Nhìn lại kết quả công tác năm 2012 và chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành LĐTBXH năm 2013
Qua một năm thực hiện, với sự nỗ lực phấn đấu của CBCCVC toàn ngành; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng.
Vượt khó, đạt những thành tựu quan trọng
Năm 2012, kinh tế thế giới có nhiều biến động, thương mại sụt giảm mạnh, tăng trưởng toàn cầu thấp, tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta và ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực của ngành, đặc biệt trong việc thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm, giảm nghèo… Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ năm 2012 đặt ra cho ngành rất nặng nề, đồng thời với việc bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong năm, phải kết hợp giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách để đảm bảo an sinh xã hội trên phạm vi cả nước.
Song, năm 2012 vừa qua, Bộ LĐTBXH đã hoàn thành nhiệm vụ về xây dựng văn bản, trong đó đặc biệt là trình Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Uỷ ban Thường vụ quốc hội thông qua Pháp lệnh người có công (sửa đổi) và Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Các văn mới ban hành góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để điều chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực của ngành. Các chính sách, chương trình, đề án đã định hướng phát triển các lĩnh vực của ngành, vừa bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ trước mắt vừa gắn với nhiệm vụ trung và dài hạn, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là ở các vùng khó khăn, cải thiện thu nhập, đời sống cho hàng chục triệu người, tạo ổn định xã hội, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.
Trong năm 2012, 1,52 triệu người đã được giải quyết việc làm mới, đạt 95% kế hoạch, trong đó giải quyết việc làm trong nước 1,44 triệu người, xuất khẩu lao động 80 ngàn người, tuy không đạt kế hoạch nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn, đây là một cố gắng lớn. Thị trường lao động tiếp tục được củng cố và phát triển. Các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp được đẩy mạnh. Công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách tiền lương được thực hiện tốt hơn. Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện tốt mức lương tối thiểu vùng theo quy định... Bảo hiểm xã hội tiếp tục phát triển, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 4,2%, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 48,9% so với cuối năm 2011. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp được tăng cường. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đi vào cuộc sống với 8,07 triệu người tham gia, tăng 6,6% so với năm 2011. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đã góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp người lao động tìm được việc làm mới đặc biệt trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.
Quan hệ lao động được cải thiện, tranh chấp lao động, đình công giảm 42,8% so với năm 2011. Công tác an toàn, vệ sinh lao động, đã được các cơ quan quản lý quan tâm chỉ đạo và các doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc hơn, qua đó đã hạn chế được các tai nạn, sự cố đặc biệt nghiêm trọng, tần suất tai nạn lao động làm chết người giảm so với năm 2011. Công tác quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhiều tiến bộ.
Công tác dạy nghề tiếp tục được đổi mới và phát triển, tuyển mới dạy nghề hơn 1,49 triệu người, đạt 78,6% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2012 đạt 33,5%. Hệ thống dạy nghề tiếp tục phát triển theo hướng xã hội hoá. Các hoạt động dạy nghề tiếp tục phát triển theo hướng tăng cường đào tạo nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn, những vùng kinh tế trọng điểm.
Năm 2012 Đảng Nhà nước ta tiếp tục giành những sự quan tâm đặc biệt trong việc chăm sóc người có công với nước. Hiện nay cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công ( chiếm gần 10% dân số) được hưởng trợ cấp một lần và hàng tháng, trong đó có 1,47 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng; hàng chục nghìn con thương binh, con liệt sỹ được hưởng chế độ ưu đãi về đào tạo. ...mỗi năm Nhà nước đã giành gần 26.000 tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi cho người có công với cách mạng. Ngày 18-5-2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 494, trong đó nêu rõ: Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động sự tham gia của xã hội, gia đình. Theo đó, trong 2 năm 2012 và 2013 phải giải quyết xong nhà ở cho hơn 71.000 hộ có khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2.500 tỷ đồng. Đặc biệt, ngày 16 tháng 7 năm 2012 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh sửa đổi này có thêm chính sách ưu đãi mới như: Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có trợ cấp người phục vụ; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày sẽ có trợ cấp hàng tháng; điều chỉnh thời gian điều dưỡng từ 5 năm một lần xuống 2 năm 1 lần; mở rộng chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân người có công…với diện ưu đãi được mở rộng thêm theo Pháp lệnh ưu đãi người có công sửa đổi, (có hiệu lực từ 1 tháng 9 năm 2012), số kinh phí ưu đãi tăng thêm năm 2012 là 275 tỷ đồng. Năm 2013 ngân sách nhà nước sẽ giành trên 30 ngàn tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi cho người có công với cách mạng( tăng hơn 4 ngàn tỷ so với 2012). Tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, mang lại dấu ấn tốt đẹp, đồng thời ôn lại truyền thống cách mạng và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.
