Tín hiệu tích cực trong công tác bảo vệ môi trường ở Bắc Ninh

28/10/2024 19:53 Số lượt xem: 37

Sau nhiều nỗ lực, 158 cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê (Bắc Ninh) vừa xin dừng hoạt động. Một số cơ sở khác cũng tháo dỡ máy móc, tìm khu vực phù hợp sản xuất...

Làng nghề sản xuất giấy Phong Khê là một trong những đối tượng được nhận định đã 'bức tử' môi trường.

 

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, với quan điểm nhất quán “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, Bắc Ninh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực hành động vì môi trường sạch. Đáng chú ý, năm 2019, tỉnh Bắc Ninh xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2025, được Tỉnh ủy thông qua, HĐND tỉnh ra Nghị quyết lấy chủ đề năm 2019 là “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch” và thực hiện liên tục các năm tiếp theo.

Đối với làng nghề sản xuất giấy ở Phong Khê, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng xử lý quyết liệt, đồng bộ các vi phạm, sai phạm theo lộ trình và phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường ở làng nghề. Công an tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện trinh sát, xử lý nghiêm, đúng quy định nếu doanh nghiệp, hộ sản xuất có hành vi gây ô nhiễm môi trường…

Là đơn vị quản lý trực tiếp, UBND TP. Bắc Ninh đã liên tiếp kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp bàn về lộ trình di dời các hộ dân sản xuất giấy tại phường Phong Khê, bảo đảm yếu tố môi trường bền vững.

Ngay sau hội nghị giải quyết ô nhiễm môi trường sản xuất giấy Phong Khê đầu tháng 7/2024, UBND TP. Bắc Ninh đã lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy trong khu dân cư phường Phong Khê để xác lập biên bản ghi nhớ cam kết dừng sản xuất theo lộ trình.

Chủ tịch UBND TP. Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu cho biết, dự kiến hết tháng 10, đoàn sẽ tiến hành kiểm tra tiếp 50 cơ sở, doanh nghiệp và tháng 11 sẽ kiểm tra tất cả doanh nghiệp còn lại tại phường Phong Khê, nhằm giải quyết căn bản vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, bảo đảm sự phát triển hài hoà, bền vững của tỉnh trong tương lai.

Khẳng định lại quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Bắc Ninh gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở sản xuất giấy tại làng nghề Phong Khê, Cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du), đúc nhôm Văn Môn (Yên Phong) và những làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, nếu có vi phạm về môi trường, đất đai xây dựng nhà xưởng, xả thải trái phép, không bảo đảm an toàn về điện, xây dựng trái phép thì áp dụng biện pháp đóng cửa không cho hoạt động, tuyệt đối không có sự thỏa hiệp.

Tiếp tục tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường, bám sát tiến độ cụ thể, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại Phong Khê, Phú Lâm, Văn Môn và các địa phương có làng nghề gây ô nhiễm môi trường.

Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Bắc Ninh làm việc với các chủ sản xuất giấy phường Phong Khê.

Màu đen đã giảm, mang màu xanh hy vọng mới

Kết quả sau những năm tháng nỗ lực bảo vệ môi trường, sông Ngũ Huyện Khê – con sông thơ mộng bắt nguồn từ huyện Đông Anh (Hà Nội), chảy qua địa phận TP. Từ Sơn, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) và đổ ra sông Cầu trên địa phận TP. Bắc Ninh - nhiều năm dài bị các làng nghề biến thành “dòng sông chết” giờ đã dần hồi sinh: Nguồn nước không còn đen sì hay đỏ lựng, nhiều sinh vật thủy sinh sống và phát triển tốt ở đây...

Đáng chú ý, 158 cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê và một số cơ sở khác hiện cũng tháo dỡ máy móc, tìm khu vực phù hợp để sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề… Đáng ghi nhận, bản thân nhiều người dân đã nhận ra sai phạm của cơ sở sản xuất và cam kết sẽ chấp hành theo sự chỉ đạo của huyện và tỉnh.

Theo kế hoạch, TP. Bắc Ninh sẽ hoàn tất việc kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất giấy và hơi thương phẩm nằm trong khu dân cư trước ngày 30/10/2024. Với các cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp, trong tháng 11, TP. Bắc Ninh cũng sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát, nếu cơ sở nào có phần đất, không phải đất sản xuất kinh doanh cũng sẽ phải dừng hoạt động trước ngày 31/12/2024. Chậm nhất đến năm 2029, đảm bảo 100% cơ sở sản xuất giấy tại Phong Khê phải di dời.

Không chỉ có Phong Khê, tại Phú Lâm, các cơ sở sản xuất nằm ngoài Cụm công nghiệp Phú Lâm cũng đã đồng thuận chủ trương di dời, một số cơ sở sản xuất đang tiến hành thực hiện nốt các đơn hàng để di dời nhà xưởng trước ngày 31/12/2024 theo chủ trương của UBND tỉnh Bắc Ninh.

Đặc biệt, để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, hướng tới việc biến điện rác thành nguồn năng lượng mới, đến nay tỉnh Bắc Ninh đã triển khai 4 dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại các huyện: Quế Võ, Thuận Thành và Lương Tài với tổng công suất khoảng 1.800 tấn/ngày, đêm.

Đến thời điểm này, 3 nhà máy đã đi vào hoạt động, góp phần quan trọng trong xử lý rác thải tại địa phương, tuy vậy, bước đầu hoạt động, các nhà máy phát sinh một số vướng mắc, như Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã An Thịnh (Lương Tài), do Công ty TNHH năng lượng mới EU-CONCH VENTURE Bắc Ninh làm chủ đầu tư, được vận hành thử nghiệm tháng 11/2023, vận hành thương mại vào tháng 4/2024, đang tiếp nhận và xử lý rác thải cho các huyện Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài.

Theo lãnh đạo nhà máy, trong quá trình vận hành, các chỉ số môi trường bảo đảm, không vượt quá tiêu chuẩn; an toàn điện năng, phòng cháy, chữa cháy; lượng tro xỉ được xử lý hợp chuẩn. Tuy nhiên, lượng rác cung cấp cho nhà máy chưa bảo đảm công suất xử lý 300 tấn rác/ngày, đêm (hiện mới đạt 200 tấn/ngày, đêm); đơn giá xử lý rác thải quá thấp, trong khi chi phí xử lý bảo vệ môi trường cao, gây áp lực cho doanh nghiệp; kiến nghị hỗ trợ, khuyến khích tái sử dụng tro xỉ hợp chuẩn…

Còn tại Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái (thị xã Thuận Thành) do Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành và Tập đoàn JFE Nhật Bản hợp tác đầu tư, công suất xử lý 500 tấn rác/ngày, đêm công suất phát điện từ 11-13 MW, được vận hành thử nghiệm từ tháng 11/2023, đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để vận hành thương mại vào quý I/2025, lãnh đạo cũng kiến nghị điều chỉnh tiến độ dự án; xác định, phê duyệt đơn giá xử lý rác thải sinh hoạt chính thức thay cho đơn giá tạm tính hiện nay; khó khăn trong xử lý tro xỉ; nghiệm thu, thanh toán tiền xử lý rác thải…

Trực tiếp tới kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhà máy đốt rác phát điện đang phải đối mặt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải giao các sở, ngành chức năng giải đáp kiến nghị về xác định đơn giá, điều chỉnh tiến độ dự án, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt; đồng ý chủ trương cho Nhà máy điện rác Thuận Thành sử dụng khu xử lý chất thải thông thường của công ty làm nơi xử lý lượng tro xỉ phát sinh; Sở Xây dựng rà soát, kiểm nghiệm, giúp Nhà máy điện rác Lương Tài tiêu thụ lượng tro xỉ hợp chuẩn; đồng thời yêu cầu Nhà máy điện rác Lương Tài nhanh chóng hoàn thiện trồng dải cây xanh, bảo đảm môi trường sinh thái xung quan nhà máy.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương, như huyện Yên Phong tập trung thu gom, vận chuyển lượng rác thải tồn đọng về Nhà máy điện rác Lương Tài để xử lý, đáp ứng đủ công suất; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm ban hành thông tư hướng dẫn để các nhà máy điện rác đi vào vận hành chính thức, bảo đảm năng lực xử lý hiệu quả nhất.

Một lần nữa, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ông Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh: “Lĩnh vực môi trường là lĩnh vực rất khó, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo nhiều giải pháp với tinh thần quyết liệt song kết quả thực hiện chưa được như kỳ vọng. Quan điểm của tỉnh đối với các cơ sở tại làng nghề Phú Lâm, Phong Khê, Văn Môn cứ vi phạm về môi trường, giấy phép xây dựng, xả thải trái phép đều có thể áp dụng biện pháp mạnh nhất là đóng cửa hoạt động, kiên quyết không châm chước và không thỏa hiệp. Đến ngày 31/12/2024, tất cả cơ sở ngoài cụm công nghiệp sẽ phải đóng cửa dừng hoạt động”.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục rà soát các điểm “nóng” gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh để đề xuất giải pháp xử lý; tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường, giai đoạn 2019 - 2025; đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện các Kết luận 739, 740 của Tỉnh ủy Bắc Ninh, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; đồng thời xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, đưa ra giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo tiến độ đề ra…

Nguồn: Bacninh.gov.vn