Việt Nam - Nhật Bản hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ “Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản” giai đoạn 5. Tham dự lễ kí có Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Sturuya Yoko, Thứ trưởng Bộ: Lao động -Thương binh và Xã hội, Nguyễn Ngọc Phi, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Giáo dục và Đào tạo…
Thay mặt lãnh đạo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi điểm lại những nét lớn trong quan hệ ngoại giao 40 năm qua giữa Việt Nam và Nhật Bản (1973-2013). Ông cho biết, Nhật Bản đang tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác với Việt Nam được phía bạn quan tâm và có bước phát triển rất tích cực. Mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 quốc gia Việt Nam-Nhật Bản càng giúp thúc đẩy quá trình hợp tác thêm sâu rộng, hiệu quả. “Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật đang đầu tư làm ăn tại Việt Nam, không chỉ vậy còn cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nước thứ ba có nhu cầu”-Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi nhận định. Việc ký kết biên bản ghi nhớ là dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa 2 quốc gia về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Không chỉ vậy, qua đó cũng thể hiện sự đồng trách nhiệm giữa các bên trong thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nói chung, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam nói riêng, cũng như đóng góp vào quá trình CNH-HĐH đất nước của Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi cho biết thêm, sau lễ ký các bên căn cứ vào trách nhiệm của mình hiện thực hóa biên bản ghi nhớ bằng các hoạt động thực tiễn cụ thể từ cấp độ chính sách quốc gia đến sự chủ động từ các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Thay mặt cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nghề, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi bày tỏ “ Với tinh thần cầu thị, học hỏi và hợp tác, chúng tôi mong được đón nhận nhiều nguồn thông tin, kinh nghiệm từ phía các bạn Nhật Bản trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Hiện nay, Nhật Bản có nhiều doanh nghiệp tham gia vào phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực ôtô, sản xuất linh kiện điện tử. Thời gian qua, ngành công nghiệp phụ trợ đang mang lại giá trị gia tăng lớn và đóng góp quan trọng vào ngân sách của Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và một lần nữa khẳng định Nhật Bản là đối tác chiến lược của Việt Nam trong nhiều năm qua đồng thời luôn mong muốn thời gian tới hai bên tiếp tục hợp tác trên nhiều lĩnh vực, không chỉ về kinh tế, chính trị mà cả về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ... Tiếp đó, Phó Thủ tướng cũng phân tích, thế mạnh của Nhật Bản là khoa học công nghệ và thế mạnh này sẽ được phát huy tại Việt Nam bởi nguồn nhân lực Việt bảo đảm đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp Nhật Bản cả về quy mô số lượng, chất lượng và nêu rõ: “Các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Nhật Bản đã thành công và sẽ tiếp tục thành công tại Việt Nam. Thành công của các bạn chính là thành công của Việt Nam. Trong thời gian tiếp theo, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đồng thời tổ chức họp định kỳ 6 tháng/lần và báo cáo Chính phủ biết về quá trình hợp tác đào tạo…”.
Được biết, qua việc ký kết hình thành cơ sở hợp tác của các bên liên quan trong việc cung cấp lực lượng lao động đáp ứng cả về chất và lượng theo nhu cầu sử dụng tại Việt Nam; thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam; cải thiện môi trường đầu tư. Các lĩnh vực đào tạo nhân lực gồm: tăng cường cơ hội học tập từ Nhật Bản cũng như các hoạt động sản xuất của Nhật Bản tại Việt Nam (giáo dục tại trường học); tạo cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam có nguyện vọng được làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản (hỗ trợ việc làm); thúc đẩy ham muốn nâng cao kỹ năng của người lao động Việt Nam (đào tạo trong quá trình lao động: gồm cả lao động không có kỹ năng và lao động có kỹ năng); tăng cường cơ hội học tập về mô hình quản lý Nhật Bản tại Việt Nam (đào tạo ở cấp quản lý)...