Thống kê truy cập

Online : 3742
Đã truy cập : 151108673

Một số giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính của Sở Tài chính, góp phần nâng hạng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Bắc Ninh

06/11/2021 23:05 Số lượt xem: 496

Cải cách hành chính (CCHC) là quá trình cải biến có kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu hoàn thiện một hay một số nội dung của nền hành chính nhà nước (thể chế, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức…) nhằm xây dựng nền hành chính công đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và hiện đại.

Chỉ số CCHC là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính được Bộ Nội vụ ban hành tại Quyết định số 1149/QĐ-BNV ngày 31/12/2020 về phê duyệt Đề án "Xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" với mục tiêu: Theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện CCHC hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và yêu cầu: Chỉ số CCHC phải bám sát nội dung Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của các bộ, các tỉnh,...

Trong những năm qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện công tác CCHC và đạt được những kết quả nổi bật, góp phần xây dựng tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhân dân, doanh nghiệp được cải thiện rõ nét; các thể chế quản lý được cải cách và hoàn thiện, các văn bản được ban hành mới đều bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực. 

Năm 2020, kết quả Chỉ số CCHC của tỉnh Bắc Ninh đạt 85,3%, xếp thứ 17, nằm trong nhóm B, tăng 3,1% và tăng 01 bậc so với năm 2019.

Theo công bố của UBND tỉnh Bắc Ninh, năm 2020 có 15/17 Sở, ban, ngành được xếp loại tốt về chỉ số CCHC. Đối với cấp huyện, 08 đơn vị đều xếp loại khá. Đối với Sở Tài chính Bắc Ninh, đạt 94 điểm, nằm trong top 10 các Sở, ban, ngành có Chỉ số CCH xếp loại tốt.

Năm 2021, Sở Tài chính Bắc Ninh tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ trong công tác CCHC.

Công tác tuyên truyền công tác CCHC được chú trọng, đảm bảo hiệu quả, tập trung tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, của Sở về công tác CCHC tại cuộc họp, hội nghị của cơ quan, của phòng, đơn vị. Trên Trang Thông tin điện tử của Sở có 01 chuyên mục về cải cách hành chính để các tổ chức và cá nhân được biết. 100% thủ tục hành chính thuộc chức năng nhiệm vụ của Sở được đăng tải trên trang Web Sở Tài chính, đăng trên trang Chính quyền điện tử tỉnh và niêm yết công khai tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đảm bảo theo quy định.

Thực hiện tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; công khai địa chỉ tiếp nhận, số điện thoại, địa chỉ email để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị (trực tiếp qua Sở Tài chính, số 4, Đường Lý Thái Tổ, thành phố Bắc Ninh hoặc qua Website: http://stc.bacninh.gov.vn).

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, từng bước được đổi mới và nâng cao chất lượng. Quá trình tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tuân thủ theo quy định. Sở Tài chính thực hiện tham gia vào dự thảo các đề án, cơ chế, chính sách của Tỉnh và Trung ương có liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách. Tính từ đầu năm đến nay, Sở Tài chính tham gia ý kiến với 404 văn bản (trong đó có 47 văn bản của Bộ, ngành Trung ương và 357 văn bản của các ngành và tỉnh).

Công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên, liên tục. Từ đầu năm đến nay, đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố bãi bỏ 01 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực công sản; trình UBND tỉnh phê duyệt cắt  giảm có 26 thủ tục hành chính gồm các lĩnh vực: Quản lý Giá (01); Tài chính doanh nghiệp (02) và Quản lý công sản (23), tỷ lệ cắt giảm trung bình của các thủ tục hành chính này đạt 16,8%.

