bn-current-user-online-portlet

Online : 3429
Total visited : 150766508

Triển khai thử nghiệm tiêm vắc xin phòng COVID-19 ARTC-154 tại Yên Phong

21/09/2021 16:25 View Count: 625

Chiều 20/9, tại UBND huyện Yên Phong, Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Sở Y tế và chính quyền địa phương tổ chức hội nghị triển khai thử nghiệm tiêm vắc xin ARTC-154 tại huyện Yên Phong. Dự hội nghị có GS.TS Lê Thị Hương – Viện trưởng Viện nghiên cứu Y học dự phòng và Y tế công cộng – Đại học Y Hà Nội, đồng chí Nguyễn Chí Cường – Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, đồng chí Nguyễn Bá Quý – Phó giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh và các đơn vị liên quan.

Vắc xin ARTC-154 được Tập đoàn Vingroup mua công nghệ vắc xin mRNA phòng COVID-19 của Công ty Arcturus  (Hoa Kỳ) và triển khai đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Chương trình thử nghiệm vắc xin ARTC-154 được Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Quân Y cùng triển khai. Đại học Y Hà Nội đã triển khai thử nghiệm vắc xin ARTC-154 giai đoạn 1 tại Hà Nội từ giữa tháng 8 với sự tham gia của 100 tình nguyện viên. Bắc Ninh được lựa chọn để triển khai giai đoạn 2 tại địa bàn huyện Yên Phong.

 5 xã được chọn để thử nghiệm tiêm vắc xin ARTC-154 là Thị trấn Chờ, Tam Giang, Yên Phụ, Hòa Tiến và Đông Thọ. Mỗi xã sẽ có tối thiểu 85 tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm loại vắc xin này. Tình nguyện viên tham gia nghiên cứu là người trên 18 tuổi, được trải đều ở các độ tuổi và cả nhóm đối tượng người trên 65 có các bệnh lí nền như tăng huyết áp, đái tháo đường... Trước khi tiêm thử nghiệm, các tình nguyện viên được khám sàng lọc và làm các xét nghiệm. Nhóm nghiên cứu sẽ làm việc với địa phương, tổ chức tập huấn, tuyên truyền lựa chọn đối tượng, và chính thức tổ chức khám sàng lọc cho các đối tượng nghiên cứu từ ngày 23 đến 25/9 tại các trạm y tế xã. Sau đó, các tình nguyện viên sẽ được tiêm thử nghiệm mũi 1 vắc xin ARTC-154 từ ngày 26 đến 28/9; mũi thứ 2 tiêm cách mũi 1 28 ngày, từ 24 – 26/10. Các đối tượng nghiên cứu sẽ được theo dõi sát tình trạng sức khỏe, thực hiện xét nghiệm đánh giá mức độ kháng thể sau khi tiêm vắc xin trong khoảng 13 tháng liên tục.

 Các loại vắc xin chống COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA của Arcturus đã và đang được thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ, Singapore và nhiều nước khác trên thế giới. Kết quả nhận được rất khả quan, tỉ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt yêu cầu và đáp ứng độ an toàn, khả năng dung nạp. ARTC-154 là vắc xin được sản xuất theo công nghệ mRNA đầu tiên của Việt Nam, cũng là công nghệ tân tiến nhất hiện nay, cho phép sử dụng liều vắc xin thấp hơn, trong khi kích thích miễn dịch kéo dài hơn, cho hiệu quả phòng ngừa biến thể nCoV nhanh chóng và đơn giản, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Alpha, Beta, Delta, Gamma...

Kết thúc giai đoạn 2, nếu vắc xin ARCT-154 thể hiện tính an toàn, khả năng dung nạp tốt sẽ tiếp tục được đưa vào thử nghiệm giai đoạn 3 tại Bắc Ninh với 600 tình nguyện viên được tiêm.


 

Lê Hồng - Thanh Xuân