Tọa đàm trực tuyến về giảm thiểu tai nạn giao thông

02/07/2013 03:57 View Count: 28
(Chinhphu.vn) - Từ 9h30 sáng nay (2/7), Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến "Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông"…
BTV: Tôi xin đọc đoạn mở đầu một bài văn của em Phạm Nhật Minh (Hải Dương) thay cho lời dẫn đầu của chương trình…
“Tôi còn nhớ cách đây khá lâu, trong một phóng sự thực tế, những du khách nước ngoài thường nói với nhau một câu thế này: "Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam". Bấy giờ, tôi chỉ cảm thấy đó là một câu nói hài hước, đùa vui. Lúc ấy tôi đã chưa thể nhận ra, dù đó là câu đùa đấy, nhưng không phải tự nhiên mà đùa như vậy! Thêm nữa, đó mới chỉ là trải nghiệm của những du khách đi bộ qua đường phố Hà Nội...
Tới khi toàn cảnh bức tranh giao thông Việt Nam được phô bày trước mắt, thì câu nói hài hước của du khách nước ngoài không đủ để hình dung nữa, mà thay vào đó, là câu hỏi chua xót và đầy ám ảnh của nhà báo Quản Hồng Đức: "Mỗi ngày Việt Nam có hơn 30 người đột ngột và vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống trong khi đi lại trên đường. Và tử thần sẽ gọi tên ai trong số chúng ta?".
Thưa quý vị, trong 6 tháng đầu năm 2013, hơn 4.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Hôm nay, chúng tôi mời đến đây các vị khách, mong là qua cuộc bàn thảo công khai này sẽ có những giải pháp để cùng chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ. Tôi xin giới thiệu các vị khách mời:
Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy Ban ATGT Quốc gia
Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt
Ngay từ bây giờ quý vị và các bạn có thể gửi câu hỏi đến chương trình theo đường dây nóng 08048113 hoặc theo địa chỉ doithoai@chinhphu.vn
Chương trình được truyền hình trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTC1, Đài truyền hình kỹ thuật số.
 
BTV: Tôi xin được bắt đầu cuộc Tọa đàm với nội dung Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải. Cho đến thời điểm này, Bộ Giao thông vận tải và phía Cục CSGTĐB đã chỉ đạo thế nào để thực hiện tốt được chỉ thị của Thủ tướng?
 
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Chỉ thị 12/CT-TTg có thể cho rằng là quan trọng, thực tế 6 tháng đầu năm, số vụ và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm, nhưng số người chết tăng so cùng kỳ. Để đảm bảo mục tiêu vẫn giảm từ 5-10% cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông thì cần giải pháp mạnh, tôi cho rằng Chỉ thị 12 là giải pháp rất mạnh với quan điểm và cách làm mới. Trong đó tập trung nhiều vào nâng cao tinh thần trách nhiệm thái độ của người thực thi công vụ và sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn của hệ thống chính trị và Ban ATGT địa phương
Đến ngày 6/7, Bộ GTVT, UBATGT tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng, có nhiều biện pháp mạnh, kể cả sẽ có kế hoạch và lộ trình để triển khai.
Câu hỏi đặt ra là liệu nó có thể giống một số chủ trương khác như các hoạt động cao điểm, các chủ trương, nếu không có hành động cụ thể thì chỉ sẽ có “phát” mà không có “động”, chỉ đọng lại trên giấy tờ. Chúng tôi đặt ra là phải làm thế nào để Chỉ thị đi vào cuộc sống.
 
BTV: Ông có thể cho biết một vài giải pháp được không?
 
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trước hết, tôi tin rằng Chỉ thị này sẽ có sức sống,
Thứ nhất, đây là Chỉ thị của người đứng đầu Chính phủ, chắc chắn Trưởng ban ATGT các địa phương đồng thời là chủ tịch UBND các tỉnh, các bộ, ban, ngành phải vào cuộc đồng bộ quyết liệt hơn.
Thứ 2, theo nghiên cứu chung của thế giới, tốc độ là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông, do vậy muốn giảm tai nạn phải kiểm soát tốc độ, muốn kiểm soát chuyện này cần sự vào cuộc của tất cả các lực lượng. Hiện nay, tai nạn giao thông đang là vấn đề bức xúc, cần phải giải pháp mạnh và Chỉ thị này cũng là giải pháp mạnh. Nếu làm tốt chỉ thị, người dân sẽ ủng hộ.
Trên tinh thần như thế, chúng tôi được biết các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ GTVT đã có kế hoạch.
Tôi xin khẳng định, để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng sẽ có kế hoạch và lộ trình, phân cấp rõ trách nhiệm trung ương- địa phương, trách nhiệm của từng ban ngành và đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của người thực thi công vụ.
 
BTV: Vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã họp báo về chiến dịch kiểm soát tốc độ, ông có thể nói rõ hơn về chiến dịch này?
 
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Chúng tôi đã tổ chức cuộc họp báo về việc tổ chức chiến dịch kiểm soát tốc độ. Bởi các tính toán trên thế giới cho thấy nếu tốc độ tăng 5% thì TNGT tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%. Và trong 6 tháng đầu năm số vụ TNGT gây chết người tăng thì nguyên nhân tốc độ là chủ yếu.
Vì vậy, trong chiến dịch kiểm soát tốc độ chúng tôi sẽ làm đồng bộ các giải pháp về hạ tầng, xóa điểm đen, cắm biển báo tốc độ, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tăng cường tuần tra, kiểm tra giám sát tập trung và lưu động.
 
BTV: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa ký ban hành kế hoạch tổ chức chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ đối với doanh nghiệp vận tải và người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Và từ 1/7, mở đợt cao điểm xử lý vi phạm tốc độ, nhưng đợt cao điểm này liệu có lặng lẽ chìm đi khi hết đợt hay không, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Hồng Trường: Trong thời gian qua, mặc dù có những chỉ đạo quyết liệt, thì cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người bị thương, số người chết đều giảm, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt những tháng gần đây, thì một số vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra.
Về nguyên nhân, ngoài việc người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, DN vận tải không chấp hành các quy định trong giấy phép đăng ký, dẫn đến các lái xe bất chấp tốc độ, sức khỏe không đảm bảo, lái ban đêm dẫn đến xảy ra tai nạn... nhưng chúng tôi cũng thấy trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn. Ví dụ, việc cấp phép cho DN vận tải chưa đủ điều kiện; việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các DN vận tải nhất là tại địa phương chưa thường xuyên, liên tục... dẫn đến hiện tượng có đơn vị kinh doanh vận tải chỉ có thương hiệu và cho xe bên ngoài vào kinh doanh.
Thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng, Bộ GTVT tập trung giải quyết một số vấn đề. Thứ nhất là thực hiện đợt cao điểm kiểm tra tốc độ xe khách từ nay đến hết năm và đặc biệt là từ nay đến 30/9. Thứ hai, tiến hành rà soát quy định điều khiển phương tiện, sửa đổi Nghị định 91 coi hoạt động vận tải hành khách là kinh doanh đặc biệt với các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thành lập, sức khỏe lái xe để đảm bảo an toàn cao nhất cho hành khách…
 
BTV: Tai nạn giao thông thảm khốc liên tiếp xảy ra trong một thời gian ngắn, ông có nhận định thế nào? Lỗi thuộc về khâu quản lí nào, thưa ông Hiệp?
 
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” vào ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Đinh La Thăng đã cho biết, trên 80% các tai nạn nghiêm trọng là do lỗi người điều khiển phương tiện. Vấn đề đặt ra là tại sao lỗi người điều khiển phương tiện lại cao như vậy. Ở đây là có phần nguyên nhân sâu xa từ công tác quản lý nhà nước.
Nguyên nhân trực tiếp là do người điều khiện phương tiện nhưng tại sao lại như vậy? Rõ ràng là chúng ta phải xem lại khâu quản lý nhà nước. Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các Bộ, ngành để có kế hoạch rà soát một loạt.
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải có các đoàn thanh tra đi kiểm tra rất nhiều địa phương, tập trung vào kinh doanh vận tải, từ đó phát hiện nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, sửa đổi, kể cả văn bản pháp luật đến tinh thần, trách nhiệm thi hành công vụ, nhất là các Sở Giao thông vận tải.
Với sự quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian tới những lỗ hổng về công tác quản lý nhà nước sẽ được khắc phục, xác lập lại trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Tôi tin là tai nạn sẽ giảm.
 
BTV: Tai nạn thường tập trung vào tuyến đường miền Trung, ông có lý giải thế nào?
 