Hiện nay, Sở Tài chính có 55 thủ tục hành chính thực hiện công bố Danh mục theo quy định, trong đó cấp tỉnh: 38/42 thủ tục thuộc chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết của Sở; cấp huyện 10 thủ tục và cấp xã 03 thủ tục. Tiếp nhận và giải quyết, trả kết quả sớm hẹn đúng hạn 631 hồ sơ (đạt 100%); có 35/38 thủ tục hành chính triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3,4; hoàn thành tích hợp 35/35 thủ tục mức độ 3, 4 lên cổng dịch vụ công Quốc gia và của tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Tài chính tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính đã xây dựng; chế độ báo cáo định kỳ; tăng cường các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính và công khai minh bạch hoạt động của cơ quan; đẩy mạnh công tác tự kiểm tra nội bộ. Tiếp tục rà soát, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn hoạt động hiệu lực hiệu quả đảm bảo theo quy định; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản; quy chế dân chủ; chức năng, nhiệm vụ; chế độ trách nhiệm và mối quan hệ công tác giữa các phòng, đơn vị thuộc Sở đảm bảo công khai, minh bạch.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hoá hành chính được Sở Tài chính áp dụng, triển khai, gắn với công tác CCHC đạt được những kết quả tích cực; 100% văn bản phát hành được tạo hồ sơ công việc và ký số; 100% văn bản đến, đi được quản lý trên Hệ thống quản lý văn bản điều hành của tỉnh; 100% cán bộ sử dụng thư điện tử công vụ trong trao đổi công tác chuyên môn; 100% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở đang áp dụng theo ISO 9001:2015.   

Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; của Lãnh đạo Sở; sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành và các địa phương, cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở.

Năm 2021, công tác cải cách hành chính đã đạt được những thành tích, kết quả đáng kể. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, cải thiện chỉ số CCHC theo hướng bền vững, dài hạn; nhằm xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất, trong thời gian tới, Sở Tài chính cần triển khai, thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm vai trò của người đứng đầu.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về CCHC được giao tại chương trình, kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh. Việc xây dựng kế hoạch phải đảm bảo chất lượng, cần được đầu tư nghiên cứu có tầm chiến lược; xác định rõ kết quả đối với từng nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng phòng, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ; trên cơ sở đó thường xuyên đôn đốc, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện để chấn chỉnh kịp thời hạn chế, thiếu sót.

Thứ hai, phát huy tính sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, chính sách, công tác dự báo, phân tích xu hướng và yêu cầu cải cách để tham mưu, đề xuất xây dựng, sửa đổi các chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực của ngành tài chính và địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính phải gắn với nhiệm vụ cải cách nhằm phát huy mọi nguồn lực, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch. Cải cách thể chế hướng tới tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đồng thời cũng phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo hiệu quả

Công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với mọi người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đối với công tác CCHC cũng vậy, để nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức trong việc đẩy mạnh CCHC và phấn đấu xây dựng một nền hành chính hiện đại, thân thiện, minh bạch và hiệu quả.

Thứ tư, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công tác cải cách TTHC để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kiểm soát, cập nhật, bổ sung kịp thời việc ban hành các TTHC mới. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các tục hành chính, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện tốt việc công bố, công khai các quy trình, TTHC trong lĩnh vực tài chính. Nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính của Sở.

Thứ năm, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn hiệu lực, hiệu quả 

Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh về quy định cơ cấu tổ chức của Sở Tài chính.

Thứ sáu, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài chính đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ

Tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo trình độ chuyên môn cao, nâng cao chất lượng, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách, theo đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả công tác cán bộ. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo quá trình, đảm bảo tính liên tục, đa chiều, theo nhiều tiêu chí và mức độ hoàn thành công việc được giao. Thực hiện nghiêm các quy định trong công tác cán bộ về quản lý công chức, viên chức; Công tác luân phiên, luân chuyển, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.

Thứ bảy, chủ động triển khai, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của các đơn vị. Chú trọng việc xử lý công việc, công tác báo cáo và giải quyết TTHC được thực hiện trên môi trường mạng qua đó nâng cao hiệu quả giải quyết công việc trong hoạt động của đơn vị. Khai thác có hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tổ chức tuyên truyền, linh hoạt trong việc vận động người dân sử dụng dịch vụ Bưu chính công ích để đỡ tốn thời gian, công sức khi thực hiện TTHC.

Văn phòng Sở