lộc xã Cao Đức trồng hơn 3 sào khoai sọ sớm, mưa ngập nhưng không chết, đang tiến hành vun gốc, dọn cỏ… khoai sọ xanh trở lại, đây cũng là bài học tuân thủ lịch thời vụ

Tại hộ ông Nam xã Bình Dương 100% diện tích nhà màng bị thiệt hại, gần 5 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng ở mức 30-70%, khoảng 1 ha cây bị gẫy đổ, sau bão, cán bộ Trung tâm DVNN huyện có mặt kịp thời động viên, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình thuê nhân công khôi phục sản xuất, một số diện tích cây trông đến nay đã được khắc phục, sinh trưởng trở lại bình thường. Theo quan sát của chúng tôi, diện tích rau màu của xã được khẩn trương làm đất gieo hạt, thời gian nữa thôi, ruộng đồng được phủ màu xanh trở lại. 

Qua thống kê, đến ngày 15/9/2024, cây trồng trên địa bàn huyện Gia Bình bị thiệt hại trên 70% bao gồm: lúa 166,5 ha; ngô và rau màu gần 400 ha; cây ăn quả lâu năm 316,33 ha; diện tích nhà màng, nhà lưới bị thiệt hại 84.700m2, ước giá trị thiệt hại hơn 111 tỷ đồng, ngay sau bão, các cơ quan khối Nông nghiệp tích cực tham mưu UBND huyện triển khai các biện pháp khắc phục, cử cán bộ kỹ thuật các chuyên ngành Trồng trọt, Chăn nuôi, Thú y, thuỷ sản, Khuyến nông thường xuyên có mặt tại cơ sở tiến hành tư vấn kỹ thuật, phát tờ rơi…diện tích thiệt hại tiến hành xác minh, kiểm đếm áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân khôi phục lại sản xuất nông nghiệp.


Đồng chí Lương Trung Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện kiểm tra thiệt hại sau mưa bão

Trước ảnh hưởng của mưa bão, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp CNC; Chi Cục TT&BVTV cử cán bộ phối hợp với cơ quan chuyên môn địa phương xuống cơ cở vận động người dân tăng cường vệ sinh đồng ruộng, chú ý việc tiêu thoát nước. Đồng thời, hướng dẫn bà con khẩn trương làm đất, chuẩn bị hạt giống trồng và ưu tiên trồng những loại rau ăn lá, củ quả ngắn ngày... để sớm có sản phẩm, có nguồn thu nhập trước mắt, từng bước phục hồi sản xuất.

Trong nắng hanh vàng cuối thu, chúng tôi có mặt tại các xã thị trấn để chia sẻ, kiểm đếm…Có thể nói, do quyết liệt chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão, sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn và địa phương, đặc biệt những người dân một nắng hai sương trên đồng ruộng, đến nay gần 40% diện tích bị thiệt hại của huyện đang được gieo trồng kịp thời vụ bằng các giống chất lượng cao, chỉ thời gian nữa thôi, diện tích đất bãi trải dài từ Mỹ Lộc  xã Cao Đức đến Hữu Ái, Cổ Thiết xã Giang Sơn màu xanh được hồi sinh trở lại hứa hẹn mùa vụ bội thu.

Nguyễn Thành Đài