Những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2014
Cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2013
Bộ đã xây dựng, trình 55 đề án, trong đó đã thông qua, ban hành 41 đề án, là một trong số Bộ, ngành xây dựng trình ban hành nhiều đề án trong năm. Hệ thống văn bản pháp luật, các chính sách, chương trình, đề án mới ban hành đã dần đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, để điều chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực của ngành; tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt ở các vùng khó khăn, cải thiện thu nhập, đời sống cho hàng chục triệu người, tạo ổn định xã hội, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.
Cả nước đã giải quyết việc làm cho 1,543 triệu lao động, bằng 101,5% so với thực hiện năm 2012, trong đó giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 1,455 triệu lao động. Xuất khẩu lao động 88.155 người, đạt 103,7% kế hoạch, tăng 10% so với thực hiện năm trước. Thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục được củng cố và phát triển, một số thị trường trọng điểm có mức tăng cao như Đài Loan tăng 51,86%, Nhật Bản tăng 10,38%... Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ để mở lại thị trường Hàn Quốc (ngày 31/12/2013 hai nước đã ký bản ghi nhớ đặc biệt); mở thêm hình thức hợp tác lao động mới như chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên đi làm việc tại Nhật Bản, CHLB Đức…
Công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật lao động về tiền lương, bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, xây dựng nội quy lao động ... trong các doanh nghiệp được thực hiện tốt hơn. Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2013 đã góp phần bảo đảm ổn định, cải thiện đời sống của người lao động. Bảo hiểm xã hội tiếp tục phát triển, số lao động được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 3,6% so với cuối năm 2012, đạt 10,67 triệu người; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 16,4% so với cuối năm 2012, đạt 156 ngàn người. Quan hệ lao động được cải thiện, tranh chấp lao động, đình công giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012 (cả nước đã xảy ra 355 cuộc đình công, giảm 151 cuộc so với năm 2012). Đến nay, cả nước có 8,538 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (tăng 5,8% so với năm 2012). Việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp người lao động tìm được việc làm mới, đặc biệt trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, tạm dừng hoạt động.
Cả nước tuyển mới dạy nghề trên 1,732 triệu người, tăng 14% so với thực hiện năm 2012, trong đó trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề trên 216 nghìn người, (tăng 13,6%); dạy nghề cho khoảng 450.000 lao động nông thôn theo Đề án 1956 (tăng 10,2%). Mạng lưới cơ sở dạy nghề tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng xã hội hoá, tính đến nay cả nước có 1.339 cơ sở dạy nghề, có khoảng 40% số Trung tâm dạy nghề cấp huyện đã được đầu tư tương đối đồng bộ, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề. Dạy nghề từng bước gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp và từng bước hội nhập quốc tế, hình thành cơ cấu nhân lực ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người học, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về thực hiện chính sách ưu đãi người có công, Bộ đã trình Chính phủ ban hành, Bộ ban hành và phối hợp ban hành theo thẩm quyền đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi); đã phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ; phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015. Công tác giải quyết chính sách đối với người có công được thực hiện kịp thời, đầy đủ, các hồ sơ đủ điều kiện về thủ tục giấy tờ theo quy định đều được xem xét, giải quyết hoặc hướng dẫn, trả lời theo quy định. Các chế độ, chính sách đối với người có công được mở rộng về đối tượng thụ hưởng với mức trợ cấp được nâng lên từ ngày 1/7/2013.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương. Theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương, đến cuối năm 2013 có 96% số xã, phường cả nước được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công; 97% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Về lĩnh vực thực hiện giảm nghèo bền vững, năm 2013, trong bối cảnh kinh tế đất nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, Chính phủ chỉ đạo ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo, đặc biệt đã bổ sung 23 huyện khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở theo Chương trình 30a, phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo…Các địa phương đã chủ động trong tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo. Với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo và các chính sách hỗ trợ cho địa phương nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước cuối năm 2013 còn 7,8% theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015, giảm 1,8% so với cuối năm 2012; riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm bình quân 5%, từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89%.
Ngành LĐTBXH đã thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho khoảng 2,6 triệu người là các đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí hơn 7.121 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội tiếp tục được phát triển. Nhìn chung, đối tượng yếu thế đã được hỗ trợ cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.
