Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Chúng ta sẽ thay thế lao động kỹ thuật “nhập khẩu”

25/02/2015 02:56 View Count: 93
Thẳng thắn thừa nhận những tồn tại của ngành xuất khẩu lao động; khó khăn của nguồn nhân lực Việt Nam khi tham gia cộng đồng ASEAN (AEC); hiệu quả chưa cao của một số chương trình mục tiêu quốc gia;… Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Thị Hải Chuyền đã chia sẻ về những nỗ lực cải thiện công tác trong năm 2015 và xây dựng mẫu hình nhân lực đạt chuẩn hội nhập.

Thưa Bộ trưởng, năm 2014 có khá nhiều sự kiện lớn đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, bà đánh giá sự kiện nào quan trọng và tác động nhiều nhất đến ngành?


- Năm 2014, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiều sự kiện quan trọng như: Hoàn thiện nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về lĩnh vực lao động - việc làm, bảo trợ xã hội và người có công; Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật; tổ chức thành công Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ X; lần đầu tiên, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 người; nhiều giải pháp mới trong phòng, chống tệ nạn ma túy được đề xuất;… 
Theo tôi, sự kiện quan trọng và tác động nhiều nhất đến ngành là Bộ đã tham mưu xây dựng, hoàn thiện nhiều luật được Quốc hội thông qua như Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và trình Quốc hội Luật An toàn, vệ sinh lao động; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Việc làm. Đây là những cơ sở pháp lý, là căn cứ quan trọng trong việc xây dựng và hoạch định chính sách liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, sự kiện Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật vào ngày 28/11/2014 với 100% phiếu biểu quyết cũng là sự kiện quan trọng đối với công tác của bộ, ngành và những tác động của nó đến đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Đây là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật.


Nhiều năm qua, Bộ luôn quan tâm đến mục tiêu xây dựng đội ngũ lao động, nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng tiệm cận về trình độ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thời điểm này, khi ASEAN đã là một thị trường chung, Bộ trưởng cho rằng chúng ta sẽ hướng tới xây dựng mẫu hình người lao động Việt Nam với những tiêu chí nào để đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới với nhiều cơ hội và không ít cạnh tranh?


- Để xây dựng mẫu hình người lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới, chúng ta phải triển khai xây dựng một số tiêu chí, nhưng trước tiên lao động phải được đào tạo để có một nghề. Để hội nhập cạnh tranh, người lao động cũng phải có sức khỏe để đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp, kỹ năng nghề. Khả năng ngoại ngữ của người lao động cũng là một trong những điểm yếu của chúng ta hiện nay, trong khi các nước trong khối ASEAN, lao động của họ hơn hẳn ta về trình độ ngoại ngữ. AEC với rất nHiều doanh nghiệp ngoại cũng không có cửa cho người mù tịt về ngoại ngữ. Ngoài ra, trong một cộng đồng chung với hàng chục quốc gia, chừng ấy nền văn hóa và trình độ phát triển, nếu lao động của ta không có tác phong công nghiệp, ít vốn sống,… cũng khó hội nhập.
Ngoài những đòi hỏi trên, lao động phải đạt trình độ tin học IC3 do Certiport American đánh giá và công nhận.


Năm 2014, công tác xuất khẩu lao động của ta đạt được thành tựu rất đáng ghi nhận: Đưa 106.840 người đi làm việc ở nước ngoài (con số trung bình năm là 85.000 người). Tuy nhiên, ngoài nguồn thu ngoại tệ, giải quyết việc làm,… ngành xuất khẩu lao động còn đối mặt với nhiều khó khăn như: Những rủi ro của thị trường xuất khẩu, các cộng đồng kinh tế - xã hội mở cửa và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Theo Bộ trưởng, chúng ta có nên quá “trông cậy” vào “kênh” này trong lâu dài hay không?


- Ngành xuất khẩu lao động của ta ngoài những rủi ro về sự biến động của thị trường xuất khẩu và những vấn đề phát sinh “hậu xuất khẩu” khi người lao động về nước thì hiện vẫn là “kênh” quan trọng, là giải pháp hữu hiệu giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Thực tế hiện nay tỉ lệ lao động qua đào tạo của ta thấp, kỹ năng và trình độ ngoại ngữ cũng rất hạn chế, trong ngắn hạn “kênh” xuất khẩu lao động vẫn nhiều ý nghĩa và chúng ta phải tận dụng.
Về lâu dài, tôi muốn chúng ta xây dựng được đội ngũ lao động có tay nghề, có sức khỏe, kỷ luật và trình độ ngoại ngữ tốt để hòa nhập trong AEC, với các quốc gia trên thế giới và ngay tại sân nhà, chúng ta sẽ dần thay thế lao động kỹ thuật “nhập khẩu” lâu nay.


