Đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong đại dịch COVID - 19

10/09/2021 14:39 View Count: 339

Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em. Sáng ngày 08/9/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong đại dịch COVID - 19.

 

Đại biểu tỉnh Bắc Ninh tham dự Hội nghị trực tuyến

Tham dự và chủ trì Hội nghị có bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam; đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành, các chuyên gia; các đồng chí lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 20 tỉnh, thành phố tham dự hội nghị đầy đủ các điểm cầu.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết: Gần 18 tháng qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đặc biệt trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, chính quyền nhiều địa phương đã khẩn trương triển khai các giải pháp, hoạt động phòng, chống dịch bệnh và giảm tối đa các nguy cơ gây tổn hại khác cho trẻ em. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có các chính sách hỗ trợ người lao động mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi, chính sách hỗ trợ tăng thêm cho trẻ em F0, F1. Các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cá nhân tình nguyện cũng kịp thời chung tay cùng Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng, chính quyền các cấp góp công, của chăm sóc trẻ em, đặc biệt các em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch.

Các đại biểu tham luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung được nghe thảo luận, phát biểu và đề xuất, kiến nghị của đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các chuyên gia và trực tiếp từ một số địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang...

Để vượt qua những thách thức, tác động tiêu cực trước mắt và lâu dài của đại dịch Covid 19 đến việc bảo đảm quyền trẻ em, Thứ trưởng Bộ Lao động - TB và XH đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương quan tâm triển khai thực hiện trách nhiệm đối với trẻ em theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn, phòng, chống lây nhiễm Covid-19 cho trẻ em, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cách ly tập trung; Ưu tiên điều trị, chăm sóc trẻ em bị nhiễm Covid-19 tại các cơ sở y tế; trẻ em phải cách ly để phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung. Bảo đảm cung ứng thuốc, vật phẩm y tế và các gói an sinh xã hội cho gia đình có trẻ em là F0, F1 được chỉ định điều trị, cách ly tại gia đình; Triển khai kịp thời, đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người lao động mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi, trẻ em là F0, F1, trẻ em bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nhận được các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hỗ trợ bổ sung của địa phương; Bảo đảm an toàn, hiệu quả việc dạy và học trực tuyến, hình thành và kết nối, mở rộng mạng lưới dịch vụ công lập và tình nguyện về hướng dẫn, cung cấp trực tuyến và trực tiếp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội; Cập nhật, phổ biến đến từng hộ gia đình bằng mọi phương thức và trên mọi kênh truyền thông, thông tin các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội; phòng ngừa, xử trí các trường hợp bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, tai nạn, thương tích trẻ em. Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng dân cư và xã hội trong việc chăm lo cho trẻ em trong đại dịch Covid- 19; Nghiên cứu, đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến quyền trẻ em và các mục tiêu trung, dài hạn về phát triển toàn diện trẻ em để làm cơ sở xây dựng các chính sách, kế hoạch đặc thù, thực hiện giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em sau đại dịch./.

K.H