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Tai nạn thường xảy ra ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị. Ở đây có câu chuyện về cung đường. Khi xe chạy từ TPHCM hoặc Hà Nội đến những địa phương này, mà người ta gọi là khoảng trắng, khoảng trống, lái xe bắt đầu có cảm giác mệt mỏi. Theo quy định là lái xe không được liên tục 4h để đảm bảo an toàn.
Thứ hai là về mật độ phương tiện, những địa phương này có điều kiện về du lịch nên lưu lượng khách đến rất đông. Ví dụ như ở Nha Trang vừa rồi liên tiếp xảy ra tai nạn.
Thứ ba là một phần do yếu tố thời tiết. Ví dụ lúc trời nắng nóng cao điểm cũng gây ra mệt mỏi cho người lái xe.
Tuy nhiên, còn có các lý do nữa tùy theo từng vụ tai nạn như về hạ tầng, do tuần tra kiểm soát.
 
BTV: Tôi xin bắt đầu đi vào từng nguyên nhân mà dư luận đang cho rằng góp phần làm tai nạn giao thông gia tăng, xin mời lãnh đạo Cục CSGTĐB:
Trước hết với lãnh đạo của lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, ông có suy nghĩ thế nào khi rất, rất nhiều bạn đọc phản ánh về tình trạng mãi lộ của cảnh sát giao thông. Có bạn đọc đã viết: “Theo tôi, cũng 100% do CSGT mà thôi. Ngay khi ra khỏi bến xe, khách trên xe đã phải ngồi ghế nhựa và cả trên nóc nắp cabo rồi, ấy vậy mà CSGT ngay tại cổng bến xe vẫn cho xe xuất bến và ban quản lý bến vẫn kí giấy cho xe ra.”
Và thậm chí bạn đọc này còn viết: “Mong BT có địa chỉ Facebook để người dân đi xe chuyển cho BT những hình ảnh nhà xe mỗi khi tới chốt CSGT, chỉ có 5-10s là lại lao vun vút. Và xe chở quá người, quá tải hàng... vẫn đi ngon...”?
 
Ông Trần Sơn Hà: Đây là câu hỏi chúng tôi trăn trở trong nhiều năm, từ khi thực hiện Nghị định 36 năm 1995 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị và Luật giao thông đường bộ 2001, sửa đổi năm 2008.
Vấn đề xử lý nguyên nhân gây tai nạn giao thông được sự quan tâm của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị. Là lực lượng nòng cốt trong việc này, chúng tôi đã có nhiều nỗ lực.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, lực lượng xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt lên tới khoảng 1.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên tai nạn vẫn phổ biến, mà 80% nguyên nhân tai nạn là do người điều khiển phương tiện. Đây là số thực chúng tôi đã điều tra, phân tích.
Tại sao lại như vậy, chúng tôi cho rằng chúng ta đã tuyên truyền nhiều, dày đặc; báo chí, truyền thông đã tốn nhiều giấy mực, nhưng chuyển biến của nhận thức rất chậm.
Ví dụ, Nhật Bản làm từ những năm 70, họ mất tới 40 năm giải quyết được bài toán về hạ tầng, về số người chết vì tai nạn giao thông, tuyên truyền ý thức, đến nay họ mới giảm được số người chết xuống 6 nghìn người/năm.
Rõ ràng vi phạm quá phổ biến trong khi lực lượng của chúng ta quá mỏng.
Bộ Công an đã chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng, phải thực hiện theo pháp luật và sự giám sát của nhân dân. Chúng tôi có quy chế để kiểm soát và chúng tôi có đường dây nóng, của Cục và của các tỉnh thành, mong nhân dân giám sát, phát hiện trường hợp sai phạm phản ánh qua đường dây nóng, hoặc có đơn thư khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng giải quyết. Tất cả trường hợp sai phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
 
BTV: Trong 3 triệu trường hợp, có trường hợp nào CSGT bị xử lý?
 
Ông Trần Sơn Hà: Chúng tôi xử lý trên 20 trường hợp CSGT có vi phạm quy trình, thậm chí có vụ nhận tiền tiêu cực cũng bị xử lý nghiêm túc như chuyển khỏi lực lượng, hoặc xử lý trước pháp luật.
Cũng trong 6 tháng chúng tôi lập biên bản trên 400 trường hợp lái xe, chủ hàng vi phạm giao thông xuống đưa tiền cho cảnh sát.
 
BTV: Liệu 20 trường hợp đã là tất cả?
 
Ông Trần Sơn Hà: Bộ Công an có cơ quan Thanh tra, những trường hợp có đơn tố cáo đều được cơ quan thanh tra kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
 
BTV: Rất nhiều người phản ánh lái xe bất cẩn trên đường cũng do chủ xe ép tiến độ, thời gian. Đứng từ phía góc độ quản lí nhà nước. Xin các vị khách mời cho biết những biện pháp có thể chấm dứt được tình trạng này?
 