Công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (Nghị quyết 30a) tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tập trung đầu tư cho vùng khó khăn, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, kết hợp dạy nghề, tạo việc làm, giảm nghèo được nhân rộng cho các địa phương, góp phần thiết thực đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước cuối năm 2012 còn 10%, giảm 1,76% so với cuối năm 2011. Cùng với đó, toàn ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội. Các lĩnh vực bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, hợp tác quốc tế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí… đều được triển khai đồng bộ và đã đạt được những kết quả tích cực.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành LĐTBXH trong năm qua vẫn còn có những khó khăn, hạn chế: Trong thực hiện chương trình công tác, một số đề án chuẩn bị còn chậm, phải điều chỉnh tiến độ. Việc làm chưa ổn định, nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên; người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức tăng. Thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, kết nối cung - cầu trên thị trường lao động tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn diễn ra tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ; quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Tranh chấp lao động, đình công vẫn diễn biến phức tạp; tai nạn lao động, cháy nổ, chết người vẫn xảy ra ở một số địa phương…Chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề đạt thấp; tuyển mới cao đẳng, trung cấp nghề rất khó khăn; chất lượng, hiệu quả dạy nghề ở một số địa phương, cơ sở dạy nghề còn hạn chế, nhất là dạy nghề ngắn hạn. Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề tuy có tăng trong những năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dạy nghề về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ và sự thay đổi nhanh chóng về kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất. Kết quả, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế. Xác nhận, công nhận người có công đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, thanh niên xung phong vẫn còn tồn đọng; vẫn còn một bộ phận nhỏ người có công chưa được hưởng chính sách; vẫn còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo, chưa có nhà ở kiên cố. Xử lý và cung cấp thông tin về Liệt sỹ còn nhiều hạn chế. Tình trạng bạo lực, sử dụng lao động trẻ em, lạm dụng đối với trẻ em, trẻ em bị tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước... xảy ra nhưng nhiều địa phương xử lý chậm, chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành LĐTBXH trong năm qua vẫn còn có những khó khăn, hạn chế: Trong thực hiện chương trình công tác, một số đề án chuẩn bị còn chậm, phải điều chỉnh tiến độ. Việc làm chưa ổn định, nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên; người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức tăng. Thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, kết nối cung - cầu trên thị trường lao động tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn diễn ra tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ; quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Tranh chấp lao động, đình công vẫn diễn biến phức tạp; tai nạn lao động, cháy nổ, chết người vẫn xảy ra ở một số địa phương…Chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề đạt thấp; tuyển mới cao đẳng, trung cấp nghề rất khó khăn; chất lượng, hiệu quả dạy nghề ở một số địa phương, cơ sở dạy nghề còn hạn chế, nhất là dạy nghề ngắn hạn. Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề tuy có tăng trong những năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dạy nghề về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ và sự thay đổi nhanh chóng về kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất. Kết quả, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế. Xác nhận, công nhận người có công đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, thanh niên xung phong vẫn còn tồn đọng; vẫn còn một bộ phận nhỏ người có công chưa được hưởng chính sách; vẫn còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo, chưa có nhà ở kiên cố. Xử lý và cung cấp thông tin về Liệt sỹ còn nhiều hạn chế. Tình trạng bạo lực, sử dụng lao động trẻ em, lạm dụng đối với trẻ em, trẻ em bị tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước... xảy ra nhưng nhiều địa phương xử lý chậm, chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Đời sống của người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn nhiều khó khăn. Tệ nạn ma túy, mại dâm vẫn diễn biến phức tạp, chất lượng cai nghiện còn hạn chế, tỷ lệ tái nghiện vẫn còn cao; công tác quản lý, tạo việc làm cho người nghiện sau cai chưa được chú trọng đúng mức…
Tạo chuyển biến mạnh mẽ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành năm 2013
Năm 2013, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, kinh tế nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quán triệt Nghị quyết của Quốc hội về mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013: Tăng cường lành mạnh hoá, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; kiềm chế lạm phát thấp hơn, đưa tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng phương hướng nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 với các chỉ tiêu chủ yếu sau:
1. Tạo việc làm 1,6 triệu người, trong đó: tạo việc làm trong nước 1,515 triệu người; xuất khẩu lao động 85 ngàn người. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Cơ cấu lao động: nông, lâm, ngư nghiệp 46%; công nghiệp và xây dựng 23,5%; dịch vụ 30,5%.
2. Tăng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lên 11,146 triệu người (trong đó bảo hiểm tự nguyện là 196 ngàn người); cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; cải thiện điều kiện làm việc, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tranh chấp lao động; quản lý chặt chẽ lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
3. Tuyển mới dạy nghề 1,9 triệu người, trong đó: trung cấp nghề, cao đẳng nghề 400 ngàn người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 1,5 triệu người, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 600 ngàn lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 36%.
4. Đạt 98,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ người có công; huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa 200 tỷ đồng; hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho các gia đình chính sách chưa có nhà ở kiên cố.
5. Giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo cả nước, trong đó các huyện nghèo giảm 4% so với cuối năm 2012.
6.Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành cho đối tượng; cải thiện, nâng cao mức sống cho đối tượng xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng tự khắc phục khó khăn vươn lên hoà nhập cộng đồng. Hỗ trợ kịp thời, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lụt, mất mùa.
7. Thực hiện các quyền của trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em: 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xuống dưới 5,6%; 65% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đó; 67% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được tiếp cận các dịch vụ y tế không phải trả tiền tại cơ sở y tế công lập.
8. Đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình. Tỷ lệ nữ trong tổng số lao động được giải quyết việc làm đạt 48%; trong tuyển mới dạy nghề đạt 45%.
9. Cai nghiện, phục hồi 50 nghìn lượt người, trong đó cai nghiện tại các trung tâm 25 ngàn lượt người; dạy nghề, tạo việc làm sau cai cho 10 nghìn người. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền, dạy nghề, tạo việc làm để cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng mại dâm. Tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế bị tái mua bán. Xây dựng, mới 1.000 xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội.
Để đạt được các chỉ tiêu nêu trên, Bộ sẽ triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu sau: Tập trung nghiên cứu bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng chương trình công tác của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền, đặc biệt là Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động (sửa đổi), Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi) bảo đảm tính đồng bộ để thực hiện khi Bộ luật, Pháp lệnh có hiệu lực. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành.
Phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, cải thiện điều kiện lao động, trong đó tập trung hoàn thiện văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động (sửa đổi) về Bảo hiểm xã hội, về tiền lương, quan hệ lao động. Triển khai thực hiện Kết luận của Hội nghị Ban chấp hành trung ương 5 (khoá XI) về một số vấn đề về tiền lương và định hướng cải cách tiền lương đến năm 2020, đổi mới cơ chế quản lý tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo hướng gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản trị doanh nghiệp và phù hợp với quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh.
Tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả đề án đổi mới và phát triển dạy nghề, đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (Chương trình mục tiêu quốc gia về Việc làm - Dạy nghề giai đoạn 2012-2015).
Tập trung hướng dẫn triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi người có công; điều chỉnh nâng mức trợ cấp người có công phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo thời kỳ 2011-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012- 2015; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP), trong đó bổ sung 23 huyện khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở theo Chương trình, tạo điều kiện giảm nghèo nhanh, bền vững.
Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành trung ương Đảng (khoá XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành cho đối tượng yếu thế; nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung chính sách, nâng mức trợ cấp xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước và địa phương.
Nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thực hiện đầy đủ các công ước, điều ước quốc tế về quyền trẻ em đã tham gia.
Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thưc hiện Luật phòng chống ma túy, Pháp lệnh phòng chống mại dâm, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; chính sách hỗ trợ dạy nghề cho học viên cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy tại Trung tâm và tại cộng đồng…
Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa khả năng huy động sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cả về tài chính, kỹ thuật để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đối với các lĩnh vực công tác: xóa đói giảm nghèo, phát triển nghề công tác xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, hỗ trợ cho đối tượng của ngành theo hướng góp phần xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bền vững. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn Ngành, thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nâng cao đạo đức, phẩm chất của cán bộ, công chức toàn Ngành là việc làm thiết thực để thực hiện nghị quyết trung ương 4 về phê bình và tự phê bình.
Năm 2013 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Nhiều chỉ tiêu sau 2 năm thực hiện vẫn còn khá thấp so với mức đề ra cho cả thời kỳ 2011 - 2015, trong đó có chỉ tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo đòi hỏi toàn ngành phải có bước phấn đấu cao, chuyển biến mạnh mẽ để tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Phạm Thị Hải Chuyền
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Source:
BBN