bn-current-user-online-portlet

Online : 3427
Total visited : 151108203

Triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hiệu quả cho trẻ em

18/02/2022 08:39 View Count: 109

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc mua và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đang tập trung đánh giá một cách toàn diện, khoa học khách quan và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới.

Theo báo cáo mới nhất được tổng hợp gần đây, tỷ lệ biến chứng nặng do Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi chỉ ở mức 5% so với 10% ở người lớn. Tuy nhiên, tình trạng viêm đa cơ quan gặp ở nhóm này và điều trị không hề đơn giản. Ngoài ra, các báo cáo gần đây cho thấy tỷ lệ không nhỏ hội chứng hậu Covid-19 cũng ghi nhận ở trẻ em, theo đó, trẻ có biểu hiện mệt mỏi hoặc nhanh mệt khi làm việc, học tập, khó tập trung (dấu hiệu sương mù não). Đây là trở ngại lớn đối với việc học tập và thời gian các triệu chứng này tồn tại khá dài, từ vài tuần đến vài tháng sau đó. Trước sự lây lan mạnh của các biến thể, trong khi nhóm trẻ lớn và người lớn đã được bảo vệ bằng vắc-xin nhưng vẫn duy trì khả năng lây nhiễm, số trường hợp mắc ở lứa tuổi nhỏ ngày một tăng, kèm theo số lượng trường hợp nặng và nguy kịch cũng tăng theo, do đó, các địa phương chịu áp lực lớn trong quyết định mở cửa trở lại của các trường học. Không ít trường vừa mở cửa đã ngay lập tức phải đóng vì số ca mắc trong trường học tăng cao.

Tại nước ta, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc mua vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức mua, triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả. Hiện nay Bộ Y tế đang tập trung đánh giá toàn diện cũng như thường xuyên tham khảo Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm từ các nước đang tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em.

Từ kinh nghiệm của hơn 40 quốc gia trên thế giới triển khai vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, chương trình tiêm chủng tại Việt Nam cần tiến hành với kế hoạch và chiến lược phù hợp. Trước tiên, cần tăng cường hợp tác với các cộng đồng để quảng bá vắc-xin là đáng tin cậy thay vì chỉ yêu cầu cộng đồng tin tưởng. Thông qua nỗ lực đó, cần tập trung xây dựng độ tin cậy của vắc-xin. Chính các thầy thuốc là nguồn thông tin đáng tin cậy về thông tin vắc-xin phòng Covid-19, bản thân họ cũng cần có nhận thức đầy đủ nhất về giá trị của vắc-xin và từ đó lan tỏa thông tin, nhưng họ không phải là nguồn duy nhất. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng điều quan trọng là phải dựa vào chuyên môn và tiếng nói của các đối tác tại cộng đồng.

Phương tiện truyền thông xã hội cũng là một cách hiệu quả để tiếp cận thanh thiếu niên có thể tự quyết định xem họ có muốn tiêm vắc-xin Covid-19 mà không cần sự đồng ý của cha mẹ. Thanh thiếu niên cũng có thể ảnh hưởng đến cha mẹ và các thầy thuốc cũng cần sử dụng mạng xã hội để lan tỏa những thông điệp quan trọng này. 

Công tác chuẩn bị về chuyên môn không khác nhiều so với giai đoạn triển khai cho trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, công tác tập huấn, lập kế hoạch và triển khai cần phải làm một cách thận trọng. Theo đó, cán bộ y tế không chỉ dừng lại ở tư vấn cho đối tượng tiêm chủng mà cần tư vấn cả cho cha mẹ của trẻ để có thể theo dõi trẻ tại nhà một cách cẩn trọng và sẵn sàng hỗ trợ khi được yêu cầu. 

Đáng chú ý, hiện nay các bậc cha mẹ nhận được rất nhiều thông tin về bệnh ở trẻ em cũng như vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Không ít thông tin trong đó bị sai lệch về vắc-xin Covid-19 có thể khiến họ cảm thấy quá tải. Các bậc cha mẹ nên tin tưởng vào truyền thông chính thống và có thể trò chuyện với con cái về thông tin của phương tiện truyền thông và đánh giá thông tin đó. Và họ có thể nói chuyện với trẻ về cách tiêm vắc-xin có thể bảo vệ cho bản thân và những người khác. Tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên là rất quan trọng để tăng cường sức khỏe và thể chất của họ, cũng như tiến gần hơn đến việc chấm dứt đại dịch.

Thanh Thương