Ông Nguyễn Hồng Trường: Có thể nói trong thời gian vừa qua, để quản lý tốt hơn công tác vận tải nói chung và đặc biệt là vận tải hành khách, hàng hóa, Bộ GTVT đã tập trung xử lý rất nhiều vấn đề.
Thứ nhất, tập trung ban hành sửa đổi các quy định về vận tải hành khách, hàng hóa để phù hợp với điều kiện kinh doanh vận tải hiện nay, đưa ra những điều kiện chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn trong vận tải.
Thứ 2, tập trung đưa vào các giải pháp lớn liên quan tới giao thông vận tải đặc biệt là công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe cũng như tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ.
Đây là 3 nội dung lớn bộ đang tập trung chỉ đạo.
Thứ nhất, đối với công tác đăng kiểm, từ năm 1995 đến nay, Bộ GTVT đã được giao nhiệm vụ và xây dựng hệ thống trung tâm đào tạo sát hạch quy chuẩn hợp chuẩn với các nước trong khu vực và thế giới theo tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ. Các đăng kiểm viên cũng được đào tạo và cấp chứng chỉ đầy đủ.
Hiện cả nước có trên 100 trung tâm, đơn vị cơ sở.
 
BTV: Về vấn đề lái xe bất cẩn trên đường cũng do chủ xe ép tiến độ. Bộ có chế tài hay biện pháp nào?
 
Ông Nguyễn Hồng Trường: Trên thực tế, chúng tôi về mặt quản lý nhà nước, yêu cầu các đơn vị vận tải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Trước 1/7/2012, khuyến khích áp dụng.
Từ 1/7/2012 đến nay bắt buộc phải lắp đặt, thiết bị hành trình này cung cấp cho chủ xe nhiều thông số trong đó có tốc độ, giờ nghỉ….
Từ hôm qua, 1/7/2013, tất cả các đơn vị vận tải sẽ bị xử phạt nếu không lắp đặt thiết bị hành trình cũng như các thiết bị đó không hoạt động.
 
BTV: Hộp đen lắp trên xe khách cung cấp thông tin về giờ làm việc lái xe, lộ trình, số lần dừng đỗ… Sáng hôm qua, khi thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội ra quân kiểm tra trên các bến xe khách, khi kiểm tra 17 xe khách thì phát hiện 12 chiếc không hoạt động. Ông có ý kiến gì?
 
Ông Nguyễn Hồng Trường: Từ 1/7/2013 trở về trước, thiết bị này bắt buộc nhưng chưa kiểm tra, mục tiêu để các chủ phương tiện tự giác thực hiện, trên cơ sở đó, bảo vệ cho chủ xe, an toàn cho hành khách và bản thân. Những chủ xe không thực hiện thì họ chưa thấy được tầm quan trọng quản lý đội xe, lái xe, tôi tin rằng số đó là không nhiều.
Từ 1/7/2013 trở đi, sẽ tiến hành xử phạt đối với tất cả chủ xe và lái xe không lắp thiết bị hành trình cũng như không hoạt động, tất cả những thông số trên hộp đen sẽ báo hành trình của xe cũng như điều kiện xử lý doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ sửa đổi nghị định 71 tới đây, nhưng những chủ xe vi phạm nhiều lần, chúng tôi tính xấp xỉ 2%, thì sẽ nghiên cứu để dừng cấp giấy phép vận tải, đồng thời không cho lái xe khách nữa đối với lái xe đó.
 
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Chiều qua, trước họp báo, chúng tôi có mời 13 đơn vị vận tải của cả nhà nước và tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay. Trong câu chuyện trao đổi, chúng tôi đã nói tới giám sát hành trình. Theo thống kê của các đơn vị chức năng, có khoảng 20.000 ô tô đã lắp thiết bị giám sát hành trình, theo quy định các phương tiện phải lắp, nếu không lắp sẽ bị xử phạt. Có khoảng 48.600 phải lắp, nhưng hiện có 20.000 xe lắp.
Sáng nay báo đăng, kiểm tra 17 xe có lắp thì 12 xe có lỗi có thể không có cổng in hoặc không hoạt động.
Những doanh nghiệp đó tôi cho rằng, họ không quan tâm tới điều kiện an toàn và quản lý doanh nghiệp. Tôi cho rằng, những doanh nghiệp này không xứng đáng để tiếp tục kinh doanh trên thị trường, đặc biệt là kinh doanh vận tải hành khách.
 
BTV: Ông Hà nghĩ thế nào về trách nhiệm liên đới của chủ xe nếu lái xe gây tai nạn?
 
Ông Trần Sơn Hà: Về quản lý vận tải và kinh doanh vận tải thì hệ thống pháp luật nhất như quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật Giao thông đường bộ chưa đồng bộ. Khi sơ kết Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chỉ đạo phải siết lại hoạt động kinh doanh vận tải nếu là những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu thì họ quản lý rất tốt. Nhưng khá nhiều năm nay chúng ta buông lỏng quản lý kinh doanh vận tải, nhiều chủ phương tiện khoán trắng cho lái xe, lái xe chạy theo lợi nhuận nên xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng… Vì vậy cần phải siết lại điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh vận tải quá tải…
Kinh doanh vận tải ở các doanh nghiệp lớn thì hoạt động rất trách nhiệm và quản lý chặt chẽ, còn nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hoạt động hình thức thì bán thương hiệu, góp tiền mua xe chạy thì quản lý lái xe rất lỏng lẻo, hợp đồng không chặt chẽ, để lái xe nghiện hút, tự tung tự tác trên đường, thậm chí mỗi ngày vi phạm tốc độ hàng trăm lần… Vì vậy, việc quản lý tận gốc lái xe từ khâu đào tạo, sát hạch lái xe là việc rất quan trọng, quản lý doanh nghiệp vận tải cũng phải siết chặt.
 
BTV: Đăng kiểm xe là một phần quan trọng để quyết định chất lượng xe tham gia giao thông. Đã nhiều tai nạn xảy ra và chúng ta đều nhận biết là có những xe khá cũ nát. Ngay về cảm quan cũng có thể thấy những chiếc xe rách tơi tả lưu hành ngoài phố. Nhưng khi cho lưu thông như vậy có nghĩa là xe đã được trung tâm đăng kiểm tiến hành kiểm tra đạt chất lượng. Bạn đọc cũng phản ánh là tai nạn giao thông cũng có sự đóng góp tích cực từ phía cơ quan đăng kiểm. Ông nghĩ sao về phản ánh này?
 
Ông Nguyễn Hồng Trường: Đăng kiểm xe để lưu hành là điều kiện bắt buộc, Bộ GTVT coi đây là nội dung lớn và đã đầu tư hệ thống đăng kiểm đồng bộ ở các địa phương. Các loại xe được đăng kiểm theo chu kỳ, cấp tem đăng kiểm. Tất cả xe lưu thông trên đường đều được đăng kiểm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Tôi khẳng định không có xe nào như bạn đọc phản ánh được chạy trên đường, nếu có thì đó là những xe hoạt động ở vùng sâu, vùng xa không đến cơ quan đăng kiểm, hoặc trốn cơ quan chức năng để chạy. Tôi tin rằng giờ phút này chúng tôi cho kiểm tra tại tất cả các địa phương và không có những loại xe như vậy chạy trên đường.
 
BTV: Giám sát cơ quan đăng kiểm thế nào để không lọt trường hợp xe cũ nhưng tiền mới thì sẽ được qua?
 
Ông Nguyễn Hồng Trường: Đối với cơ quan đăng kiểm xây dựng quy trình, quy phạm để đảm bảo tính khách quan, kiểm định thông qua hệ thống máy móc tự động; in kết quả công bố để lái xe được biết; lắp hệ thống camrera giám sát để lãnh đạo các cấp giám sát hoạt động các trạm đăng kiểm; có đường dây nóng để các lái xe phản ánh về các cơ quan quản lý nhà nước… Vì vậy hiện tượng tiêu cực được giảm tối đa. Chúng tôi mong các quý vị khán giả nếu phát hiện thì gửi thông tin về các cơ quan chức năng để xử lý.
Vừa qua chúng tôi đã thành lập các đoàn kiểm tra các trung tâm đăng kiểm, qua đó dừng hoạt động 4 trung tâm, xử phạt 29 cán bộ đăng kiểm, đưa ra khỏi dây chuyền 3 cán bộ đăng kiểm… Và theo quy định 6 tháng chúng tôi sẽ thực 1 lần để làm trong sạch đội hình.
 
BTV: Cứ 6 tháng đến hẹn lại lên thì các trung tâm đăng kiểm có chuẩn bị trước để đối phó không thưa ông?
 
Ông Nguyễn Hồng Trường: Tôi cho rằng việc xây dựng đạo đức tác phong, trách nhiệm của người đăng kiểm là chủ yếu… còn những hiện tượng sai sót thì trong thời gian không dài chúng tôi sẽ loại trừ những cán bộ có biểu hiện tiêu cực trong vấn đề đăng kiểm.
 
Tiếp tục cập nhật...
Nguyen Kinh Duc
Source: BBN