Bắc Ninh sau 5 năm xây dựng thí điểm mô hình “Cung cấp, kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng, muốn hiệu quả phải phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị với sự tham gia đông đảo của các cấp, các ngành cùng người dân với mục tiêu phòng ngừa, tuyên truyền giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chống phân biệt đối xử và nâng cao chất lượng sống của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Truyền thông cho ông bà và cha mẹ bảo vệ và chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng.
Theo số liệu báo cáo, năm 2018 tổng dân số trẻ em toàn tỉnh trên 317.000 số trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thuộc diện quản lý là 388 trẻ. Trong đó, số trẻ bị nhiễm HIV/AIDS là 64 em, số trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV là 278 em, số trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV gồm 46 em, số trẻ bị ảnh hưởng HIV thuộc hộ nghèo là 25 em, số trẻ bị ảnh hưởng HIV thuộc hộ cận nghèo là 10 em.
Năm 2015, được sự hỗ trợ của Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH), Sở LĐTBXH Bắc Ninh đã triển khai xây dựng thí điểm mô hình “Cung cấp, kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS” tại 2 xã Ngọc Xá và Đào Viên (huyện Quế Võ). Tham gia mô hình có 80 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; trong đó có 8 trẻ nhiễm HIV/AIDS; 15 trẻ mồ côi do cha, mẹ chết vì nhiễm HIV/AIDS, 28 trẻ sống cùng người nhiễm HIV/AIDS; 29 trẻ là con của người sử dụng ma túy, mua bán dâm… Năm 2016, mô hình tiếp tục được triển khai nhân rộng tại 2 phường Võ Cường và Đáp Cầu (TP. Bắc Ninh).
Mục đích chính của việc xây dựng mô hình là nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và mọi người dân về phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng; Kết nối các dịch vụ chăm sóc trẻ em, tập trung các hoạt động tư vấn chăm sóc tại gia đình và cộng đồng, lồng ghép một số dịch vụ xã hội cần thiết đối với nhóm trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, chăm sóc giáo dục, tránh kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; Nâng cao chất lượng sống của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thông qua tăng cường hệ thống dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu toàn diện của trẻ.
Triển khai xây dựng thí điểm mô hình “Cung cấp, kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS” tại 2 xã Ngọc Xá và Đào Viên (huyện Quế Võ).
Nâng cao chất lượng sống
Nhiều dịch vụ thiết yếu và thân thiện đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được hình thành và ngày càng được mở rộng như: hỗ trợ thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, chăm sóc, điều trị, tư vấn cho trẻ nhiễm HIV, cung cấp thuốc ARV miễn phí cho các bà mẹ mang thai và trẻ em, xét nghiệm PCR để chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... Các mô hình kết nối toàn diện, tiếp nhận và chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại các cơ sở giáo dục mầm non, các trường công lập được tăng cường. 100% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định; 2/2 cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (100%); 454/454 (đạt 100%) trường học trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và tạo điều kiện cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không bị kỳ thị và phân biệt đối xử trong trường học hay khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác...
Năm 2018 tại các xã, phường triển khai Mô hình điểm kết nối dịch vụ chăm sóc cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức 8 Hội nghị truyền thông tư vấn các vấn đề liên quan đến chính sách cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV; kỹ năng chăm sóc trẻ và người thân của trẻ bị nhiễm HIV; cách phòng tránh và chống phân biệt, kỳ thị với người có HIV cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cho hơn 620 người; 4 lớp tập huấn cho 160 người là thành viên Ban điều phối, Cộng tác viên 4 xã tham gia thực hiện mô hình. Phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức truyền thông tại 14 trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh cho gần 10.000 lượt học sinh về kỹ năng chăm sóc, chống kỳ thị phần biệt đối xử… 8 hội nghị truyền thông cho 1.200 bậc ông bà, cha mẹ thuộc 16 xã, phường, thị trấn về kiến thức kỹ năng kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (tại các đơn vị không có mô hình điểm).
Truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại Trường TH Hoàn Sơn, Tiên Du.
Đặc biệt, trong hai năm 2017 - 2018 thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc tham gia 100% BHYT cho người bị nhiễm HIV/AIDS đối với trẻ em bị nhiễm không thuộc diện được cấp thẻ BHYT giao Sở LĐTBXH trích Quỹ BTTE tỉnh mua thẻ BHYT cho 38 trẻ với tổng kinh phí 26.676.000 đồng. Hàng năm, số trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế, hỗ trợ dinh dưỡng, tham gia vui chơi trong các ngày lễ, tết, Quốc tế Thiếu nhi… với số kinh phí khoảng 200 triệu đồng/năm từ nguồn ngân sách địa phương và thông qua vận động xã hội.
Qua gần 5 năm triển khai kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020, Bắc Ninh không chỉ trợ giúp trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AID tiếp cận đầy đủ các dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng..., các hoạt động của chương trình còn góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 của tỉnh Bắc Ninh là 90% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội theo quy định; 100% cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em HIV được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; 100% trường học tạo cơ hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu.