Bắc Ninh đi đầu thực hiện cơ chế, chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân Dân ca Quan họ
(BNP) – Ngay sau khi Dân ca Quan họ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Di sản. Nổi bật là việc ban hành nhiều chính sách đối với các nghệ nhân và các làng Quan họ, qua đó, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của tỉnh đối với việc giữ gìn hồn cốt, tinh hoa văn hóa của quê hương, dân tộc. Bắc Ninh là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước thực hiện tôn vinh và có chế độ đãi ngộ nghệ nhân.
Các nghệ nhân Dân ca Quan họ trên địa bàn phường Thị Cầu trong một buổi sinh hoạt tại Nhà chứa Quan họ.
Đến nay, UBND tỉnh phong tặng 156 nghệ nhân Dân ca Quan họ. Chủ tịch nước phong tặng 09 nghệ nhân nhân dân, 37 nghệ nhân ưu tú, 02 nghệ sĩ nhân dân, 17 nghệ sĩ ưu tú.
Đối với 156 nghệ nhân Dân ca Quan họ được tỉnh cấp Bằng công nhận của Chủ tịch UBND tỉnh, kèm theo tiền thưởng một lần bằng 07 lần mức lương cơ sở và các chế độ kèm theo gồm: hưởng số tiền trợ cấp hàng tháng bằng 01 lần mức lương cơ sở; hỗ trợ mức phí tham gia Bảo hiểm y tế hàng năm; hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Thềm.
Đối với danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", "Nghệ nhân nhân dân" được Chủ tịch nước phong tặng (mà nhà nước không có chế độ đãi ngộ) thì được áp dụng thụ hưởng một mức (một lần) chế độ đãi ngộ của tỉnh. Cụ thể, danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", được hưởng số tiền trợ cấp hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở; hỗ trợ mức phí tham gia Bảo hiểm y tế hàng năm; hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước. Với danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", được hưởng số tiền trợ cấp hàng tháng bằng 2 lần mức lương cơ sở; hỗ trợ mức phí tham gia Bảo hiểm y tế hàng năm; hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước.
Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Không gian diễn xướng dành riêng cho người yêu Quan họ.
Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân cũng có những hình thức tôn vinh, động viên các nghệ nhân, nghệ sĩ, tiêu biểu như Quỹ Phạm Văn Trà…
UBND tỉnh công nhận 44 làng Quan họ gốc, 150 làng Quan họ thực hành. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ làng Quan họ, câu lạc bộ Quan họ hằng năm với mức hỗ trợ: Làng Quan họ gốc là 30 triệu/làng/năm; làng Quan họ thực hành là 20 triệu/làng/năm; câu lạc bộ Quan họ ngoài tỉnh 20 triệu/ câu lạc bộ /lượt thăm.
Nhà chứa Quan họ Lim số 2.
Trong giai đoạn 2009 – 2024, tỉnh Bắc Ninh đã dành nhiều kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, trang thiết bị liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca Quan họ. Trong đó, gồm: quần thể văn hóa khu Thủy tổ Quan họ Bắc Ninh, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh; 06 chòi hát Dân ca Quan họ trên khuôn viên di tích đồi Lim (huyện Tiên Du); 11 Nhà chứa Quan họ - thiết chế văn hóa đặc thù riêng có của người Quan họ; đầu tư trang thiết bị cho 45 câu lạc bộ Quan họ thuộc 44 làng Quan họ gốc. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh các hình thức sinh hoạt văn hoá ở cộng đồng và tăng cường hoạt động giao lưu giữa các địa phương, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh.