Di tích lịch sử văn hóa đình Nghiêm Thôn
Đình Nghiêm Thôn, thuộc thôn Nghiêm Thôn, thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ, được xây dựng từ thời Lê. Trải qua thời gian, đình được tôn tạo nhiều lần, gần nhất vào năm 2019, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Tòa Đại đình.
Căn cứ vào 2 tấm bia đá của đình Nghiêm Thôn có tên “Hậu Thần bi ký” năm 1769 và năm 1770 có nội dung cho biết: Vào thời Lê Trung Hưng, triều vua Lê Hiến Tông đã có đình Nghiêm Thôn. Nơi đây thờ phụng Thánh Nguyễn Tam Giang.
Cổng Tam quan đình Nghiêm Thôn.
Bia đá cổ trong khuôn viên đình.
Mái đình lợp ngói mũi, đao cong bờ nóc trang trí rồng chầu mặt nguyệt.
Cửa bức bàn làm bằng gỗ lim.
Đình có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Đại đình và hậu cung, mặt quay hướng Tây Nam. Đại đình 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, bộ khung gỗ lim to khỏe, được liên kết bởi các bộ vì, vì nóc có kết cấu kiến trúc kiểu “con chồng giá chiêng”, trên các bộ phận kiến trúc như con rường, bẩy được chạm khắc hoa lá cách điệu, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Trong đình còn bảo lưu một số tài liệu, hiện vật quý như: 03 bia đá có tên “Hậu Thần bi ký” 1769, 1770, 1917; ngai thờ, bài vị, hoành phi, câu đối... phản ánh về lịch sử, văn hóa của địa phương, đất nước qua các thời kỳ.
Hậu cung, nơi đặt bài vị thờ Thánh Nguyễn Tam Giang
Bộ bát bửu.
Đình là công trình văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương vốn được xây dựng để tôn thờ Nhị vị Thành hoàng, những người có công âm phù và đánh giặc Ân bảo vệ đất nước. Những ngày lễ hội truyền thống đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương hướng về cội nguồn.
Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Lễ hội đình Nghiêm Thôn diễn ra vào ngày 8/4 âm lịch hàng năm. Đình được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 04/8/2011.