Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời trực tuyến

10/04/2013 01:40 View Count: 25
Ngày 5/4, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có buổi trả lời trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử (Văn phòng Chính phủ) xung quanh các vấn đề về: Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm - dạy nghề giai đoạn 2012-2015, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ, xuất khẩu lao động…
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đối thoại trực tuyến
Về việc triển khai các Đề án của Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm - dạy nghề giai đoạn 2012 – 2015 (theo Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31/8/2012)? 
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Chương trình gồm 6 đề án là: đổi mới phát triển dạy nghề, đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn, vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ phát triển thị trường lao động và nâng cao năng lực truyền thông, giám sát đánh giá thực hiện chương trình.
Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm - dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 được phê duyệt chậm, tuy nhiên theo một số dự án, chương trình đã được triển khai thực hiện từ năm 2010 và năm 2011 nên việc đảm bảo các chỉ tiêu cho cả kỳ vẫn có khả năng đạt kế hoạch đề ra. Hiện các dự án, chương trình đều được lồng ghép triển khai đồng bộ theo hướng hiệu quả, thiết thực gắn dạy nghề với giải quyết việc làm cho người lao động. Các mục tiêu dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động có thể hoàn thành nếu được bố trí đủ nguồn lực trong những năm tới.
Cụ thể như Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, sau 3 năm triển khai thực hiện (2010 - 2012) đã có khoảng 1 triệu LĐNT được học nghề, hơn 70% có việc làm sau học. Theo đánh giá sơ bộ từ Ban chỉ đạo Trung ương, Đề án 1956 đã đi đúng hướng, phù hợp nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng mong muốn học nghề của LĐNT và có nhiều mô hình dạy nghề, gắn với việc làm có hiệu quả có thể nghiên cứu nhân rộng. 
 
Về mục tiêu đến năm 2015 cả nước đạt tỷ lệ 40% lao động được đào tạo nghề? 
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trong khi những năm gần đây việc tuyển mới, dạy nghề gặp rất nhiều khó khăn (2 năm 2011 - 2012 chỉ tuyển mới dạy nghề cho 3,3 triệu người, bình quân đạt 1,65 triệu người/năm mới đạt 34% kế hoạch 5 năm). Do đó cần triển khai đồng bộ, quyết liệt từ các bộ, ngành, UBND các địa phương thì mới đạt chỉ tiêu đề ra. Trong đó chú trọng tập trung tuyên truyền tạo nhận thức trong xã hội về việc học nghề cùng với việc triển khai phân luồng, tư vấn hướng nghiệp học nghề đối với học sinh THPT. Về phía Bộ Lao động – TBXH đang tập trung hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, củng cố nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề; triển khai lồng ghép thực hiện các chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các đối tượng hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu đều được học nghề. 
 
Đối với việc kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động? 
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Ngoài việc tuyên truyền tạo nhận thức đến chủ sử dụng lao động, người lao động về ý thức đảm bảo an toàn trong sản xuất thì việc tăng cường thanh kiểm tra, xử phạt những cơ sở sản xuất vi phạm an toàn vệ sinh lao động sẽ được chú trọng trong giai đoạn tới. Bộ Lao động - TBXH đang xây dựng Đề án tăng cường năng lực thanh tra ngành Lao động - TBXH đến năm 2020; nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội cho ý kiến về dự Luật An toàn vệ sinh lao động vào năm 2014.
Thực tế hiện nay, vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, do vậy cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức đến chủ sử dụng và người lao động, tới đây có thể đưa vào các trường học để giáo dục ý thức an toàn vệ sinh lao động cho các em học sinh. Chia sẻ với những gia đình có con em bị tai nạn lao động, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, đó là một thực trạng nhức nhối, do vậy cần  thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng phòng ngừa nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động. 
 
Đối với vấn đề giải quyết nợ đọng đóng BHXH cho người lao động của  các doanh nghiệp (gần 5 nghìn tỷ đồng năm 2012)? 
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Bộ Lao động – TBXH đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan đôn đốc thu, giảm số nợ tiền BHXH của người lao động, nên đến nay đã giảm hơn 13% so với năm 2011. Về những giải pháp chế tài xử phạt những công ty, doanh nghiệp cố tình vi phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì không thể chỉ xử phạt hành chính, dân sự mà cần xem xét nếu doanh nghiệp trốn đóng tiền BHXH có thể đưa vào khung xử phạt hình sự. Bộ đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung tội trốn đóng BHXH vào Bộ luật Hình sự. 
 
Về câu hỏi xung quanh việc nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao làm công tác quản lý (theo Khoản3, Điều 187, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012, có hiệu lực thi hành từ 1/5/2013)? 
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đây là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, Bộ Lao động - TBXH được Chính phủ giao cùng các bộ, ngành soạn thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện. Quan điểm của Ban soạn thảo là Nghị định chỉ hướng dẫn luật, không được làm trái luật. Quá trình thực hiện rất thận trọng, Bộ Lao động - TBXH luôn lắng nghe các ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý để có bước đi, lộ trình thích hợp để không làm ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ. 
 
Liên quan đến câu hỏi hiện có 12 nghìn hồ sơ thi tuyển tiếng Hàn trúng tuyển đã hết hạn những vẫn chưa được giải quyết? 
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do tỷ lệ lao động Việt Nam sang làm việc hết hạn hợp đồng bỏ trốn ở lại ở mức cao. Do vậy, phía Hàn Quốc thông báo chưa ký gia hạn bản tiếp nhận lao động mới để tập trung giải quyết số lao động Việt Nam hết hạn về nước. Trong thời gian tới, Bộ Lao động – TBXH sẽ tập trung thực hiện các biện pháp tuyên truyền vận động cả tại Việt Nam và Hàn Quốc để người lao động hết hạn hợp đồng về nước. Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng các chế tài để ngăn ngừa lao động không vi phạm. Phía Hàn Quốc có thông báo đối với những lao động hết hạn hợp đồng về nước thì trong vòng 6 tháng sau khi thi đạt tiếng Hàn có thể quay sang làm việc tiếp, số lao động được bạn chấp nhận theo chính sách này là khoảng 1.500 người.
Sở lao động thương binh xã hội
Source: BBN