Các lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động; bảo vệ chăm sóc trẻ em; phòng chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, hợp tác quốc tế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí… đều được triển khai đồng bộ và có nhiều tiến bộ so với năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành LĐTBXH trong năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác xây dựng pháp luật vẫn còn có văn bản chậm ban hành để hướng dẫn thực hiện. Do ảnh hưởng của nền kinh tế nên chỉ tiêu tạo việc làm chưa đạt kế hoạch đề ra, nhiều lao động thiếu việc làm, việc làm thu nhập thấp, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn; tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội còn nhiều; tranh chấp lao động, đình công tuy có tiến bộ song vẫn diễn biến phức tạp; tai nạn lao động, cháy nổ vẫn xảy ra ở một số địa phương; công tác dạy nghề còn bất cập, chất lượng thấp, quản lý và tổ chức dạy nghề còn chưa chặt chẽ; đời sống nhân dân, người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn nhiều khó khăn; còn có khoảng cách chênh lệch lớn về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư, đặc biệt là ở những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới…
Những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 và giải pháp thực hiện
Năm 2014, dự báo đất nước vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra cho ngành rất nặng nề. Quán triệt Nghị quyết của Quốc hội về mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng phương hướng, kế hoạch hoạt động năm 2014 với những chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản, đề án theo chương trình công tác của Chính phủ. Giải quyết cơ bản tình trạng Luật, chính sách ban hành đã có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.
2. Tạo việc làm cho 1.600 nghìn người, trong đó tạo việc làm trong nước 1.513 nghìn người (bằng 103,98% so với ước thực hiện năm 2013), xuất khẩu lao động 87 nghìn người.
3. Tăng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; cải thiện điều kiện làm việc, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tranh chấp lao động.
4. Tuyển mới dạy nghề 1,78 triệu người, trong đó: tuyển mới cao đẳng, trung cấp nghề 280 nghìn người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 1,5 triệu người (trong đó dạy nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg là 500 nghìn người).
5. Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,7 - 2% so với năm 2013, trong đó các huyện nghèo giảm 4%.
6. Có 97% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình hộ dân cư nơi cư trú; 96% xã phường làm tốt công tác Thương binh - Liệt sỹ và Người có công; hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho các gia đình chính sách chưa có nhà ở kiên cố.
7. Thực hiện đầy đủ chế độ trợ cấp thường xuyên cho đối tượng xã hội tại cộng đồng và đối tượng nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng vươn lên hoà nhập cộng đồng; chủ động dự trữ nguồn lực tại chỗ kịp thời khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân vùng bị thiên tai, mất mùa, thiếu đói.
8. Thực hiện các quyền của trẻ em, đảm bảo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em; 82% xã phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 85% số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc, giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xuống dưới 5,5%; 65% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu; 100% trẻ em dưới 6 tuổi tiếp cận các dịch vụ y tế không phải trả tiền.
9. Đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình. Tỷ lệ nữ trong tổng số lao động được tạo việc làm đạt 49%; trong tuyển mới dạy nghề đạt 49%.
10. Cai nghiện, phục hồi 35.000 lượt người; trong đó cai nghiện tại các Trung tâm khoảng 20.000 lượt người; tại cộng đồng 15.000 lượt người; dạy nghề, tạo việc làm sau cai nghiện cho 14.000 người. Phòng ngừa nguy cơ phát sinh mới tệ nạn mại dâm; phòng, chống buôn bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục, góp phần gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Để đạt được các chỉ tiêu nêu trên, Bộ sẽ triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu sau: Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ và kịp thời trong việc ban hành văn bản; giải quyết một bước cơ bản tình trạng Luật, chính sách ban hành đã có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Đặc biệt quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn giải quyết việc làm với quá trình tái cơ cấu kinh tế của địa phương…
Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề, Giảm nghèo; các chương trình, đề án của ngành đã được phê duyệt. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách trung ương từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia và nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu của trung ương và địa phương, đồng thời huy động thêm các nguồn của địa phương cho các lĩnh vực của ngành, coi đầu tư cho xã hội là đầu tư phát triển bền vững.
Tiếp tục xử lý các trường hợp còn tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công, đặc biệt với đối tượng liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát hồ sơ các đối tượng người có công để bảo đảm chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đến đúng người và đúng chính sách.
Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, đặc biệt là chính sách người có công, trợ cấp xã hội thường xuyên, đột xuất; bảo hiểm thất nghiệp; chính sách hỗ trợ người nghèo... Rà soát, loại bỏ những chính sách không còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo không trùng lắp, hỗ trợ đúng đối tượng cần hỗ trợ.
Mở rộng hợp tác quốc tế trong mọi lĩnh vực của ngành. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và sắp xếp hợp lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ địa phương, cơ sở, tạo sự chuyển biến rõ rệt về thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức ngành LĐTBXH
Phạm Thị Hải Chuyền
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội