Tại sao ILO đề xuất Việt Nam nên tăng tuổi nghỉ hưu?

16/06/2014 07:11 View Count: 40
Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Trong những thay đổi của dự thảo, tăng tuổi nghỉ hưu có lẽ là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất. Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Carlos Galian, chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

- Hiện nay, một số ý kiến cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu chưa phù hợp với điều kiện sức khỏe của người Việt Nam, ông nhận định thế nào về ý kiến này?

Ông Carlos Galian: Trên thực tế, có một vài chỉ số cho thấy sức khỏe của người Việt Nam, đặc biệt là người nhận lương hưu đã được cải thiện. Nếu tuổi thọ trung bình vào năm 1990 là 66 thì giờ đã là 75. Quan trọng hơn, tuổi thọ trung bình của những người đã sống đến 60 tuổi là 81. Con số này ngang ngửa với các nước phát triển Việt Nam như Brazil, Thái Lan và chỉ kém các nước Tây Âu 3-4 tuổi. Tuổi thọ không thể nâng thêm 9 năm mà sức khỏe của người dân không được cải thiện.

Mặt khác, theo kết quả Khảo sát Mức sống Dân cư 2012, khoảng 40% người nhận lương hưu làm việc đến 65 tuổi, mặc dù họ có thể không làm toàn thời gian. Trong khối lao động phi chính thức, khoảng 70% người lao động vẫn làm việc không thường xuyên, và khoảng 25% vẫn làm việc thường xuyên khi đã 65 tuổi. Điều đó chứng tỏ người dân vẫn còn khả năng lao động.

Điều quan trọng là cần phải hiểu rằng đối tượng nào được nhận lương hưu, chắc chắn một điều họ không phải lao động có thu nhập trung bình của Việt Nam. Tuy vẫn có một số ngoại lệ nhưng những người nhận lương hưu thường có mức sống cao hơn hầu hết người dân Việt Nam. Theo Khảo sát Mức sống Dân cư 2012, khoảng 70% người về hưu thuộc nhóm 40% dân số giàu nhất Việt Nam, hay nói cách khác, chỉ dưới 4% trong số họ là người nghèo.

- Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại về việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động tiêu cực đến áp lực tạo việc làm, ông lý giải thế nào về những lo ngại ngày?

Ông Carlos Galian: ILO không ủng hộ và cũng không đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ngay lập tức, nhưng cần tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu từ bây giờ để thị trường lao động cũng như xã hội Việt Nam kịp điều chỉnh.

Thực tế, hiện nay có rất nhiều thanh niên gia nhập thị trường lao động mỗi năm nhưng trong vòng 10 năm tới, con số này sẽ giảm dần. Theo dữ liệu chính thức, lực lượng lao động hiện tăng 700.000 người hàng năm. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến năm 2029, lực lượng lao động sẽ tăng chậm lại hơn, ở mức khoảng 350.000 lao động một năm.

Trong thập kỷ tới, khi tuổi nghỉ hưu dự tính ổn định ở mức 62 thì lực lượng lao động cũng sẽ ổn định ở mức 62 triệu lao động. Như vậy, lịch trình tăng tuổi nghỉ hưu có vẻ rất phù hợp với sự phát triển của thị trường lao động cũng như trong việc cung cấp đủ thời gian cho Chính phủ và cả xã hội thích ứng.

Trung Quốc là một thí dụ điển hình cho Việt Nam về tăng tuổi nghỉ hưu. Vào năm 2010, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Trung Quốc có khoảng 150 triệu lao động dư thừa nhưng chiều hướng đang thay đổi đáng kể. Năm ngoái, tình trạng thiếu lao động đã xảy ra ở khu vực bờ Đông của Trung Quốc. Các dự báo khác nhau đã chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu đối diện với vấn đề thiếu lao động vào giai đoạn từ năm 2017-2025. Vì vậy, Việt Nam nên học tập từ những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động Trung Quốc và bắt đầu quá trình điều chỉnh từ từ.

- Theo ông, thời điểm nào tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý?

Ông Carlos Galian: Như vậy, hiện tại tất cả người lao động sắp đến tuổi về hưu sẽ không chịu tác động của cải cách đề xuất. ILO đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 vào năm 2030. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đề xuất chậm hơn: 60 tuổi cho lao động nữ vào năm 2034 và 62 tuổi cho lao động nam vào năm 2025. Vào thời điểm đó, xã hội Việt Nam sẽ có một cục diện hoàn toàn khác.

Hiện nay, Việt Nam đang như đứng giữa ngã ba đường mà chưa biết chọn hướng đi nào, bắt tay vào việc tăng tuổi nghỉ hưu dần từ bây giờ hay đợi 3 đến 5 năm nữa để tiến hành cải cách mạnh tay hơn, hoặc là để mặc lao động trẻ và trung niên đối mặt với việc nghỉ hưu không có lương hưu trong tương lai gần.

- Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng, trong khi đó cách tính lương hưu của lao động là công chức, viên chức được điều chỉnh giảm đáng kể, như vậy là sẽ “tăng trách nhiệm, giảm quyền lợi,” ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Ông Carlos Galian: Thông thường hệ thống hưu trí chỉ cho phép một tỷ lệ hưởng trong khoảng từ 40 đến 60%. Tuy nhiên, theo phân tích của ILO, tỷ lệ hưởng lương hưu của công chức, viên chức Việt Nam là hơn 100%, có nghĩa là họ hưởng nhiều hơn mức lương đóng bảo hiểm xã hội thực tế của họ. Đây là tỷ lệ cao nhất trên thế giới các chuyên gia của ILO từng biết đến, điều này đe dọa tính bền vững về tài chính của quỹ lương hưu. Bởi vậy, công thức tính lương hưu cần được điều chỉnh.

Mặc dù khuyến nghị nên thay đổi cách tính lương hưu, nhưng ILO nhấn mạnh rõ phương án cải cách chuẩn mực là phải tuân thủ cải cách của Bộ Luật Lao động, người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tính theo tổng thu nhập, chứ không phải tính theo lương cơ bản. Nếu như cải cách được triển khai, lương hưu sẽ cao hơn đang kể, dù cho công thức tính lương hưu có bị giảm đôi chút.

Hiện nay, sự bất bình đẳng là một vấn đề đáng lo ngại của hệ thống lương hưu Việt Nam. Sự đối xử không công bằng dẫn tới hai vấn đề đó là sự đố kỵ về lương hưu và sự trốn tránh (những nhóm đối tượng bị thiệt thòi quyền lợi sẽ có động cơ trốn và không tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội). Sự bất bình đẳng có thể là lý do tại sao việc mở rộng tỷ lệ bao phủ ở khu vưc tư nhân đang chậm lại. Trừ khi tất cả các nhóm đối tượng được đối xử công bằng, nếu không thì có thể việc trốn đóng bảo hiểm sẽ trở thành đặc trưng của hệ thống hưu trí Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyen Kinh Duc
Source: BBN