Thưa Bộ trưởng, dù đã nỗ lực triển khai nhưng các chương trình mục tiêu quốc gia của ngành vẫn bị đánh giá là hiệu quả chưa cao, triển khai chậm và đôi chỗ còn lãng phí... Bộ trưởng sẽ triển khai những biện pháp gì để những chính sách nhân văn và rất có ý nghĩa của Nhà nước đến được với nhân dân?


- Trong những năm qua, Bộ được giao triển khai hai Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững và Việc làm - Dạy nghề. Hai chương trình này đã góp phần hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tăng cường xuất khẩu lao động và phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là ở khu vực nông thôn. 
Đồng thời, chương trình cũng góp phần cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Về tình trạng một số nơi, một số nội dung, hoạt động được đánh giá là chưa hiệu quả, triển khai chậm, còn thất thoát, lãng phí..., nguyên nhân được chỉ ra là: Việc phân bổ nguồn lực còn dàn trải. Ngoài nguồn kinh phí từ Trung ương, các địa phương phải bố trí nguồn lực để thực hiện, song thực tế các địa phương chưa quan tâm bố trí đủ kinh phí để đảm bảo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ dẫn đến một số dự án, công trình, hạng mục còn dở dang, kéo dài, chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng, chưa phát huy được hiệu quả đầu tư.... 
Công tác kiểm tra, giám sát của Cơ quan quản lý chương trình, Cơ quan quản lý dự án còn hạn chế, chưa thực hiện đúng quy định. Chính sách hỗ trợ hộ nghèo chủ yếu hỗ trợ để xử lý khó khăn trước mắt, chưa có chiến lược lâu dài làm động lực để thúc đẩy người nghèo tự vươn lên.
Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với trách nhiệm là cơ quan quản lý chương trình sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính phân bổ nguồn lực gắn với hướng dẫn mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình. Năm 2015 là năm cuối thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2011 - 2015, bộ sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương rà soát mục tiêu, nhiệm vụ; ưu tiên tập trung hoạt động và nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm; tổ chức đánh giá Chương trình giai đoạn 2011 - 2015 làm cơ sở đề xuất Chương trình giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của bộ tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chương trình để nắm vững những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương để hướng dẫn nghiệp vụ hoặc đề xuất các giải pháp trình Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện kịp thời. 
Trước mắt đề xuất Chính phủ xác định lại chuẩn nghèo cho giai đoạn 2016 - 2020, xóa bỏ một số chính sách hỗ trợ cho không chuyển sang tạo điều kiện người nghèo được vay. Đề xuất dành nguồn lực đầu tư hạ tầng cho các xã khó khăn giảm tỉ lệ nghèo cho đồng bào dân tộc.


Trong năm qua, một số chương trình, dự án công tác xã hội của ta phối hợp hoặc được thụ hưởng sự hỗ trợ về tài chính của các quốc gia, tổ chức quốc tế đến giai đoạn kết thúc. Theo Bộ trưởng, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai các chương trình này như thế nào khi không còn nhận được nguồn tài chính ổn định?


- Trong lĩnh vực công tác xã hội, Bộ chú trọng đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, bao gồm các tổ chức đa phương, song phương và các tổ chức phi chính phủ về cả 3 lĩnh vực: Kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính. Nhiều năm qua, các đối tác quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy các hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội với những kết quả hết sức quan trọng, cụ thể: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật phát triển nghề công tác xã hội đã được ban hành, quy định về chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội; quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội; tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội; tiêu chuẩn cộng tác viên công tác xã hội cấp xã/phường…
Bên cạnh việc huy động các nguồn lực quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn tập trung triển khai các giải pháp nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng, nguồn lực trong nước để thúc đẩy các hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội. Bộ đặc biệt quan tâm đến việc tham mưu Chính phủ để có cơ chế tạo điều kiện để xã hội hóa công tác xã hội, thúc đẩy để có nhiều trung tâm công tác xã hội, trung tâm chăm sóc đối tượng xã hội được hình thành từ mọi tổ chức, cá nhân. Cũng vì thế, khi một số chương trình không còn được hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, chúng ta không bị “hẫng”.

Nguyen Kinh Duc
Source: BBN