Hội nghị trực tuyến về Rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cuộc rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công có ý nghĩa cả về mặt xã hội và quản lý Nhà nước, là dịp khẳng định chính sách ưu đãi đã được triển khai thực hiện tốt với đa số người có công. Đồng thời, rà soát phát hiện thiếu sót, sai sót, những điểm chưa hợp lý trong chính sách và thực hiện chính sách để kịp thời điều chỉnh, khắc phục. Đây cũng là cuộc tổng rà soát quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đến tất cả 11.000 xã, phường, thị trấn trong cả nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, thiết thực kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm, theo tiến độ thực hiện, sau Hội nghị hướng dẫn việc tổng rà soát thì tháng 4/2014, mỗi quận, huyện chọn một xã, phường, thị trấn để thực hiện rà soát thí điểm, rút kinh nghiệm để tổ chức tổng rà soát trên toàn tỉnh. Tháng 5 đến tháng 7-2015, tổng rà soát các xã, phường, thị trấn còn lại trong tỉnh. Theo đó, đến trước 27-7-2014, UBND cấp huyện, tỉnh sẽ công bố kết quả rà soát về thực trạng, hiện trạng thực hiện chế độ chính sách đối với người có công.
Từ tháng 8-2014 đến tháng 4-2015, trên cơ sở báo cáo của Sở LĐ-TBXH, Bộ LĐ-TBXH, sau đó sẽ triển khai thực hiện đối với người cần áp dụng. Đến tháng 10-2015, Bộ LĐ-TBXH và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam báo cáo Chính phủ và Quốc hội kết quả việc Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi với người có công trong cả nước, cùng với đó tổng kết, biểu dương và khen thưởng.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động- TBXH) cho biết, thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ Lao động- TBXH và Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã xây dựng hướng dẫn tổng rà soát. Theo đó, sẽ có 7 nhóm đối tượng người có công nằm trong diện rà soát chính sách đợt này là liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; Bà Mẹ VNAH; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người có công giúp đỡ cách mạng; cựu thanh niên xung phong.
Nhiệm vụ và quy trình rà soát được phân công cụ thể cho từng cấp xã, huyện, tỉnh, từng hội, đoàn thể. Đối với cấp xã sẽ thành lập Ban Rà soát do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo các ban, ngành như Mặt trận Tổ quốc, Lao động- TBXH làm Phó Ban và các thành viên là đại diện Ban Chỉ huy Quân sự, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên CSHCM, Hội Cựu thanh niên xung phong. Ban Rà soát cấp xã có nhiệm vụ thực hiện nội dung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai tại địa phương, tổ chức phân công cho từng thành viên theo hướng dẫn, tập huấn; cung cấp danh sách đối tượng người có công đang hưởng chính sách ưu đãi và thân nhân của người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng của mỗi khu dân cư; cung cấp các mẫu phiếu rà doát, phiếu tổng hợp rà soát...
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã trao đổi với các điểm cầu, giải đáp, hướng dẫn, làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến đối tượng, phạm vi, điều kiện, căn cứ xác định, quy trình, tiến độ thực hiện, giải quyết những vướng mắc trong quá trình rà soát, kinh phí bảo đảm… nhằm triển khai Kế hoạch thuận lợi, đúng tiến độ và đạt hiệu quả nhất. Trong đó, nhấn mạnh vai trò, ý thức trách nhiệm cao của các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác rà soát; phối hợp tốt với các cơ quan tuyên truyền để phổ biến, hướng dẫn cho người dân.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá cao ý kiến phát biểu tại các điểm cầu, đồng thời khẳng định, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp thu, nghiên cứu để sớm có hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách đối với người có công.
Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ, đây là lần đầu tiên chúng ta huy động tất cả các tổ chức chính trị - xã hội tham gia và có phân công cụ thể. Do đó, trong quá trình thực hiện, các đồng chí được phân công tham gia từ Trung ương đến địa phương phải nắm chắc các đối tượng và các chính sách hiện hành liên quan đến từng đối tượng để việc thực hiện đạt hiệu quả tối ưu. Việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn phải chu đáo để khi thực hiện lập được danh sách chính xác nhất để gửi các cấp có thẩm quyền. Mỗi đối tượng phân cho một đoàn thể thì các đoàn thể lại phải tập huấn, hướng dẫn và cùng các cơ quan chuyên môn tham gia để cùng trao đổi, hướng dẫn, giải đáp... Quan trọng hơn, từ thực tế công việc để phát hiện những bất cập từ việc thực hiện chính sách, trên cơ sở đó có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để hoạch định chính sách hợp lý hơn.