bn-current-user-online-portlet

Online : 3377
Total visited : 150752864

Y tế Bắc Ninh vững vàng vượt thách thức

05/01/2021 09:47 View Count: 404
Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc và có những ca đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam cũng là những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi. Không có được một cái Tết “bình yên” như mọi năm, toàn ngành Y tế lên “dây cót”, sẵn sàng cho một cuộc chiến chưa rõ hồi kết. Để chuẩn bị đối phó với một loại dịch bệnh truyền nhiễm mới, có mức độ nguy hiểm được xếp vào nhóm A, lực lượng chống dịch của ngành Y tế ở tất cả các tuyến được huy động tối đa.

Tinh thần chống dịch được nêu cao và lan truyền mạnh mẽ trong lực lượng cán bộ, nhân viên y tế.

Ngay khi dịch mới xuất hiện, xác định Bắc Ninh là địa phương có đông người nước ngoài sinh sống và làm việc, sự giao lưu, giao thương quốc tế rất năng động, đa dạng, nguy cơ lây nhiễm, lây lan COVID-19 từ nguồn này là rất cao, tinh thần chống dịch từ Ban Chỉ đạo tỉnh luôn ở trạng thái khẩn trương, quyết liệt. Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, ngành Y tế với vai trò là cơ quan thường trực đã chủ động và tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh sớm có công văn chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện cách ly người nhập cảnh đến hoặc đi qua vùng dịch; tổ chức rà soát, lập danh sách tất cả các trường hợp nhập cảnh và thực hiện cách ly y tế bắt buộc.

Sau này, ở mỗi giai đoạn dịch khác nhau, việc chỉ đạo công tác phòng, chống dịch có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, song đều xoay quanh phương châm “4 tại chỗ” (Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, thuốc, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ và nhân lực tại chỗ). Với việc duy trì phương châm này, cùng với những kinh nghiệm được rút ra qua thời gian dài chống dịch, nhiều bài học quý báu vẫn nguyên giá trị và tiếp tục được áp dụng như: Chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến của dịch, các tình huống phát sinh để kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống dịch; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ và các biện pháp phòng ngừa; nắm chắc tình hình các trường hợp người Việt Nam, người nước ngoài đến từ hoặc đi qua vùng có dịch để thực hiện tuyên truyền, cách ly và theo dõi theo quy định; giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc và nghi mắc tại cộng đồng…

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nhiều ngành, lực lượng vất vả, song có lẽ chịu áp lực lớn nhất là cán bộ y tế. Nếu như lực lượng y tế dự phòng áp lực về việc điều tra, giám sát tại cơ sở, tiếp xúc từng đối tượng nguy cơ, thì đội ngũ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân nghi mắc và các ca dương tính ngoài rủi ro có thể bị lây nhiễm còn phải tiếp tục cách ly gia đình thêm nửa tháng sau khi bệnh nhân cuối cùng được công bố khỏi bệnh, xuất viện. Vì vậy, có những cán bộ y tế phải ở bệnh viện liên tục đến 2 tháng dù nhà cách cơ quan chỉ vài cây số. Trên thực tế, sự hy sinh thầm lặng này không phải ai cũng thấu hiểu.
Bác sĩ CKII Ngô Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: “Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cùng nhân dân cả nước, cán bộ của Trung tâm sẵn sàng tinh thần để chạy đua, trực dịch 24/24. Trong tình hình đó, chúng tôi đã tận dụng được những khoảng “thời gian vàng” để áp dụng hiệu quả các biện pháp chống dịch”. Nhớ lại thời điểm dịch COVID-19 mới “du nhập” vào Việt Nam, bác sĩ Xuân xúc động: “Năm 2020, những cán bộ trực tiếp tham gia chống dịch không có Tết và ngày nghỉ. Ngày 30 Tết, cán bộ đơn vị vẫn đi giám sát phòng, chống dịch tại các huyện, ngày mồng 2 Tết đã có mặt ở cơ quan để triển khai công việc bất kể ngày đêm hay những khó khăn của thời tiết, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ”.

Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên đường làm nhiệm vụ.
 

Tham gia chống dịch tại tuyến xã, y sỹ Phạm Thị Thu Hà, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoàn Sơn (Tiên Du) chia sẻ: “Địa bàn có KCN với rất đông lao động nước ngoài, nên công tác chống dịch vô cùng vất vả. Bản thân tôi, trong giai đoạn đầu chống dịch có khoảng 2 tuần đi từ sáng đến 10 giờ đêm, buổi trưa tranh thủ làm báo cáo. Trạm phân công nhân viên y tế phối hợp với lực lượng Công an tiến hành rà soát từng thôn có người Trung Quốc thuê trọ, đúng với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Quá trình làm việc với người nước ngoài gặp nhiều cản trở do bất đồng ngôn ngữ, vì thế có khi chỉ một hộ cho thuê nhà mà phải chờ đợi cả buổi sáng. Căng thẳng do áp lực rà soát nhanh để kiểm soát tốt người nước ngoài nhiều đêm khiến tôi mất ngủ”.
Càng những ca bệnh tiếp xúc với nhiều người trong cộng đồng và cơ sở y tế, mức độ cảnh báo “khẩn cấp” càng cao. Một trong những thí dụ sinh động về sự “thần tốc” trong chống dịch phải kể đến ca bệnh nhân 262 ở Hà Nội, làm việc tại Công ty Samsung (KCN Yên Phong) hay bệnh nhân 84 tuổi Nguyễn Thị Ch. ở khu Cô Mễ, phường Vũ Ninh (thành phố Bắc Ninh) nghi ngờ mắc COVID-19 sau 2 lần xét nghiệm sàng lọc dương tính có thời gian ngắn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh... Câu chuyện rạng sáng họp chống dịch, nửa đêm ra văn bản chỉ đạo, điều tra, giám sát xuyên đêm... dường như không còn là câu chuyện “hiếm có, khó tìm” trong mùa dịch.

Song song với việc điều tra, giám sát tại cộng đồng, hoạt động xét nghiệm luôn được coi là khâu mấu chốt để sớm phát hiện ca mắc, kịp thời khoanh vùng, dập dịch. Để đáp ứng yêu cầu về xét nghiệm tại chỗ trong tình hình dịch có nhiều diễn biến phức tạp, giảm tải cho tuyến trên, phòng Xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh từ việc chỉ thực hiện được xét nghiệm sàng lọc đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận xét nghiệm khẳng định từ cuối tháng 4-2020 sau những nỗ lực nâng cao năng lực, chất lượng xét nghiệm.

Theo các kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, mỗi mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cần đến 6 giờ đồng hồ kể từ công đoạn tách chiết mẫu đến khi có kết quả. Ở những thời điểm cấp bách, khi trong cộng đồng xuất hiện những ca tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 (F1) thì việc xét nghiệm đương nhiên được đặt lên hàng đầu. Tính đến ngày 5-12-2020, phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, cơ quan chuyên môn đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho gần 14,8 nghìn người với hơn 25 nghìn mẫu. Con số đó khá sinh động để minh chứng cho khối lượng công việc mà đội ngũ kỹ thuật viên xét nghiệm phải đảm nhiệm trong thời gian qua.

Theo báo cáo cập nhật đến hết tháng 11, Bắc Ninh ghi nhận 8 trường hợp mắc COVID-19, tất cả đều nhập cảnh từ nước ngoài và đã được điều trị khỏi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đáng nói, mặc dù có rất nhiều trường hợp F1, F2... Bắc Ninh không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Vài nét phác thảo có thể chưa khắc hoạ đầy đủ bức tranh y tế Bắc Ninh năm 2020, song hy vọng có thể góp thêm một góc nhìn về ngành Y trong những tháng ngày căng mình chống dịch.

Việt Hoa