Xây dựng doanh nghiệp công nghệ số VN cạnh tranh toàn cầu

14/10/2024 15:32 Số lượt xem: 7

Sáng 12.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đã chủ trì chương trình chào mừng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.

Mục đích của chuyển đổi số là phục vụ người dân

Tại tọa đàm trong khuôn khổ chương trình, nhiều câu hỏi được đặt ra về sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số của Chính phủ, các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Theo Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, Chính phủ có vai trò kiến tạo, nâng đỡ; hoạch định chiến lược phát triển chuyển đổi số quốc gia, với yêu cầu đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên, trong đó "tiến cùng và vượt lên về tư duy phải đi đầu".

Xây dựng doanh nghiệp công nghệ số VN cạnh tranh toàn cầu- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chào mừng ngày Chuyển đổi số quốc gia (10.10) năm 2024

ẢNH: TTXVN

Theo Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ người dân, nên người dân phải nhận thức được hiệu quả, tiện ích của chuyển đổi số và sử dụng các tiện ích này. Về giải pháp, cần đưa các dịch vụ công lên các nền tảng số "càng nhiều càng tốt" và đây là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, cần đầu tư hạ tầng điện, sóng, bảo đảm cơ hội tiếp cận dịch vụ số cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. "Như có những nơi chúng ta đầu tư kéo điện chỉ cho 10 nóc nhà, hiệu quả kinh tế không cao, nhưng đây là việc phải làm vì chính sách xã hội", Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nói.

Thực hiện mục tiêu kép về chuyển đổi số

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta tổ chức sự kiện quan trọng này, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định "mục tiêu kép": vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở trình độ cao; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số VN mạnh, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Trên thực tế, chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số đạt được nhiều kết quả tích cực, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt KT-XH, văn hóa của đất nước và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. VN có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế: chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193...

Doanh thu công nghiệp công nghệ số trong 9 tháng ước đạt 118 tỉ USD, tăng 17,8%; doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ số là 6,64 tỉ USD, tăng 9,9%. Xuất khẩu các sản phẩm công nghệ số 9 tháng ước đạt 100,8 tỉ USD, tăng 18,3%. Nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất, lắp ráp với giá trị hàng tỉ USD của các tập đoàn lớn Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor… và hàng chục dự án quy mô lớn đang được thương thảo.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm phát triển kinh tế số là nâng cấp nền kinh tế số với những đột phá và cải cách mạnh mẽ, toàn diện, bao trùm hơn nữa để VN bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trên các lĩnh vực. Về công nghiệp, chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống bằng công nghệ số, đưa công nghệ số vào nền kinh tế thực. Về nông nghiệp, phát triển nông nghiệp dựa trên công nghệ số; hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, nông dân số, nông thôn thông minh.

Về dịch vụ, thương mại, chuyển đổi, nâng cấp các ngành dịch vụ bằng công nghệ số, thúc đẩy số hóa, nhất là các ngành có giá trị gia tăng như tài chính, ngân hàng, logistics, vận tải, du lịch… Hình thành và xây dựng "Chương trình người VN ưu tiên dùng hàng VN trên không gian số".

Để đột phá hạ tầng số, Thủ tướng yêu cầu sớm đưa 5G vào thương mại tại một số TP lớn; khẩn trương xây dựng và đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia số 1 đi vào hoạt động vào cuối năm 2025...

Nguồn: S.T