bn-current-user-online-portlet

Online : 2560
Total visited : 150726674

Yên Phong đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch tay chân miệng

02/05/2024 08:10 View Count: 196

Địa bàn huyện Yên Phong vừa ghi nhận 01 ổ dịch tay chân miệng tại thôn Ngô Xá, xã Long Châu với 02 ca mắc là chị em sinh đôi trong một gia đình. Thực tế số lượng ca bệnh tay chân miệng được ghi nhận trên địa bàn từ đầu tháng 4 đến nay cũng tăng hơn nhiều so với các tháng trước. Vì vậy, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Yên Phong đang đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động phòng chống dịch tay chân miệng trên địa bàn

Ngày 22/4/2024, TTYT huyện Yên Phong nhận được thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh có 02 trường hợp bệnh nhân tay chân miệng lâm sàng là chị em sinh đôi trong một gia đình tại thôn Ngô Xá, xã Long Châu, huyện Yên Phong đang điều trị nội trú tại đơn vị. TTYT đã cử cán bộ điều tra, giám sát và xác minh 02 ca bệnh nêu trên. 2 bệnh nhi sinh ngày 25/10/2023, khởi phát ngày 17 và 19/4 với biểu hiện sốt, chán ăn, xuất hiện ban dạng phỏng ở lòng bàn tay, chân. Ngày 20 và 21/4, 2 bệnh nhi lần lượt được đưa đến khám và nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi. Hiện tình hình sức khỏe 2 bé đã ổn định, hết sốt, ăn uống được.

Chị Nguyễn Thị Mỹ (thôn Ngô Xá, xã Long Châu, huyện Yên Phong) là mẹ 2 bé cho biết, các cháu không đi đâu xa trong vòng 14 ngày kể từ trước ngày khởi phát. Chưa được 1 tuổi nên 2 bé chỉ ở nhà với ông bà, thỉnh thoảng sang hàng xóm và ra ngoài đường chơi. Không có tiền sử tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nào. “Em cũng có tìm hiểu về bệnh và biết nếu trở nặng, bệnh sẽ có các biến chứng nguy hiểm nên ngay khi bé thứ 2 có các triệu chứng tương tự như bé đầu, gia đình đã đưa ngay con lên Bệnh viện Sản Nhi để được khám và điều trị kịp thời” – chị Mỹ chia sẻ thêm.

Chùm 2 ca bệnh là chị em sinh đôi tại thôn Ngô Xá, xã Long Châu, huyện Yên Phong đang được điều trị tay chân miệng tại cơ sở y tế

Xác định có 01 ổ Tay chân miệng, tại thôn Ngô Xá, xã Long Châu nên TTYT huyện Yên Phong đã báo cáo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và UBND huyện, chỉ đạo Trạm Y tế xã Long Châu triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch. Cán bộ Y tế trực tiếp hướng dẫn gia đình vệ sinh nhà cửa, vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn Cloramin B. Đồng thời, tăng cường truyền thông trên hệ thống loa đài địa phương, truyền thông tích cực tới hộ gia đình, đặc biệt các gia đình có trẻ nhỏ về các nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Qua giám sát chủ động tại ổ dịch và cộng đồng hiện chưa ghi nhận thêm ca mắc mới – Bác sĩ Kiều Xuân Đạm, khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS cho biết.

Tay chân miệng là một trong những bệnh truyền nhiễm thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng có xu hướng tăng cao vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Mắc tay chân miệng, trẻ sẽ có tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối. Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.

Theo thống kê của TTYT huyện Yên Phong, từ đầu năm 2024 đến ngày 23/4, toàn huyện ghi nhận 30 ca mắc tay chân miệng, cao gấp 5 lần so với cùng kì năm trước. Trong đó, hơn 70% số ca mắc ghi nhận trong tháng 4/2024. Thực tế, số lượng này có thể còn cao hơn do nhiều trẻ khám và điều trị tại các phòng khám tư. Dự báo bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng trong thời gian tới do bệnh có tính chất lây truyền, chưa có vắc xin để phòng bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương – Giám đốc TTYT huyện Yên Phong cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm để sẵn sàng các phương án giám sát, xử lí, không để dịch lây lan trên diện rộng. Nhận định tình hình dịch có xu hướng gia tăng, ngày 15/4/2024, TTYT đã ban hành kế hoạch số 81/KH-TTYT riêng về phòng chống dịch tay chân miệng năm 2024 nhằm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng, khống chế tỷ lệ mắc và không để bệnh nhân tử vong do mắc tay chân miệng. Ngay khi ghi nhận ổ dịch, song song với việc tập trung chỉ đạo giám sát, xử lý ổ dịch, TTYT huyện đã tăng cường viết bài tuyên truyền, phối hợp với Đài phát thanh huyện tổ chức tiếp sóng tại tất cả 14 trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn. Bên cạnh việc tuyên truyền kiến thức về bệnh tay chân miệng, đơn vị chú trọng thông tin cho cộng đồng về tình hình dịch bệnh trên địa bàn để người dân nắm bắt và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Đặc biệt, TTYT cũng phối hợp với Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện trong việc phối hợp, chỉ đạo các trường mầm non công lập và tư nhân trên địa bàn tăng cường công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh dụng cụ học tập, đồ chơi và vệ sinh thân thể cho trẻ. Khuyến cáo nhà trường và gia đình nên cho trẻ đi khám để chẩn đoán xác định bệnh, cách ly, cho trẻ nghỉ học nếu mắc bệnh để tránh lây lan cho trẻ khác.

Tay chân miệng là bệnh dễ lây truyền, nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Hiện việc điều trị tay chân miệng vẫn chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho trẻ. Những trẻ bị nhẹ, hoàn toàn có thể điều trị tay chân miệng tại nhà; tuy nhiên với những trẻ diễn biến nặng, nếu không kịp thời điều trị sẽ có những biến chứng nặng về não bộ, hô hấp, tim mạch, thậm chí là tử vong. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo ngoài việc thực hiện 3 sạch (ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch) để phòng bệnh thì cần theo dõi sát tình hình sức khỏe của trẻ để phát hiện tay chân miệng và đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.

Bích Nhã